Báo chí Quảng Trị lớn mạnh cùng quê hương
Nhà báo Trần Trọng Tốn, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Trị: Sự lãnh đạo của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng- hai yếu tố quan trọng làm nên sự nghiệp báo chí
Thấm thoắt mà đã hai mươi năm lập lại tỉnh Quảng Trị. Những ngày này hai mươi năm về trước, những người làm báo chúng tôi đã sống trong niềm phấn chấn và mừng vui khôn tả khi được trở lại quê hương sau 14 năm sống trong "ngôi nhà chung" Bình Trị Thiên. Mừng, nhưng vẫn nặng trĩu nỗi lo lắng đến nhiệm vụ trước mắt vì khi chia ra, Quảng Trị gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi nhất. Nhận nhiệm vụ trước Thường vụ Tỉnh ủy, 6 anh chị em (Trần Trọng Tốn, Lê Tài Di, Lê Văn Cần, Hoàng Đức, Đinh Như Hoan, Hoa Phượng) là những phóng viên, biên tập viên, cán bộ hành chính từ Báo Bình Trị Thiên tách ra hình thành một tổ do tôi phụ trách với gia tài vẻn vẹn 1 máy đánh chữ, 1 máy ảnh hiệu Pratica gần hết giá trị sử dụng, bắt tay vào làm báo Quảng Trị số 1. Giai đoạn này có hai cuộc họp quan trọng. Cuộc họp thứ nhất, chúng tôi mời các Bí thư, Chủ tịch các huyện, một số trưởng ban ngành liên quan với mục đích thông báo Quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy cho phép xuất bản báo Quảng Trị; thành lập Ban Biên tập, đồng thời đặt vấn đề với các huyện giúp đỡ báo về ngân sách để xuất bản báo những số đầu tiên. Cuộc họp thứ hai đó là họp cộng tác viên. Trước đó, thường xuyên cộng tác cho báo Bình Trị Thiên ở địa bàn Quảng Trị chưa đến 10 người. Sau khi có báo Quảng Trị, những cộng tác viên này đã trở thành những hạt nhân nhiệt tình, tâm huyết trong công tác thông tin cho báo Quảng Trị ở khắp các địa bàn trong tỉnh.
.jpg) |
Ban thư ký chi hội báo Quảng Trị thăm và tặng quà cho nhà báo Trần Trọng Tốn, nguyên Tổng Biên tập báo Quảng Trị nhân 80 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Thành Dũng |
Khó có thể kể hết những khó khăn, thách thức buổi ban đầu. Ra Đông Hà, tỉnh phân cho báo Quảng Trị một căn nhà nhỏ, mùa hè nóng như lửa đốt, bụi đỏ cuốn vào mù mịt, ngày mưa, gió lùa hun hút, nước từ ngoài đường không thoát kịp tràn vào nhà, ngập đến bắp chân. Anh em dồn cả vào khuôn viên không đến 30 m2 ấy vừa là chỗ ở, vừa là nơi làm việc. Phương tiện cơ động của phóng viên chỉ là những chiếc xe đạp cũ không chống chọi nổi với những cơn gió Lào quần quật thổi rát mặt suốt mùa nam nắng. Do vậy mà có anh em khắc phục bằng cách ăn cơm tối xong mới lên đường đi công tác, lúc đó nắng, gió cũng đã dịu đi nhiều, sáng tinh mơ về lại cơ quan kiêm luôn công tác biên tập, ma két, tiếp cộng tác viên, họp hành... Rảnh ra là chung tay dọn dẹp, vén khéo để căn nhà thân thương của mình dù chật chội nhưng vẫn luôn được gọn gàng, tươm tất. Khi bài vở, ma két của số báo đầu tiên đã hoàn tất, tất cả được gói gém để lên đường vào Đà Nẵng in thì...không đủ tiền. Tỉnh đã quan tâm giải quyết ngay khâu quan trọng này bằng cách cho ứng trước một khoản vừa đủ chi phí. Ngày 13/7/1989, cùng lúc với báo Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, báo Quảng Trị số 1 ra đời. Thời điểm này, rất nhiều con dân Quảng Trị khi nghe nhạc hiệu và lời xướng :"Đây là Đài phát thanh Quảng Trị" phát buổi đầu tiên, cầm tờ báo Quảng Trị số 1 còn thơm mùi mực mới, đã không cầm được nước mắt! Hai mươi năm đã trôi qua, điều đọng lại trong tôi là những ngày chung lưng đấu cật, đồng lòng, đồng sức, coi nhau như anh em một nhà