Chợ Đông Hà chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ
(QT) - Không chỉ đảm bảo an ninh trật tự nơi buôn bán của bà con tiểu thương, chợ Đông Hà (Quảng Trị) còn chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ. Ngay từ đầu năm, Ban quản lý chợ đã triển khai nhiều biện pháp, phổ biến phương án PCCC rộng rãi đến người dân. Chợ Đông Hà là nơi tập trung lượng hàng hóa, tài sản lớn và có số người mua bán đông nhất của tỉnh. Với diện tích khoảng 33.000m2, chợ Đông Hà có 37 ngành hàng cùng 1.787 quầy, sạp cố định. Mỗi ngày, chợ có khoảng ...

Chợ Đông Hà chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ

(QT) - Không chỉ đảm bảo an ninh trật tự nơi buôn bán của bà con tiểu thương, chợ Đông Hà (Quảng Trị) còn chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ. Ngay từ đầu năm, Ban quản lý chợ đã triển khai nhiều biện pháp, phổ biến phương án PCCC rộng rãi đến người dân. Chợ Đông Hà là nơi tập trung lượng hàng hóa, tài sản lớn và có số người mua bán đông nhất của tỉnh. Với diện tích khoảng 33.000m2, chợ Đông Hà có 37 ngành hàng cùng 1.787 quầy, sạp cố định. Mỗi ngày, chợ có khoảng 5.000-7.000 lượt người tham gia mua, bán; vào ngày lễ, tết con số này tăng lên gấp nhiều lần. Hiện chợ có ba đơn nguyên được xây dựng kiên cố, khang trang với diện tích khoảng 10.000m2 là đơn nguyên số 1, số 2, số 3; khu vực còn lại dành cho các quầy sạp cố định, được xây dựng bằng những vật liệu tạm bợ, dễ cháy... Trong quá trình xây dựng, chợ Đông Hà đã được đầu tư hệ thống điện, hệ thống cảnh báo cũng như chữa cháy tự động. Trong khu vực chợ hiện có hai hệ thống điện là điện tiêu thụ vào ban ngày và điện bảo vệ hàng hóa vào ban đêm. Các hệ thống điện này đều tự động bật, ngắt theo giờ được cài đặt sẵn.

Bình chữa cháy được trang bị sẵn tại các quầy hàng ở chợ Đông Hà.

