Những mô hình khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên
QTO - Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

Những mô hình khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên

Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

Khởi nghiệp với xưởng may

Sinh năm 1995, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội cùng với kinh nghiệm 3 năm làm thực tập sinh tại Nhật Bản, chị Hồ Thị Thùy Dung ở Khu phố 3, phường Đông Lương, T.P Đông Hà quyết định trở về quê lập nghiệp bằng xưởng may gia công. Đầu năm 2020, chị đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thành lập xưởng may Tấn Phát. Với phương châm hoạt động là chú trọng chất lượng sản phẩm và hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn, chỉ sau một thời gian ngắn, xưởng của chị đã nhận được sự tín nhiệm của đối tác và có thêm nhiều đơn hàng lớn.

Chị Dung cho biết: “Hàng gia công chủ yếu là xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản nên đòi hỏi chất lượng rất cao, đường may tỉ mỉ, mẫu mã phải đẹp và vải phải đảm bảo độ bền cao. Bên cạnh đó, để có thể hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn nên vào những thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp toàn bộ xưởng phải thực hiện “3 tại chỗ””.

Xưởng may của chị Dung hiện đang tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động - Ảnh: L.A​

Hiện tại xưởng may của chị Dung mỗi tháng sản xuất được từ 15.000- 20.000 sản phẩm đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động.

Không chỉ đi đầu trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế, với vai trò là Bí thư chi đoàn Khu phố 3, phường Đông Lương, chị Dung còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Đoàn, Hội phát động được đông đảo đoàn viên, thanh niên trong khu phố tín nhiệm. Chia sẻ về dự định sắp tới, Hồ Thị Thùy Dung không ngần ngại cho biết sẽ mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm trang thiết bị đáp ứng với quy mô sản xuất.

Sản phẩm của lòng hiếu thảo

Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình có ba bị liệt toàn thân do tai nạn giao thông, chứng kiến ba mình phải khó khăn trong sinh hoạt, anh Lê Văn Hóa ở tại thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong đã nung nấu ý tưởng sáng chế chiếc xe lăn đa năng giúp ba di chuyển, sinh hoạt thuận lợi hơn.

Để đạt được mục tiêu, Hóa quyết định theo học chuyên ngành cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Với những kiến thức đã được học cộng với sự siêng năng, cần cù, Hóa tự thiết kế và chế tạo thành công chiếc xe lăn điện dành tặng ba với những ưu điểm vượt trội như hỗ trợ di chuyển bằng động cơ điện, tự động chuyển đổi thành giường nằm, ghế ngồi thông qua nút bấm điều khiển.

Hiện tại anh Hóa đang tiếp tục cải tiến xe lăn điện theo hướng tối ưu để hạ giá thành sản phẩm - Ảnh: L.A

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, anh Hóa cho biết, sau khi thấy chiếc xe lăn mình chế tạo ra có nhiều điểm vượt trội hơn so với các sản phẩm cùng loại cùng với những ý tưởng về máy móc hỗ trợ cho người khuyết tật như xe lăn đa năng, máy mát xa chân, cần cẩu đưa người từ giường sang xe…Rời ghế giảng đường năm 2016 với số tiền hỗ trợ từ chương trình “Thương vụ bạc tỉ”, anh quyết định trở về quê mở một xưởng sửa chữa nhỏ để vừa đảm bảo kinh tế vừa được thỏa chí sáng tạo.

Theo anh Hóa, qua tìm hiểu thấy số lượng người khuyết tật ở nước ta khá lớn, khó khăn trong di chuyển, sinh hoạt hàng ngày, đa phần đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể mua được các sản phẩm ngoại nhập có giá 30-80 triệu đồng. Trong khi chiếc xe lăn do anh chế tạo ra không những có tính năng tương tự, thậm chí vượt trội hơn như giúp người khuyết tật tự đứng, nằm; mát xa toàn thân; vệ sinh cá nhân; che mưa, che nắng…nhưng giá chỉ có từ 8-14 triệu đồng nên nhiều người khuyết tật trong và ngoài tỉnh đã tìm đến đặt mua xe lăn và ai cũng hài lòng với sản phẩm.

Anh Hóa cho biết thêm: “Làm sản phẩm cho người khuyết tật rất khó do những khuyết tật của họ thường không giống nhau nên không thể sản xuất đồng loạt mà phải thiết kế, tinh chỉnh sao cho phù hợp với từng người”.

Với những sáng tạo của mình, Hóa đã đạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021; Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2021. Chia sẻ về những dự định tương lai của mình, anh Hóa cho biết, hiện tại anh đang tiếp tục cải tiến theo hướng tối ưu nhằm hạ giá thành để sản phẩm xe lăn điện của mình đến với người khuyết tật nhiều hơn.

Đồng thời, tập trung nghiên cứu sản xuất, cải tiến các loại máy móc phục vụ nông nghiệp để tích lũy kinh tế. Khi có tiềm lực đủ mạnh anh sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo xe lăn điện có thể di chuyển được trên địa hình phức tạp hơn như lên, xuống các bậc cấp; các thiết bị hỗ trợ dành cho người khuyết tật như giường đa năng, thiết bị hỗ trợ đưa người sang xe lăn...

Thành công với mô hình trang trại tổng hợp

Là một sinh viên nghèo bước ra từ giảng đường đại học đầy khát vọng, với mong muốn thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương, chàng trai trẻ Hoàng Hà ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh Đoàn Thanh niên để phát triển kinh tế.

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: L.A

Với số vốn đầu tư ban đầu 1 tỉ đồng vay ở ngân hàng và huy động từ gia đình và bạn bè, năm 2016, Hà bắt đầu xây dựng mô hình trang trại vườn-ao-chuồng(VAC) trên mảnh đất rộng 4 ha của gia đình với 1 ao cá và hệ thống chuồng trại gồm 20 lợn nái, 300 lợn thịt, 700 con gà, 200 con vịt và trồng nhiều loại cây ăn quả.

Bước đầu lập nghiệp, Hà gặp không ít khó khăn. Đỉnh điểm là năm 2017, giá lợn hơi giảm mạnh khiến mô hình của Hà không hiệu quả. Tuy nhiên, với lập trường vững vàng, Hà vẫn kiên trì, tin tưởng vào con đường mà mình đã chọn. Bước sang năm 2018, khi thị trường tiêu thụ ổn định trở lại, anh tiếp tục đầu tư tăng số lượng nuôi và đạt kết quả ngoài mong đợi. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí từ mô hình VAC đạt hơn 700 triệu đồng. Vừa làm vừa mở rộng sản xuất, đến nay Hà đã có 2 chuồng nuôi với quy mô 50 lợn nái, 400-500 lợn thịt, mỗi năm nuôi từ 3-4 lứa; 2 chuồng nuôi vịt trên sàn lưới nuôi 3.000 con/lứa, 100 con dê vỗ béo và cá các loại…

Bên cạnh đó, còn có gần 200 gốc chanh, ổi, bơ, táo, mít Thái…phát triển tốt. Anh Hà cho biết, hiện tại mỗi tháng trang trại cho doanh thu gần 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng từ 100-150 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, trang trại của anh Hà còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 công nhân với mức lương 6 triệu đồng/ người/tháng.

Với những thành công của mình, anh Hà đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Huyện đoàn, Tỉnh đoàn. Đặc biệt, năm 2021, anh vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương, đơn vị.

Lê An