(QT) - “Loài rùa biển được mệnh danh là “sứ giả đại dương” bởi tầm quan trọng của nó trong hệ sinh thái biển. Loài động vật này không lạ với nhiều người nhưng xung quanh loài rùa biển vẫn còn tồn tại nhiều điều kì lạ mà không phải ai cũng biết…”, cộng tác viên Ban quản lí Khu Bảo tồn (KBT) biển đảo Cồn Cỏ Nguyễn Minh Hùng đã nói với tôi như vậy, trong lần tôi cùng anh xuống bãi biển thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tiếp nhận, chăm sóc con vích biển trọng lượng gần 5 kg mà ngư dân phát hiện dạt vào bờ để bàn giao cho Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ thả về biển vào dịp cuối tháng 10/2019.
![]() |
Lực lượng chức năng cùng với ngư dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh thả rùa biển về lại với biển. Ảnh: Hoàng Tiến Sỹ |
Kì lạ loài rùa biển
Ba năm trở lại đây, Phó Trưởng Công an xã Triệu An Nguyễn Minh Hùng kiêm thêm chức vụ “vác tù và hàng tổng” mới, đó là cộng tác viên Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ. Tiền phụ cấp không đủ tiền chè, thuốc nhưng anh chưa bao giờ phàn nàn hay có ý định từ bỏ công việc của mình. Cứ khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch) hằng năm, khi những cơn giông nổi lên thì rùa vào bờ biển để đẻ trứng. Trong khoảng thời gian này, hằng đêm anh lại lặng lẽ trong từng bước chân khi soi đèn pin đi dọc theo bờ biển xã Triệu An để kiểm tra, theo dõi rùa biển có vào bờ đẻ trứng không, vì rùa mẹ rất ngại ánh sáng và sự ồn ào khi vào bờ đẻ trứng. Rồi trong cuộc sống hằng ngày, anh luôn tuyên truyền, vận động ngư dân trên địa bàn xã không đánh bắt, mua bán, vận chuyển, giết thịt loài rùa biển… Anh Nguyễn Minh Hùng cho biết, từ khi làm tình nguyện viên bảo vệ loài rùa biển, anh bắt đầu tìm đọc tài liệu, sách báo mới biết các nhà khảo cổ học thế giới cho rằng rùa biển xuất hiện cách đây khoảng 200 triệu năm. Khi loài khủng long bị tuyệt chủng khoảng 100 triệu năm sau đó thì rùa biển vẫn sống sót, trường tồn cho đến ngày nay và dường như không có sự thay đổi nào cả. Còn về mặt tâm linh, rùa nằm trong nhóm tứ linh (chỉ có duy nhất rùa là hiện hữu trên cõi đời này)….
Trong tập tính sinh sản của rùa biển cũng ẩn chứa nhiều điều kì lạ. Đơn cử như việc để thụ thai, rùa đực và rùa cái phải giao phối đến 72 giờ. Đến mùa sinh sản, rùa mẹ có thể sinh từ 8 đến 11 tổ (mỗi tổ giao động từ 70 - 200 quả trứng tùy vào độ trưởng thành của từng cá thể rùa). Tại vùng bờ biển tỉnh Quảng Trị, rùa biển thường lên bờ đẻ trứng khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch) hằng năm. Cứ sau cơn mưa giông, rùa biển đợi đêm xuống, lúc thủy triều xuống thấp là bắt đầu lặng lẽ bò lên bờ. Rùa biển dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50-60 cm (rộng khoảng 20 cm) và bắt đầu đẻ trứng. Từng đợt một, những quả trứng rùa biển hình thù giống như quả bóng bàn rơi xuống lỗ. Sau khi đẻ xong, rùa biển lại dùng chân sau đưa cát lấp lỗ và ém chặt. Và sau khi lấp xong ổ trứng, rùa biển lại tiếp tục dùng chân sau lấp xung quanh ổ trứng với chiều dài 5-6m để ngụy trang cho tổ trứng của mình. Thời gian làm tổ, đẻ trứng của rùa biển là khoảng 4 - 5 giờ, cho đến khi thủy triều lên cũng là lúc rùa mẹ quay về với biển. Khoảng 2 tháng sau thì trứng nở ra rùa con. Trong nỗ lực chui ra khỏi vỏ, cát sẽ sụt xuống và lấp vào khoảng trống ấy, rùa con dựa vào đó để chui dần lên mặt đất. Sau khi lên khỏi tổ, rùa con không xuống biển ngay mà nằm im đợi những anh chị em của mình lên để đi cùng. Trong thời gian chờ đợi và quãng đường vài chục mét xuống biển, rùa con sẽ ghi nhớ nơi mình sinh ra. Đến tuổi sinh sản, rùa biển sẽ quay lại đúng nơi được sinh ra để giao phối và đẻ trứng trong hành trình duy trì nòi giống. Cứ bình quân 1.000 rùa con từ lúc trên bờ xuống biển, chỉ có khoảng vài con sống sót và trưởng thành theo quy luật tự nhiên.
