Tăng cường các biện pháp bình ổn giá thịt lợn
QTO - Hiện nay, mặc dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT liên tục yêu cầu giảm giá thịt lợn hơi về mức hợp lý, song mặt hàng này vẫn đang ở mức cao, nhất là ở các khu vực chợ dân sinh. Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá đắt đỏ.

Tăng cường các biện pháp bình ổn giá thịt lợn

Hiện nay, mặc dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT liên tục yêu cầu giảm giá thịt lợn hơi về mức hợp lý, song mặt hàng này vẫn đang ở mức cao, nhất là ở các khu vực chợ dân sinh. Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá đắt đỏ.

Tại các chợ dân sinh, dù có phần ế ẩm hơn trước nhưng giá thịt lợn vẫn khá cao. Ảnh: Thanh Trúc

Giá thịt lợn dao động từ 120.000 - 170.000 /kg tùy theo loại, đó là mức giá phổ biến ở các chợ trên địa bàn thành phố Đông Hà và các địa phương những ngày này. Trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành kiên quyết đẩy mạnh triển khai các giải pháp để ngay trong tháng 4/2020 đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi có dịch tả lợn Châu Phi (khoảng 60 nghìn đồng/kg) bằng các biện pháp phù hợp, giá thịt lợn thậm chí còn tăng hơn so với trước. Lý giải về việc phải bán thịt lợn với giá cao, bà Nguyễn Thị Chuyên, tiểu thương ở chợ thị xã Quảng Trị cho biết, hai ngày nay giá thịt lợn lấy tại lò mổ tăng lên từ 5.000 - 10.000 đồng /kg, buộc người bán phải tăng giá bán mới có lãi.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi và COVID - 19 làm cho việc tái đàn gặp nhiều khó khăn, việc mua bán vận chuyển, giết mổ vật nuôi giảm mạnh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đàn lợn thịt toàn tỉnh hiện còn 112.000 con, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng đàn lợn nái gần như đã bị tiêu hủy hết do dịch bệnh, trong khi có 4/6 cơ sở nuôi lợn đực giống khai thác tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo cũng bị thiệt hại, ngừng sản xuất. Việc tái đàn lợn trong sản xuất chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá cả lợn giống tăng cao và khan hiếm. Trong quý 1/2020, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7.780 tấn (giảm 33,5% so với cùng kỳ năm 2019). Đến thời điểm hiện tại, sản lượng thịt lợn còn khoảng 2.800 tấn, giá thịt lợn hơi dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Mặc dù các doanh nghiệp đã giảm giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg, nhưng để đến tay người tiêu dùng, thịt lợn phải qua quá nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ. Thực tế khâu trung gian chiếm từ 40- 45% giá thành. Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường phần lớn thu mua nhỏ lẻ trong dân về giết mổ, vì vậy dù các công ty chăn nuôi trên địa bàn đã giảm giá lợn hơi nhưng giá thịt lợn thành phẩm vẫn ở mức cao.

Tại siêu thị Coopmart và hệ thống các điểm bán lẻ của Vinmart trên địa bàn thành phố Đông Hà, sản lượng thịt lợn đông lạnh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, đồng thời các doanh nghiệp niêm yết giá bình ổn thị trường nhằm chung tay bình ổn giá cả hàng hóa trong thời điểm COVID - 19. Theo khảo sát của phóng viên, trong ngày 14/4/2020, giá thịt lợn ở siêu thị Coopmart dao động từ 102.000 - 182.000 đồng/kg tùy theo loại. Tuy nhiên đại bộ phận người tiêu dùng vẫn quen mua thịt lợn bán tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh. Chính vì thói quen này dẫn đến có nhiều lò mổ, chăn nuôi giết mổ nhỏ lẻ làm trung gian khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng tại chợ truyền thống, chợ dân sinh đẩy lên tương đối cao.

Chị Nguyễn Thị Giang, ở Khu phố 3, Phường 1, thành phố Đông Hà cho biết: “Gia đình tôi cũng như nhiều người khác có thói quen mua thịt lợn ở chợ, không thích ăn thịt lợn đông lạnh nên hầu như không mua ở siêu thị. Thêm nữa, giá thịt lợn ở các siêu thị cũng không rẻ, người dân khó có điều kiện mua sử dụng hằng ngày. Từ trước tết đến nay giá thịt lợn ở chợ cao, chưa thấy giảm, gia đình tôi đã phải điều chỉnh thói quen ăn thịt, chuyển sang các loại thực phẩm khác để giảm chi phí sinh hoạt”.

Để bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng, ngành công thương đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án đảm bảo cân đối cung, cầu đối với mặt hàng thịt lợn tại địa phương, tránh tình trạng khan hiếm, tăng giá mất kiểm soát đối với mặt hàng này, nhất là trong thời điểm xảy ra COVID - 19. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân tiêu dùng các sản phẩm thay thế thịt lợn, sử dụng sản phẩm thịt lợn cấp đông nhằm giảm sức ép đối với tổng cung mặt hàng thịt lợn trên toàn quốc. Đối với hệ thống siêu thị Coopmart và hệ thống các điểm bán lẻ của Vinmart, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung ứng đầu vào mặt hàng thịt lợn, kể cả nguồn thịt lợn cấp đông nhập khẩu để có thể duy trì cung cấp thường xuyên ra thị trường, hỗ trợ nhà nước trong vai trò bán hàng bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn.

Ngành nông nghiệp cần sớm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp nhằm tăng tổng đàn, nguồn cung thịt lợn để đảm bảo cân đối cung cầu đối với mặt hàng thịt lợn trên thị trường. Cục Quản lý thị trường phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khâu thu mua, giết mổ, phân phối để hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi giá ở các khâu này. Ngành công thương và ngành nông nghiệp phối hợp khảo sát các khu chăn nuôi, giết mổ tập trung các lò giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác liên quan để kết nối vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên địa bàn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm.

Bình ổn giá thịt lợn trong thời điểm COVID - 19 khiến nền kinh tế cũng như đời sống người dân gặp nhiều khó khăn như hiện nay là rất cấp thiết. Giải pháp căn bản nhất theo các chuyên gia kinh tế là nếu Chính phủ muốn thực sự kiểm soát và không cho tăng giá quá mức mặt hàng này thì phải đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá. Có như vậy, các cơ quan quản lý mới đủ công cụ mạnh để kiểm soát giá mặt hàng thịt lợn, có lợi cho người tiêu dùng.

Thanh Trúc