Màu xanh Tân Phú
(QT) - Từ Đông Hà, ngược Quốc lộ 9, chúng tôi lên huyện Cam Lộ. Sau 20 phút chạy xe, tôi đã có mặt tại dốc Đầu Mầu, thuộc thôn Tân Phú, xã Cam Thành, một địa danh lịch sử gắn liền với chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào của bộ đội ta những năm chống Mỹ cứu nước...  …16 năm về trước, khi ấy gia đình tôi còn sinh sống tại thôn Tân Phú. Ba mẹ tôi là công nhân đội B, thuộc Công ty hồ tiêu Tân Lâm. Tân Phú lúc bấy giờ chủ yếu là công nhân Công ty hồ tiêu Tân Lâm từ nơi khác đến sinh sống và một ...

Màu xanh Tân Phú

(QT) - Từ Đông Hà, ngược Quốc lộ 9, chúng tôi lên huyện Cam Lộ. Sau 20 phút chạy xe, tôi đã có mặt tại dốc Đầu Mầu, thuộc thôn Tân Phú, xã Cam Thành, một địa danh lịch sử gắn liền với chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào của bộ đội ta những năm chống Mỹ cứu nước... …16 năm về trước, khi ấy gia đình tôi còn sinh sống tại thôn Tân Phú. Ba mẹ tôi là công nhân đội B, thuộc Công ty hồ tiêu Tân Lâm. Tân Phú lúc bấy giờ chủ yếu là công nhân Công ty hồ tiêu Tân Lâm từ nơi khác đến sinh sống và một phần là người dân bản địa. Khi ấy, tuy đời sống vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhưng tình người thì rất chân thành, mộc mạc. Công nhân ở đây coi nhau như anh em, cùng nhau thi đua phấn đấu để đạt danh hiệu sản xuất giỏi. Dù chỉ là một vùng thuộc nông trường, nhưng Cam Thành ngày đó có đầy đủ hệ thống các trường mẫu giáo, THCS, THPT, có trạm y tế, nhà văn hoá...Công ty hồ tiêu Tân Lâm thời kỳ này rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của con em công nhân viên chức. Con em công nhân ở đây rất đông, có hàng trăm cháu, nhưng tuyệt nhiên không cháu nào phải thất học.

Niềm vui của người trồng cao su ở Tân Phú.

