(QT) - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Do đó, chỉ khi nào người dân thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động quản lý của Nhà nước thì việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền mới thực sự thành công. Chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước ta luôn luôn chủ trương thu hút nhân dân lao động tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng. Khoản 2, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 nước ta ghi nhận: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Như vậy, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì trước hết nhân dân phải tham gia quá trình quản lý, giám sát hành chính nhà nước. Nhân dân tham gia quản lý, giám sát thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp. Nhân dân có thể tự mình tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước với tư cách là cán bộ, công chức (nếu đáp ứng được yêu cầu); nhân dân có thể tự mình đi bầu ra người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương và giám sát các đại biểu đó. Nhân dân cũng có thể tự mình tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội (nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân) để trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội. Nhân dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động quản lý hành chính nhà nước thể hiện vai trò quan trọng của nhân dân trong quản lý hành chính nhà nước, đồng thời xác định những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện trong việc bảo đảm những điều kiện cơ bản để nhân dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Từ thực tế cho thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì những hình thức để nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, vào công việc quản lý hành chính nhà nước rất phong phú, đa dạng. Nó cho phép người dân có thể biểu đạt ý chí, nguyện vọng của mình với các cơ quan nhà nước trong việc hình thành nên các chính sách, pháp luật cũng như việc quyết định và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, bên cạnh những thành quả đạt được từ sự thừa nhận, tôn trọng và thu hút nhân dân tham gia quản lý, giám sát đối với quản lý hành chính nhà nước thì sự tham gia của người dân vào quá trình này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đối với hình thức tham gia gián tiếp, sự tham gia của nhân dân vào việc quản lý nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào phương thức lựa chọn người đại diện và phương thức hoạt động của cơ quan đó. Theo quy định hiện hành, giữa người đại diện và người được đại diện còn có khoảng cách khá xa và lỏng lẻo. Những người được bầu vẫn đại diện cho nhân dân một cách chung chung, chưa có sự gắn bó giữa người được bầu với cử tri. Hơn nữa, về phía người dân, do trình độ nhận thức, trình độ pháp lý cũng như chưa thấy hết quyền lợi, nghĩa vụ của mình nên việc đi bầu người đại diện vẫn mang tính chiếu lệ. Đối với hình thức tham gia trực tiếp, theo Hiến pháp quy định, nhân dân có quyền quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước thông qua trưng cầu dân ý và trực tiếp quyết định các vấn đề có liên quan đến đời sống ở nơi cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay, trưng cầu dân ý vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, vẫn mang nặng tính hình thức. Nhiều địa phương, cán bộ chính quyền cơ sở tập trung vào hoạt động xây dựng hương ước, quy ước của dân, bắt dân chịu nhiều quy định hơn là việc thực hiện công khai, xin ý kiến nhân dân về các việc làm của chính quyền. Về phía người dân do trình độ, do các mối quan hệ thân thiết và do sự thiếu nghiêm minh trong xử lý vi phạm của cán bộ nên họ cũng ít bày tỏ chính kiến của mình, trừ các vấn đề đã trở nên quá bức xúc. Chính điều này không chỉ hạn chế quyền tham gia quản lý của người dân, không phát huy được sức mạnh của nhân dân trong việc quản lý, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương mà còn là nguyên nhân của nhiều vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Nguyên nhân của thực trạng đó xuất phát từ sự nhận thức của xã hội còn hạn chế. Người dân chưa hiểu hết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc quản lý, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh để các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan đại biểu, phải thực hiện các nhiệm vụ mà nhân dân ủy quyền và để nhân dân kiểm soát sự ủy quyền của mình. Việc tổ chức các hình thức, phương thức tham gia của người dân được các cơ quan nhà nước thực hiện cũng chưa thật khoa học. Việc tiếp thu, giải quyết các vấn đề mà nhân dân nêu ra chậm và luôn bị tránh, né làm giảm lòng nhiệt tình của nhân dân. Nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia quản lý, giám sát hoạt động quản lý hành chính nhà nước thật sự có hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế nhà nước, thể chế hành chính nhà nước, có cơ chế huy động người dân tham gia, giám sát đối với quản lý hành chính nhà nước. Tiếp tục cải cách nền hành chính nhà nước; đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước; mở rộng sự triển khai minh bạch, tạo cơ hội để người dân nắm được các công việc của nhà nước để tham gia một cách chủ động, thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục mở rộng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tham gia của người dân đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật. Để vấn đề này trong thời gian tới phát huy được hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách và mọi cơ chế, chính sách phải thực sự “lấy dân làm gốc”. NGUYỄN QUỐC THANH