"Lần đầu tiên tôi tham gia một buổi lễ hiến máu nhân đạo được tổ chức trang trọng như thế này", bác sĩ Trần Quốc Toản, khoa Gây mê hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Triệu Hải tâm sự trong buổi lễ hiến máu nhân đạo của CBVC ngành Y tế do Sở Y tế tổ chức. Đã hơn 15 lần hiến máu nhưng những lần trước không ai biết đến ông, người bác sĩ đã thầm lặng hiến những giọt máu quý giá của mình cứu sống những bệnh nhân qua cơn nguy kịch trong từng ca mổ. Với ông, cứu người bằng mọi cách là bổn phận và trách nhiệm cao cả của mỗi thầy thuốc. Đến Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải, mọi người đều biết đến bác sĩ Trần Quốc Toản bởi ông là một bác sĩ giỏi, tận tình với công việc, ông còn là người có số lần hiến máu nhân đạo nhiều nhất trong toàn bệnh viện. Với những bệnh nhân trong cơn nguy kịch, cần truyền máu gấp bác sĩ Toản luôn sẵn sàng cho máu nếu nhóm máu mình phù hợp. Bác sĩ Toản vui vẻ cho biết: "Hiến máu là hoạt động đã trở thành thói quen đối với bản thân tôi, hễ khi có bệnh nhân cần máu gấp mà nguồn máu trong bệnh viện không có là tôi sẵn sàng hiến máu. Sau khi cho máu mình, ăn uống bồi dưỡng thì sẽ phục hồi sức khỏe, trong khi đó những giọt máu ấy lại góp phần cứu sống sinh mạng của người bệnh". Với cách suy nghĩ ấy, hơn 20 năm qua, người bác sĩ ấy đã không nhớ rõ bao nhiêu lần mình đã tình nguyện hiến máu, con số cơ bản nhất mà cho đến bây giờ ông nhớ ra là "hơn 15 lần". Bác sĩ Toản nhớ lại cái lần đầu tiên ông tham gia hiến máu nhân đạo là vào năm 1985, lúc ông còn là sinh viên năm thứ hai, trường Trung cấp kỹ thuật TƯ 2 - Đà Nẵng. Một cảm giác thật thiêng liêng khi ông được cùng bạn bè của mình tham gia hiến máu giúp đỡ các bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Biết mình góp được một phần công sức nhỏ bé để cứu sống người bệnh làm cho cậu sinh viên Toản ngày ấy thấy mình sống thực sự có ý nghĩa hơn. Bắt đầu từ lần hiến máu đầu tiên đó cho đến nay đã hơn 20 năm công tác, bác sĩ Toản chưa từ chối một lần hiến máu nào. Về công tác tại bệnh viện khu vực Triệu Hải, đặc thù của khoa Gây mê hồi sức cấp cứu là nơi tiếp nhận các bệnh nhân nặng, thường mất nhiều máu, mà bệnh viện thì không có sẵn máu dự trữ. Do vậy, ngoài nguồn máu từ ngân hàng máu của tỉnh cung cấp, phần còn lại do các cán bộ, y bác sĩ trong bệnh viện hiến tặng. Chị Văn Thị Oanh ở Long Hưng, xã Hải Phú vẫn chưa quên cái ngày cách đây mấy năm trước, chị nhập viện trong tình trạng sinh khó, mất rất nhiều máu, chính bác sĩ Toản là người trực tiếp hiến máu để cứu sống chị. Hay chị Cáp Thị Hương, đang công tác trong Bệnh viện khu vực Triệu Hải, trong một lần sinh con, chị Hương bị tai biến sản khoa, mất rất nhiều máu mà thời điểm ấy không có nguồn máu dự trữ trong bệnh viện. Bác sĩ Toản đã trực tiếp cho máu để cứu sống mẹ con chị... Chính những giọt máu kịp thời cùng với tấm lòng nhân đạo cao cả của mình, bác sĩ Toản đã cứu sống nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch. 46 tuổi đời, gần 20 năm tuổi nghề, bác sĩ Trần Quốc Toản đã đem hết tài năng, đức hạnh và cả những giọt máu của mình để cứu sống biết bao bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Ông xứng đáng để bạn bè, đồng nghiệp kính trọng, được bệnh nhân kính phục, yêu mến. Lệ Như