(QT) - Lâu nay, đi chợ hoa ngày Tết hay nói đến nghề trồng hoa Quảng Trị, người ta thường nhắc đến làng hoa An Lạc nằm sát bên bờ sông Hiếu (thuộc phường Đông Giang, thành phố Đông Hà). Ít ai biết người chuyên cung cấp những loài hoa quý xuất xứ từ "vương quốc hoa" Đà Lạt cho các chợ hoa với nhiều màu sắc và chủng loại khác nhau trong vài năm gần đây lại là một chàng trai rất trẻ tên Trần Ngọc Điệp, sinh năm 1983, ở thôn Hà Trung (xã Gio Châu, huyện Gio Linh). Không những biết tìm tòi, học hỏi, mở ra hướng làm ăn hiệu quả cho riêng mình, chàng trai đó đang cùng với những người trồng hoa Quảng Trị viết nên giấc mơ về một "Đà Lạt hoa" thu nhỏ ở miền nắng gió. Duyên nợ với nghề trồng hoa
![]() |
Trần Ngọc Điệp bên vườn hoa. Ảnh: Kô Kăn Sương |
Sinh ra trong một gia đình làm nông, bố mất từ khi Điệp vào học lớp một, hình ảnh người mẹ ngày đêm lam lũ trên đồng ruộng nuôi mấy anh em mà gia cảnh vẫn khó nghèo ám ảnh cậu bé. Ước muốn thoát ra khỏi ruộng vườn quê nhà thôi thúc cậu quyết tâm theo học, thi vào học tại trường Trung cấp điện Đà Nẵng để có thể theo dòng điện sáng đi đến mọi miền đất nước. Tốt nghiệp ra trường năm 2003, Điệp được nhận vào công tác ở Công ty điện lực 3 Đà Nẵng. Đến năm 2004, Điệp được điều lên Đà Lạt, làm công nhân kỹ thuật, phụ trách kéo điện từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim (Hàm Thuận, Ninh Thuận) về Lâm Đồng. Cuộc đời cậu tưởng như sẽ gắn với những đường dây điện và dòng điện sáng đi khắp các buôn làng Tây Nguyên. Nhưng tại đây, Điệp xin ở nhờ nhà ông Nguyên, người Hà Nội đi kinh tế mới vào lập nghiệp, sống bằng nghề trồng hoa ở Đà Lạt. Yêu hoa, được ông Nguyên giới thiệu và để hiểu biết kỹ thuật trồng hoa, Điệp xin vào học ở Viện di truyền học nông nghiệp (Viện hoa Đà Lạt) 3 năm. Ở Lâm Đồng, không có giấy phép kinh doanh hoa thì không được xuất hoa ra thị trường. Trong thời gian học, Điệp cố gắng tìm hiểu, nắm chắc quy trình chăm sóc từng chủng loại hoa, chọn đất, chọn giống, làm đất, điều tiết quá trình sinh trưởng theo khí hậu của từng vùng, chất lượng hoa và tìm kiếm thị trường... để sau này có điều kiện sẽ trồng hoa kinh doanh. Tuy nhiên, kết thúc khóa học, duyên nợ với nghề trồng hoa và hình ảnh người mẹ lam lũ lại kéo cậu về với đồng đất quê nhà. Từ suy nghĩ, người ta không có đất sản xuất nên rời Hà Nội vào Tây Nguyên lập nghiệp và làm giàu được từ nghề trồng hoa, còn quê mình đất đồng, đất bãi rộng thanh thang mà nghèo mãi, thế là cậu quyết định về quê lập nghiệp... Mang "hoa Đà Lạt" về Quảng Trị
Năm 2006, Trần Ngọc Điệp mang theo "vốn liếng" là kỹ thuật trồng hoa học được ở Đà Lạt về quê, vay mượn tiền đầu tư 30 triệu đồng làm nhà chống mưa, nhà lưới che nắng, hệ thống điện, hệ thống tưới và mua giống trồng 25.000 cây cúc các loại trên diện tích 3.000 m2 đất vườn trong nhà. Nhưng vụ đầu tiên bị thất bại do chưa nắm được điều kiện khí hậu, chưa điều tiết được chu trình sinh trưởng của hoa, nhập nhiều loại hoa nhưng không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Quảng Trị, không có thuốc xử lý nấm... dẫn đến thua lỗ. Dù thế, năm 2007 Điệp vẫn quyết tâm mở rộng quy mô trồng 1.000 chậu hoa cúc và hoa đồng tiền, 30.000 cây cúc vườn. Ngoài số tiền vay mược được, với nghề điện học được, Điệp nhận thầu lắp đặt các công trình đường dây điện để kiếm thêm tiền đầu tư trồng hoa. Rút kinh nghiệm thất bại năm trước, Điệp vào Đà Lạt mua thuốc xử lý nấm, học hỏi thêm cách điều tiết chu trình sinh trưởng các loài hoa về áp dụng thực tế ở quê nhà. Kết quả, vụ hoa năm 2007 Điệp thành công, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Niên vụ hoa năm 2008, Điệp mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng trồng 3.000 chậu cúc đại đóa, 300 chậu đồng tiền, 200 chậu hoa ly, 200 chậu cúc pha lê, 200 chậu cúc màu và 30.000 cây cúc vườn các loại. Hoa cúc trong vườn nhà Điệp có đủ 28 chủng loại như: đại đóa, pha lê, chi xanh, chi đỏ, chi vàng, vàng mai, đóa trắng, đóa tím, ánh tím, ánh vàng, ánh bạc, tím Huế, đỏ nhung... Riêng các loại chi trắng, chi đỏ, chi xanh (giống hoa nhựa cánh dày đan sít nhau, loại hoa kép nở từ trong ra ngoài), cúc đại đóa, đồng tiền, hoa ly vàng, hoa ly hồng là những loại hoa trên thị trường Quảng Trị, Quảng Bình, Huế hiện nay chỉ có vườn hoa của Điệp mới trồng được. Nhờ tìm tòi trồng được những loại hoa cao cấp trên thị trường đang cần, giá cả hợp lý, nên khách hàng đến đặt mua hoa ngay tại vườn nhà. Năm 2008, Điệp thu được 300 triệu đồng tiền bán hoa, trừ chi phí xong còn lãi 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 5-7 lao động thời vụ. Từ thành công mô hình trồng hoa của Điệp, nhiều hộ trồng hoa ở làng hoa An Lạc và một số nơi khác đã tìm đến tham quan, học tập, đặt nhờ mua giống hoa từ Đà Lạt đưa về trồng ở vườn hoa nhà mình. Điệp tâm sự: Khó khăn lớn nhất bây giờ là điều kiện nhân giống và thử nghiệm trồng các loại hoa cao cấp mà thị trường đang cần và nâng cấp giống hoa hiện có, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường và sở thích của người yêu hoa. Nhưng để làm được việc đó đòi hỏi phải có rất nhiều vốn (khoảng 150 triệu đồng mở nhà nhân giống rộng khoảng 1.00 m2 và 200 triệu đồng làm nhà giữ nhiệt rộng khoảng 2.000 m2, cùng hệ thống lưới che, chống gió Lào...). Nếu được tạo điều kiện vay vốn thì Trần Ngọc Diệp sẽ nghiên cứu tìm tòi nhân giống và thử nghiệm trồng các giống hoa cao cấp trong các điều kiện thời tiết khác nhau để nhân rộng, chủ động được giống hoa cho thị trường Quảng Trị. Lúc đó, giấc mơ về một "Đà Lạt hoa" thu nhỏ ở mảnh đất nắng gió quê mình sẽ trở thành hiện thực. THANH HẢI