Chúng tôi, thế hệ 9X khi đó ở Tân Phú được học tại các lớp mẫu giáo mà không phải đóng bất kỳ khoản học phí nào, ăn uống hoàn toàn miễn phí. Những con em công nhân, viên chức thi đậu đại học, cao đẳng đều được công ty hỗ trợ tiền ăn học… Do hậu quả chiến tranh để lại, khi ấy ở Tân Phú, Cam Thành nói riêng, các xã lân cận nói chung còn sót lại rất nhiều bom mìn trong đất đai. Tôi vẫn còn nhớ như in, những buổi trưa hè nắng nóng như thiêu đốt, thi thoảng ở các vùng gò đồi, tiếng bom mìn tự phát nổ vọng đến chát chúa. Bom mìn sót lại quá nhiều đã tạo ra một nghề nguy hiểm là nghề rà tìm bom mìn, gỡ lấy thuốc nổ để bán. Và chính cái nghề này đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của người dân nơi đây. Năm 1994, gia đình tôi về lại quê hương Quảng Bình. Sau 17 năm, trong một chuyến công tác tại Cam Lộ, tôi ghé thăm Tân Phú. Con dốc Đầu Mầu vẫn vậy, có điều, mọi thứ ở đây đã thay đổi, khác xa so với tưởng tượng của tôi. Ngược con dốc Đầu Mầu đi lên, nhìn sang hai bên đường, không còn hình ảnh những lùm cỏ lau dại, những bụi gai um tùm rậm rạp như 17 năm trước, mà đổi lại là mênh mông bạt ngàn những vườn cao su xanh tốt. Bên đám đất nhỏ nằm sát ven đường đang mọc lên những cây cao su con, tôi gặp và bắt chuyện một bác trung niên. Trò chuyện hồi lâu, mới biết bác là bác Đá, năm nay 54 tuổi, là bạn thân của ba mẹ tôi trước đây. Bác có thằng cu Khói, hồi xưa học mẫu giáo với tôi nay đã là sinh viên trường Trung cấp Xây dựng ở Đà Nẵng. Bác cho biết: “Nếu cháu muốn tìm hiểu về những người nông dân làm kinh tế giỏi thì bất cứ nhà nào ở đây cũng đủ tiêu chuẩn và điều kiện cả! Ở đây nhà nào thu nhập một ngày dưới nửa triệu đồng đều được xem như là hộ nghèo hết!...”. Quả thực, tôi thật sự bất ngờ vì câu nói nửa đùa nửa thật của bác. Tôi ghé thăm nhà của ông Nguyễn Anh Đào, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Tân Phú, xã Cam Thành, một điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, vốn là bà con với gia đình tôi, tôi gọi bằng dượng. Căn nhà hai gác được sơn xanh và lát gạch hoa sáng loáng. Dượng Đào trước kia đi bộ đội với ba tôi tại chiến trường Lào, sau đó xuất ngũ về làm công nhân Công ty hồ tiêu Tân Lâm. Dượng Đào cho biết: “ Mấy năm đầu cực khổ vô cùng, nước tưới thiếu thốn, vợ chồng dượng phải còng lưng để khai hoang hơn 3 ha đất, cày cuốc vất vả lắm. Hồi đó làm gì có máy cày như bữa nay!”. Nhưng rồi bằng ý chí và nghị lực của một cựu quân nhân, anh nông dân trẻ Nguyễn Anh Đào ngày nào đã vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu. Hiện tại, gia đình dượng Đào có hơn 3 ha cao su đang khai thác, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình thu về hàng chục triệu đồng. Không chỉ trồng cây cao su, dượng còn xen canh cây hồ tiêu và những cây ăn quả có giá trị khác như bưởi, cam, xoài, vải… Ngoài ra, gia đình dượng còn đầu tư nuôi nhím giống (6 cặp nhím giống). Dượng Đào cho biết, tính theo giá thị trường hiện nay, mỗi cặp nhím có giá 16 triệu đồng. Mỗi năm nhím đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con. Không riêng gì gia đình dượng Đào, ở Tân Phú giờ đây phong trào nuôi nhím phát triển rất rầm rộ. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và trở thành triệu phú, điển hình như gia đình ông Phạm Tạo, Lê Văn Thanh, bà Nguyễn Thị Gái… Ngày gia đình tôi rời Tân Phú trở về Quảng Bình, có một nữ công nhân Công ty hồ tiêu Tân Lâm khi ấy có hoàn cảnh rất nghiệt ngã, đó là dì Lê Thị Thẩn. Ngày đó, chồng dì Thẩn mất, để lại 3 mẹ con côi cút và khoản nợ 30 triệu đồng (một số tiền rất lớn khi ấy). Tưởng kiếp nghèo đeo đẵng mãi, nhưng không ngờ sau 17 năm tôi quay trở lại đây, dì Thẩn đã trở thành tỉ phú. Chồng mất, dì Thẩn một thân một mình khai hoang và trồng hơn 7 ha cao su. Giờ đây, sau nhiều gian truân vất vả, mỗi ngày gia đình dì Thẩn thu hàng triệu đồng từ mủ cao su. Hỏi nhà dì Thẩn, một người phụ nữ ở đây hồ hởi chỉ: “ Cái nhà nào to và đẹp nhất thôn là của chị Thẩn đấy. Chị tội lắm, hồi đó, chồng chết, mẹ goá con côi, nợ nần chồng chất vậy mà bây giờ đã là tỉ phú! Hai đứa con đều lớn cả rồi. Đứa đầu là sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đứa sau là sinh viên trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh... ”. Ngày trước, đời sống vật chất của người dân ở đây thiếu thốn trăm bề, gạo, muối mắm, thức ăn phải xuống Đông Hà hoặc vào chợ Cùa ( cách Tân Phú 10 km) để mua. Giờ đây, ngày nào cũng có các tiểu thương dưới xuôi lên bán đủ các loại thực phẩm từ thịt, cá đến các loại rau quả tươi. Buổi sáng, dọc hai bên con đường Đầu Mầu, các gánh bún, cháo, bánh... bày bán rất nhiều. Khoảng cách hơn 30 km từ Đông Hà lên Tân Phú giờ đã ngắn lại, chỉ cần hơn 20 phút đi xe máy là đến. Trên đỉnh dốc Đầu Mầu, tôi phóng tầm mắt nhìn ra toàn cảnh thôn Tân Phú, những rừng cao su mênh mông chạy dài tít tắp. Thoáng ẩn hiện trong những lùm cây xanh ngắt xa xa là những ngôi nhà xây to đẹp. Chia sẻ về nguyên nhân của sự đổi thay này, ông Mai Quốc Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Thành cho biết: “ Bắt nguồn từ ý thức của người công nhân. Nhiều người vốn là cựu quân nhân, cựu công nhân, khi phát triển kinh tế gia đình, họ đã mạnh dạn khai hoang, chuyển đổi hướng làm ăn theo mô hình mới, hiệu quả và phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Về phía chính quyền địa phương, hàng năm, UBND xã thường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho bà con, truyền đạt những kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến và hiệu quả. Vì thế bà con nơi đây đã rất mạnh dạn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống nhờ vậy mà đã được cải thiện từng ngày...” …Trời về chiều, sương buông xuống dần phủ trắng xoá những triền đồi. Xuôi con dốc Đầu Mầu, tôi rời Tân Phú về Đông Hà, để lại sau lưng hình ảnh bạt ngàn những cánh rừng cao su đang từng ngày làm hồi sinh, xanh lại mảnh đất nơi này. Bài, ảnh: UÔNG NGỌC TÂN