Bảo vệ nghiêm ngặt
Giám đốc Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ Nguyễn Văn Hòa cho biết, theo thống kê thì vùng biển Việt Nam có 5 loài rùa biển sinh sống gồm các loài như vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da. Tất cả các loài rùa biển tại Việt Nam đã được đưa vào danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo công ước CITES, đây là loài động vật đặc biệt quý hiếm, thuộc nhóm 1B, nằm trong danh sách động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, cấm mọi hành vi mua bán, vận chuyển… Ghi nhận của Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ thì 5 loài rùa biển nói trên đều đã xuất hiện ở bờ biển tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2010 đến nay, Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cùng chính quyền các xã, thị trấn vùng biển thả về đại dương khoảng 120 con rùa biển (bình quân khoảng 20 con/năm) do ngư dân tình cờ bắt được trong đánh bắt thủy sản hoặc rùa biển vào bờ và nhiều nguyên nhân khác. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ đã thả về đại dương 22 con rùa biển. Mới đây, ngày 30/10/2019, Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ, Viện nghiên cứu Hải sản Hải Phòng, cộng tác viên bảo tồn rùa biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, đã thả 1 con vích, 1 con đồi mồi về với biển. Ngoài việc thả rùa biển về đại dương, thời gian qua Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ đã hình thành được mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ rùa biển ở 8 xã vùng biển bãi ngang của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ. Chính lực lượng tình nguyện viên bảo vệ rùa biển là “cánh tay” đắc lực cho Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ trong công tác bảo vệ rùa biển. Ngoài ra, Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ cũng đã phối hợp với các trường THCS ở các xã, thị trấn vùng biển đưa các nội dung tuyên truyền bảo vệ rùa biển vào chương trình giảng dạy ngoại khóa và hoạt động của trường…
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2433/QĐ-UBND, ngày 13/9/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tỉnh Quảng Trị giai đoạn năm 2019 - 2025. Mục tiêu cụ thể là giai đoạn năm 2019 - 2022 có 100% cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, tình nguyện viên làm việc liên quan đến bảo tồn rùa biển được tập huấn kiến thức chuyên sâu về rùa biển, kĩ năng, kĩ thuật bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển; 30% các trường THCS tại các xã, thị trấn ven biển trong tỉnh đưa vào chương trình ngoại khóa về rùa biển và môi trường sống của rùa biển (tổ chức các chiến dịch làm sạch bờ biển để học sinh tham gia); duy trì đội tình nguyện viên quan sát, bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển tại 12 xã, thị trấn ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ; triển khai chương trình nói không với túi nilon, nhựa dùng một lần, ống hút nhựa tại huyện đảo Cồn Cỏ; cơ sở dữ liệu về rùa biển tỉnh Quảng Trị và cơ sở dữ liệu về quản lí rác thải nhựa biển được xây dựng và hoạt động có hiệu quả tại Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ… Trong giai đoạn 2022 - 2025 có 50% cộng đồng dân cư sinh sống tại các xã, thị trấn ven biển được tập huấn về công tác bảo tồn rùa biển; 70% các trường THCS tại các xã, thị trấn ven biển trong tỉnh đưa vào chương trình ngoại khóa về rùa biển và môi trường sống của rùa biển; 50% thuyền trưởng, chủ tàu thuyền nghề cá trong tỉnh được tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa biển và kĩ năng bảo vệ, bảo tồn rùa biển; 70% các xã, thị trấn ven biển triển khai chương trình giám sát chất thải nhựa đại dương…
“Các cơ quan, ban, ngành, địa phương hiện tại đã “đồng lòng, đồng sức” trong việc chung tay bảo vệ loài rùa biển. Nỗi buồn đọng lại của những người quan sát, bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển đó là hiện nay do việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các xã vùng biển bãi ngang đang lấn dần các bãi đẻ tự nhiên trước đây của rùa biển. Nhiều con rùa biển trở về bãi đẻ, gặp bãi đẻ bị con người xâm chiếm, phá hoại, khiến cho rùa không còn bãi đẻ, phải đẻ dưới nước, mà trứng rùa biển ngâm nước là bị hỏng ngay. Anh em làm công tác bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển cũng xót xa lắm”, Giám đốc Ban quản lí KBT biển đảo Cồn Cỏ Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Hoàng Tiến Sỹ