Hồi sinh trên vùng đất anh hùng
(QT) - Nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Trung là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa lâu đời. Từ năm 1930-1931, trên mảnh đất này, Chi bộ Huỳnh Công - một trong 3 chi bộ đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Linh được thành lập. Trải qua những năm tháng chống giặc ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Trung vừa chiến đấu, vừa lao động, sản xuất, lập nên nhiều chiến công vang dội. Hòa bình lập lại, Vĩnh Trung bắt tay khai hoang phục hóa, từng bước xây dựng ...

Hồi sinh trên vùng đất anh hùng

(QT) - Nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Trung là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa lâu đời. Từ năm 1930-1931, trên mảnh đất này, Chi bộ Huỳnh Công - một trong 3 chi bộ đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Linh được thành lập. Trải qua những năm tháng chống giặc ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Trung vừa chiến đấu, vừa lao động, sản xuất, lập nên nhiều chiến công vang dội. Hòa bình lập lại, Vĩnh Trung bắt tay khai hoang phục hóa, từng bước xây dựng cuộc sống mới. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mảnh đất anh hùng này đã thực sự hồi sinh.

Một góc xã Vĩnh Trung hôm nay. Ảnh: Phương Nga

Nhắc lại lịch sử của mảnh đất này, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Vĩnh Trung là một phần của xã kháng chiến Vĩnh Hoàng. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, tháng 6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551-NĐ/TTg, thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Từ đây Vĩnh Linh trở thành đặc khu trực thuộc Trung ương và xã Vĩnh Hoàng được chia tách thành 4 xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái. Lúc này, Vĩnh Trung gồm 3 thôn: Huỳnh Công Đông, Thuỷ Trung, Mỹ Hội có 430 hộ với dân số 2.500 người. Tổ chức đảng cũng được tách ra từ Chi bộ Vĩnh Hoàng với 58 đảng viên, kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Hoàng.

Từ những năm 1955-1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Trung bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang phục hoá, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau 5 năm, đời sống của nhân dân được nâng cao; văn hoá - xã hội phát triển; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam.

Năm 1965, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Vĩnh Trung thường xuyên nằm trong tầm hoạt động liên tục của máy bay Mỹ. Pháo từ hạm đội ngoài biển bắn vào, từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, máy bay ném bom các loại của Mỹ, kể cả máy bay chiến lược B52 chà đi xát lại mảnh đất nhỏ bé này hàng ngàn lần, có đợt kéo dài 10 ngày đêm liên tục. Nếu bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ trong suốt 7 năm chiến tranh phá hoại thì Vĩnh Trung phải chịu gấp đôi, gấp ba. Nhưng với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả Vĩnh Trung trăm người như một, kiên cường bám trụ, vững chắc tay cày, tay súng, chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để hạn chế sự thương vong về người và thiệt hại về tài sản, toàn xã đã chuyển mọi sinh hoạt xuống lòng đất. Bằng bàn tay rắn chắc và sức mạnh của ý chí chiến thắng, lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Trung đã đào đắp trên 10 triệu mét khối đất làm hầm hào, công sự, đảm bảo an toàn cho 26 trận địa pháo và 5 kho lương thực, quân trang quân dụng; đào trên 18 vạn mét giao thông hào, 7.000 mét địa đạo, vận chuyển 2.100 tấn thóc, gạo, quân trang quân dụng; mở và bảo vệ trên 20 km đường giao thông qua các địa bàn ác liệt; tháo dỡ và phá hủy trên 6.000 quả bom các loại; chế tạo trên 900 quả mìn định hướng. Đặc biệt, trên trận tuyến trực tiếp chống quân thù, lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Trung đã liên tiếp lập được nhiều chiến công vang dội. Từ những khẩu súng trường, những trận địa pháo cao xạ sát cánh với đơn vị phòng không của quân khu và các đơn vị bạn, lực lượng dân quân của xã đã biến bầu trời Vĩnh Trung thành tọa độ lửa, trực tiếp bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Trong khói lửa của chiến tranh, Vĩnh Trung vẫn đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo được lương thực tại chỗ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục, y tế đều duy trì. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” được đẩy mạnh tạo ra không khí phấn khởi trong chiến sĩ và quần chúng nhân dân.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Trung vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến các loại. Có 21 bà mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Đặc biệt ngày 11/6/1999, Chủ tịch nước đã kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Trung vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Đây là phần thưởng vô cùng cao quý, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Trung vươn lên khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Cho đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, 20 năm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Vĩnh Trung đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Về kinh tế, Vĩnh Trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa cây, đa con, bước đầu ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh có giá trị hàng hóa. Ngành nghề dịch vụ phát triển đa dạng. Đến cuối năm 2018, tổng thu nhập xã hội đạt 97,7 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng, tăng gấp 9 lần so với năm 2000, tỉ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn 5,6%.

Các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, công trình “đền ơn đáp nghĩa” được xây dựng khá hoàn chỉnh. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, thông tin được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng làng văn hoá, đơn vị văn hoá được đẩy mạnh. Đến nay có 3/3 làng, 2 trường học đạt danh hiệu văn hóa, UBND xã đạt cơ quan văn hóa. Tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 90,8%.

Sự nghiệp giáo dục có những chuyển biến tiến bộ, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Cơ sở vật chất trường học được xây dựng mới hiện đại và khang trang. Thực hiện tốt phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở, từng bước phổ cập bậc trung học phổ thông. Tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng. Công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh.

Công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng. Đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảng bộ nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh uỷ Quảng Trị, Huyện ủy Vĩnh Linh tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Về công tác chính quyền, Vĩnh Trung đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lí điều hành về phát triển kinh tế - xã hội. Mặt trận luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới, trở thành cầu nối mật thiết giữa Đảng, chính quyền với khối đại đoàn kết toàn dân. Năm 2016, Vĩnh Trung được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hoàng Văn Sơn

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Trung