trong đại gia đình báo Quảng Trị để lo tròn công việc mà Đảng bộ và nhân dân giao phó. Tôi rất vui mừng khi nhận thấy mối quan hệ tốt đẹp này vẫn duy trì cho đến hôm nay. Chính môi trường làm báo giàu tính nhân văn, có sự đồng thuận cao, trên dưới một lòng sẽ bồi đắp niềm say mê nghề nghiệp, tiếp thêm nguồn năng lượng tinh thần quý giá để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ dù có gặp khó khăn, thử thách đến nhường nào. Bây giờ, báo Quảng Trị đã có bước phát triển vượt bậc. Dù báo in còn thưa kỳ nhưng tin tức luôn được cập nhật một cách sớm nhất qua báo Quảng Trị điện tử, hòa nhập vào xa lộ thông tin toàn cầu. Nội dung và hình thức của báo đã có bước đổi mới. Cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư khá hoàn chỉnh. Báo Quảng Trị vẫn giữ vững ở tốp đầu là báo Đảng địa phương trong nước có nhiều giải báo chí Quốc gia và chuyên ngành nhất. Tất cả thành tựu đó luôn làm cho chúng ta trân trọng và tự hào. Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi rút ra những điều tâm đắc. Nhà báo có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng thôi, chưa đủ. Phải dấn thân vào nghề nghiệp bằng cả tâm huyết và năng lực của mình mới hy vọng thu được những hiệu quả đích thực. Bên cạnh đó, phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng là hai yếu tố quan trọng làm nên nền báo chí cách mạng, làm nên sự nghiệp báo chí cách mạng với những thành tựu to lớn như ngày hôm nay. Nhà báo Trần Đăng Mậu, Thư ký Chi hội Nhà báo Đài PTTH tỉnh: Tạo vấn đề để thu hút sự quan tâm của công chúng-nét mới trong các chương trình của Đài PT-TH Quảng Trị Chi hội Nhà báo Đài PTTH tỉnh là chi hội được hình thành từ các phân hội ở Đài Truyền thanh huyện, thị xã và Đài tỉnh. Đây là chi hội có nhiều hội viên nhất của Hội Nhà báo tỉnh, với gần 60 hội viên. Từ thực tiễn sinh động của cuộc sống, trong những năm qua Chi hội đã cùng với cơ quan không ngừng chú trọng việc nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng. Đặc biệt gần đây, những người làm báo nói, báo hình tỉnh nhà đã biết tạo vấn đề để thu hút sự quan tâm của công chúng, đó là vào những thời điểm thích hợp trên sóng thời sự hay các chuyên mục chuyên đề đã có hàng loạt tin, bài, phóng sự đưa tập trung về một chủ đề, mà gần đây nhất là sery phóng sự về 50 năm đường Trường Sơn, vấn đề "Tam nông", chính sách kích cầu của Chính phủ, phong trào thi đua ái quốc, hay chùm phóng sự về những chặng đường của 20 năm tỉnh nhà tái lập. Ngoài công tác chuyên môn nghiệp vụ có tính định kỳ, trong những năm qua với nhiều sự kiện lớn của quê hương, đất nước, những người làm báo của Đài đã phối hợp cùng Đài THVN tổ chức được nhiều chương trình truyền hình trực tiếp để lại ấn tượng đối với đồng bào cả nước như: Huyền thoại Trường Sơn, Một thời hoa lửa, Khúc tráng ca về một dòng sông; phối hợp với Đài TH thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình cầu truyền hình trực tiếp như: Đất nước tôi, Chung một bóng cờ, Nhịp cầu xuyên Á, phối hợp cùng Đài PTTH Hà Nội thực hiện các điểm cầu trực tiếp như: Khát vọng độc lập thống nhất, Thống nhất non sông, Âm vang Trường Sơn; ngoài ra Đài cũng đã chủ động tổ chức nhiều chương trình có tính quy mô, như truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn của tỉnh như Đại hội Đảng bộ tỉnh, các kỳ họp HĐND, các đại hội của các đoàn thể, các chương trình có tính định kỳ như: Tấm lòng quê hương- tiếp sức đến trường, Nối vòng tay nhân