Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông
(QT) - Ngày 30/9/2016, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh làm việc với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông để nghe kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/2012/NQ-HĐND ngày 17/8/2012 của HĐND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tỉnh Quảng Trị. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông và Khu BTTN Đường Hồ Chí Minh huyền thoại với tổng diện tích tự nhiên 42.918,5 ...

Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông

(QT) - Ngày 30/9/2016, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh làm việc với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông để nghe kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/2012/NQ-HĐND ngày 17/8/2012 của HĐND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tỉnh Quảng Trị. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông và Khu BTTN Đường Hồ Chí Minh huyền thoại với tổng diện tích tự nhiên 42.918,5 ha trên địa bàn hành chính của 8 xã: Hải Phúc, Ba Lòng, Triệu Nguyên, Đakrông, Pa Nang, Tà Long, Húc Nghì và A Bung. Nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, hàng năm Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đều xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, bố trí kiểm lâm về phụ trách 51 tiểu khu. Chỉ đạo kiểm lâm tiểu khu phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng và chính quyền các xã vùng đệm thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra rừng. Chủ động cài cắm cộng tác viên cơ sở nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân kịp thời tổ chức ngăn chặn có hiệu quả nhiều vụ phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Trong những năm qua kiểm lâm tiểu khu đã tổ chức được trên 850 đợt tuần tra bảo vệ rừng với trên 2.500 lượt người tham gia. Đã phát hiện và lập biên bản 292 vụ vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng 451,991 m3 gỗ quy tròn các loại. Từ năm 2011- 2015, thông qua các chương trình dự án đã đầu tư gần 9,7 tỷ đồng để giao khoán bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng. Năm 2016, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông tiếp tục lập hồ sơ để giao khoán 1.400 ha cho 18 hộ dân thôn Kè, 33 hộ dân ở thôn Sata, xã Tà Long. Đối với các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, sau khi ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các hộ gia đình, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông thường xuyên phối hợp trong công tác tuần tra bảo vệ rừng. Qua đó hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Hầu hết người nhận khoán đã thực hiện theo đúng hợp đồng giao khoán hàng năm. Diện tích rừng giao khoán đều được bảo vệ tốt, không có tình trạng xâm lấn rừng để làm nương rẫy, việc khai thác gỗ và bẫy bắt động vật rừng trái phép trên diện tích rừng giao khoán được ngăn chặn kịp thời. Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông kiến nghị: Khu BTTN Đường Hồ Chí Minh huyền thoại được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 5.237 ha, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bộ máy BQL để hoạt động. Đề nghị các cấp sớm hoàn thành thủ tục thành lập mới BQL Khu BTTN Đường Hồ Chí Minh huyền thoại đồng thời đổi tên thành Khu bảo vệ cảnh quan Đường Hồ Chí Minh huyền thoại để phù hợp với quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng đến 2020 định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay tình trạng tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp giữa xã A Bung với xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn chưa giải quyết dứt điểm gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Đề nghị cấp trên quan tâm xử lý dứt điểm. Qua buổi khảo sát, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Tăng cường công tác giao đất, giao rừng, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, quan tâm tạo sinh kế cho người dân ở khu vực có rừng. Phục hồi sinh thái rừng gắn với tổ chức tham quan du lịch sinh thái rừng. Chuyển đổi đất rừng, rừng nghèo kiệt sang xây dựng các mô hình lâm sinh và nghiên cứu khoa học. Những kiến nghị, đề xuất hợp lý của đơn vị sẽ được báo cáo với HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan để có hướng giải quyết kịp thời. M.T