Đúng 18 giờ hàng ngày, điện dùng tại các sạp sẽ tự ngắt và điện bảo vệ ban đêm được bật lên. Ngoài ra, Ban quản lý chợ Đông Hà cũng luôn khuyến khích các tiểu thương sử dụng các dụng cụ dẫn điện an toàn nên nguy cơ chập điện, cháy nổ do điện được hạn chế. Không chỉ có hệ thống điện hiện đại, chợ Đông Hà được bố trí hệ thống báo và chữa cháy tự động được gắn trên trần chợ. Khi có dấu hiệu cháy (khói bay lên) thì các thiết bị này sẽ phát tín hiệu đồng thời phun nước dập tắt tạm thời. Bên cạnh đó, chợ còn có 4 bể nước dự phòng, 3 máy bơm, 2 máy phát điện, 38 họng nước chữa cháy lắp tại ba đơn nguyên và 8 trụ tại khu vực bên ngoài. Toàn chợ có 270 bình chữa cháy được đặt ở khắp nơi. Tất cả các thiết bị này đều được một công ty thiết bị PCCC chuyên nghiệp thực hiện bảo dưỡng định kỳ. Hàng năm các hộ dân kinh doanh trong khu vực chợ Đông Hà đều ký cam kết thực hiện đảm bảo an toàn PCCC. Qua đó, các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc các quy định này, được hướng dẫn sử dụng các dụng cụ chữa cháy; vừa bảo vệ tài sản không chỉ của chính mình mà cả mọi người xung quanh. Việc tuyên truyền, nhắc nhở cho bà con tiểu thương được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống phát thanh của chợ. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn cả vẫn là tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức chấp hành của mỗi hộ kinh doanh; mọi người đều tự giác thực hiện những điều đã cam kết đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, đốt hương và vàng mã đúng nơi quy định; không cơi nới lấn chiếm hành lang, đường thoát hiểm…góp phần ngăn chặn các nguyên nhân phát sinh cháy nổ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát PCCC Công an tỉnh và Ban quản lý chợ Đông Hà đến từng ngành hàng, tổ chức các buổi họp để phổ biến, nhắc nhở bà con thực hiện việc phòng cháy. Chị Trần Đào Châu Giang, một hộ dân kinh doanh tại chợ Đông Hà cho biết: “Việc PCCC tại chợ được bà con tiểu thương thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, chúng tôi đều quan tâm đến việc bảo đảm an toàn hệ thống điện trong chính gian hàng của mình. Chúng tôi cố gắng sắp xếp hàng hóa gọn gàng và chú ý ngắt điện cẩn thận trước khi ra về.” Theo ông Trương Đức Phụ, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Hà, nhờ những biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ trên mà ý thức chấp hành của bà con tiểu thương tại chợ tăng lên rõ rệt. Hàng năm, phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức huấn luyện cho lực lượng cán bộ công nhân viên đồng thời là cán bộ PCCC cấp cơ sở tại chỗ. Ban quản lý cũng thường xuyên tổ chức các đợt tập dượt PCCC tại chỗ cho anh em trong tổ PCCC. Tổ thường xuyên kiểm tra về phương án PCCC tại chợ, tình trạng hoạt động của phương tiện chữa cháy, hệ thống điện, ý thức chấp hành của người dân tại chợ Đông Hà. Ngoài quy định kiểm tra 3 tháng một lần, phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) còn bố trí cán bộ đến tận nơi để phối hợp với Ban quản lý chợ kiểm tra công tác PCCC trong những đợt cao điểm như lễ, tết, các đợt nắng nóng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chợ Đông Hà. Trong thời gian qua, Ban quản lý chợ cũng tiến hành sắp xếp lại các gian hàng phía bắc chợ, mở rộng đường nội bộ số 2 để xe cứu hỏa có thể vào tận các gian hàng của chợ khi có sự cố. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác PCCC nhưng chợ Đông Hà vẫn còn bộc lộ một số bất cập cần có hướng giải quyết thỏa đáng, khắc phục hiệu quả. Đó là ý thức PCCC của một số hộ kinh doanh vẫn chưa cao. Có không ít hộ tự ý trưng bày hàng hóa lấn chiếm ra cả lối đi, gây cản trở trong việc đi lại, rất khó khăn trong việc di chuyển hàng hóa và công tác chữa cháy của lực lượng chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Một số hộ vẫn tự ý kéo điện vào quầy hàng, gây mất an toàn. Mặt khác, vào ngày đầu tháng, ngày rằm, các hộ dân vẫn thắp nhang, đốt vàng mã nên rất dễ gây cháy. Điều khó khăn nữa cho Ban quản lý chợ là tất cả hàng hóa của bà con đều được gửi lại tại quầy nên nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn, thiệt hại về tài sản sẽ rất lớn. Phía bắc chợ Đông Hà là các sạp hàng được xây dựng tạm bợ bằng các vật liệu dễ gây cháy như cây gỗ, tôn... Các sạp này được che chắn tạm bợ, lấn chiếm ra cả lối đi. Bên cạnh đó, nhiều lò gò hàn hoạt động xung quanh với nhiều vật dễ cháy khác như giấy, bao xốp..., nếu bất cẩn thì nguy cơ xảy ra cháy là rất cao. Ông Trương Đức Phụ cho biết: “Trong thời gian tới, Ban quản lý chợ sẽ tiếp tục nâng cấp, sắp xếp lại khu vực phía bắc chợ Đông Hà để các gian hàng được bố trí hợp lý, gọn gàng. Ngoài ra, chợ cũng sẽ mở rộng thêm đường nội bộ phía bắc để chợ thông thoáng hơn. Chúng tôi sẽ không ngừng tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phòng chống cháy, nổ tại chợ cho người dân; chủ động phương án PCCC tại chỗ.” Những vụ cháy chợ thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, công tác phòng ngừa cần làm tốt hơn nữa để giảm thiểu tai nạn cháy nổ tại các chợ. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy; tổ chức tập huấn cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và các hộ kinh doanh về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy. Quan trọng hơn hết, người dân cần phải nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với việc phòng cháy, chữa cháy trong khu vực, địa bàn kinh doanh. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước và của chính các hộ kinh doanh. Bài, ảnh: THANH HIỀN