ái... Ở mỗi chương trình đó, mỗi cán bộ, phóng viên với tư cách là những hội viên đã đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động sáng tạo của nhà báo, vừa trực tiếp tham gia xây dựng kịch bản, cho đến đạo diễn, quay phim, dẫn chương trình, cùng các vai trò quan trọng khác đã thực sự trở thành đội ngũ không thể thiếu trong các hoạt động chuyên môn, được đông đảo bạn đồng nghiệp và khán giả ghi nhận. Bên cạnh đó, năm thứ 3 cứ đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Chi hội duy trì việc đi thăm và tặng quà cho các nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay tấm gương dũng cảm, vượt khó, được các hội viên phát hiện và đưa vào tác phẩm phát sóng. Qua 3 năm thực hiện Chi hội đã thăm động viên được 8 nhân vật, trong đó có nhiều tấm gương sáng. Điều đó cho thấy để duy trì và tạo ra các hoạt động của phong trào thì tính phát hiện đề tài và phản ánh kịp thời của người làm báo cũng cần được đề cao, có như vậy mới phát huy chức năng thông tin của báo chí. Ngoài những hoạt động nói trên, Chi hội còn tổ chức các hoạt động khác, như hưởng ứng tham gia các giải báo chí do Hội Nhà báo Trung ương và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, tham gia các kỳ Liên hoan Phát thanh và Truyền hình do 2 Đài TƯ tổ chức, đạt một Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc và nhiều Bằng khen khác, Hiện nay, những người làm báo của Chi hội Nhà báo Đài PTTH tỉnh đang phát động đợt thi đua mới, với nhiều hoạt động thiết thực đến từng hội viên. Đó là tiếp tục luân phiên thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp vào trưa thứ 6 hàng tuần để gây quỹ hoạt động, mỗi phân hội cơ sở phấn đấu mỗi tháng có ít nhất 2 tin, bài hay về chủ đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để phát trên sóng PT- TH. Đặc biệt nhân kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, Chi hội đã chủ động đề xuất cùng cơ quan phát động Cuộc thi tác phẩm PT-TH về Người tốt, việc tốt trong toàn thể hội viên và cộng tác viên. Cuộc thi nhằm phát hiện những cá nhân, tập thể có những việc làm tốt để nhân rộng điển hình, khơi dậy phong trào thi đua ái quốc trong quần chúng nhân dân. Cuộc thi dự kiến sẽ tổng kết và tổ chức giao lưu trực tiếp trên sóng truyền hình về những tấm gương và tác giả có tác phẩm đạt giải. Hy vọng những nội dung này sẽ là những tác phẩm báo chí hay, ấn tượng để chào mừng Đại hội Hội Nhà báo Quảng Trị và chào mừng sự kiện 20 năm tái lập tỉnh Quảng Trị. *Nhà báo Đào Tâm Thanh, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Quảng Trị: "Đẳng cấp" của phóng viên: Năng lực phát hiện đề tài và khả năng huy động ngôn ngữ để xử lý đề tài thành tác phẩm báo chí có chất lượng cao Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn tin cậy của nhân dân, Báo Quảng Trị luôn chú trọng đến việc tuyên truyền các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra của những nghị quyết và các chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc do cuộc sống xã hội đặt ra với dòng chủ lưu xuyên suốt: "Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội" Ngoài đảm bảo thông tin thường xuyên cập nhật trên báo, Ban biên tập Báo Quảng Trị luôn chú trọng trong công tác định hướng tuyên truyền, khai thác thông tin, nắm bắt sự kiện, lựa chọn đề tài, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phóng viên tác nghiệp, xây dựng các tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao. Để có tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao, trước hết lãnh đạo cơ quan đã giao trách nhiệm cho các Tiểu ban nghiệp vụ và Ban Thư ký chi hội xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, hội viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết với nghề nghiệp, nhanh nhạy, xốc vác. Đối với mỗi cơ quan báo chí, lực lượng phóng viên là đội quân chủ lực trực tiếp tạo ra sản phẩm báo chí. Họ là người nắm vững đối tượng nghiên cứu, đối tượng phục vụ của tờ báo, đồng thời họ cũng là người nắm vững định hướng tuyên truyền, biết rõ chủ đích của mỗi kỳ ra báo. Họ là người có kỹ năng làm báo, luôn đứng đầu nguồn sự kiện, gắn bó mật thiết với cuộc sống, phản ánh cuộc sống bằng sự thực mắt thấy tai nghe. Nhưng trước hết, để có tác phẩm đạt chất lượng cao, phóng viên, hội viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc của nghề làm báo và quy ước đạo đức báo chí, trong đó có những đức tính như: Tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm, đức khiêm tốn... Tuyệt đối tôn trọng sự thực khách quan; phải có trách nhiệm cao với thông tin mà mình đã đưa ra trong tác phẩm báo chí. Bên cạnh đó, tác phẩm báo chí có chất lượng cao phải luôn là tác phẩm đi đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, không phục vụ lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo dư luận tốt đẹp trong xã hội và được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Hay nói cách khác, một tác phẩm báo chí có chất lượng cao phải hội đủ các tiêu chí: Cách viết phải hấp dẫn, hành văn truyền cảm, cao hơn là phải tự xây dựng cho mình một phong cách viết báo; tư liệu phải chính xác, có hiệu quả xã hội, được dư luận thừa nhận. Đương nhiên, để có tác phẩm báo chí chất lượng cao thì đề tài phải hay, chủ đề phải có ý nghĩa lớn, thu hút được sự quan tâm của dư luận. Chủ đề tác phẩm báo chí là sự minh chứng thái độ chính trị của phóng viên. Chủ đề được xác định rõ ràng cũng là thông điệp quan trọng biểu lộ sự nhanh nhạy, mẫn cảm, tinh tường trong khám phá, phát hiện vấn đề của phóng viên. Không thể có bài báo hay nếu bài viết của phóng viên không phát hiện được cái mới, không đề cập được vấn đề mới, không phân tích, lý giải đúng thực chất vấn đề đang đặt ra. Chủ đề trong đề tài tuyên truyền phải là điều được người viết phát hiện trước tiên. Chủ đề được xác định rõ sẽ là cơ sở, là nguồn mạch quan trọng xuyên suốt giúp phóng viên dễ dàng hình thành bố cục, chọn lựa những chi tiết đắt giá cho bài viết. Có thể khẳng định rằng năng lực phát hiện đề tài và khả năng huy động ngôn ngữ để xử lý đề tài thành tác phẩm báo chí có chất lượng cao phản ánh thực chất nhất "đẳng cấp" của phóng viên. Khi nói về nghề báo, nhà báo, nhà báo Hữu Thọ đã sử dụng một cụm từ ngắn gọn nhưng có tính khái quát cao. Ông cho rằng, những người làm báo phải có :"Mắt sáng-Lòng trong- Bút sắc". Trong lời giới thiệu của cuốn: "Viết cho độc giả" của tác giả Lui Hơvuơ, Tổng giám đốc Trường Đại học báo chí Lille (Pháp), nhà báo Phan Quang đã viết: "Người làm báo muốn làm tròn vai trò là người thông tin, người giáo dục thì trước hết cần không ngừng tiếp thu thông tin, bồi bổ kiến thức. Điều đó cắt nghĩa vì sao người làm báo phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Học trong cuộc sống. Học qua sách báo, qua mọi phương tiện truyền thông. Học từ độc giả của mình. Học bạn bè, đồng nghiệp"... Đó cũng là bài học chung cho tất cả các nhà báo chúng ta. PV (thực hiện)