Gặp người nặng lòng với chữ Nho
(QT) - Ngày nay, xã hội phát triển, kéo theo sự bùng nổ của các loại hình nghệ thuật mới và làm mai một đi những nét văn hóa có từ lâu đời. Dù vậy, trên thành phố náo nhiệt, ở một góc nhỏ vẫn còn một nghệ nhân hàng ngày miệt mài tô luyện từng nét chữ Nho, biến chữ Nho thành những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật trên nền gỗ, giúp nhiều gia đình, dòng họ tìm lại được gốc tích và góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc có từ lâu đời của người Việt ta. Tôi tìm đến căn nhà của ông Đinh Văn Thống, 60 tuổi, ở tại khu phố 6, phường 2, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Phòng khách gia đình ông chỉ rộng chừng 20m 2 nhưng dễ làm cho người ta choáng ngợp, ấn tượng, bởi được trang trí hàng chục bức thư pháp, những câu đối, những bức chữ Nho, tất cả đều được viết bằng những nét chữ tinh xảo và được điêu khắc bằng gỗ. Vừa dịch nghĩa những bức chữ Nho cho tôi hiểu, ông Thống vừa kể về duyên nghiệp đến với chữ Nho của mình.
 |
Ông Thống bên những tác phẩm điêu khắc chữ Nho |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông nội lại là thầy giáo nên ông sớm được tiếp xúc với việc học chữ. Năm lên 7 tuổi, ông đã bắt đầu nói được chữ Nho. Đến năm lên 10 thì ông Thống đã đọc được, bắt đầu mài mực, cầm bút cọ viết những nét chữ đầu tiên. Mê chữ Nho, ông Thống dành hết thời gian, tìm tài liệu tự học và nguyên cứu ngày đêm. Về sau, ông từ bỏ cương vị giám đốc một xí nghiệp, về mở luôn cơ sở điêu khắc chữ Nho ngay tại nhà. Ông Thống cho biết: Bản thân tôi thích học chữ Nho từ lúc còn nhỏ. Tôi mở cơ sở này vừa vì niềm đam mê của bản thân vừa muốn gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc này. Vì chữ Nho của người Việt đã được cha ông nhiều đời sáng tạo lại từ chữ Hán, được sử dụng rộng rãi nhưng lớp trẻ ít người biết đến”. Đến nay đã hơn 10 năm ông mở cơ sở điêu khắc này. Cơ sở gia đình ông chủ yếu là sản xuất nội thất thờ cúng, làm các bức hoành phi, long vị, điêu khắc chữ Nho, viết thư pháp. Chữ Nho của ông vừa đẹp, vừa tinh xảo, được ông điêu khắc nổi bật trên nên nền gỗ, mang nhiều ý nghĩa. Nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến ông để xin chữ, để được học viết. Có những du khách từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tìm đến ông chỉ để được mục sở thị bàn tay viết chữ điêu luyện của ông và được ông tặng cho một vài câu đối bằng chữ Nho mang về nước. Hàng năm ông không thể nhớ hết là đã viết bao nhiêu câu đối cảnh, chữ thư pháp cho người dân. Ông thường viết những câu đối hay, những bức chữ Nho thờ cúng cho các gia đình, đình làng vào các dịp lễ tết hay khánh thành một công trình văn hóa. Điều đặc biệt, ông đã giúp cho nhiều gia đình, ngôi làng tìm lại được gốc tích và sắp xếp thứ tự tên tuổi tổ tiên thông qua việc dịch gia phả. Một số dòng họ đã được ông dịch gia phả như: dòng họ Nguyễn Tất ở làng Đại An Khê, huyện Hải Lăng; dòng họ Lê ở Triệu Độ, Triệu Phong; dòng họ Trần Hữu, Trần Văn ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh; họ Phạm ở Lập Thạch, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà…Một cuốn gia phả dịch nhanh thì khoảng 7 đến 10 ngày. Nhưng có những cuốn từ trước năm 1930 thì phải mất cả tháng trời ông mới dịch xong. Một năm ông dịch ít nhất là 10 bộ gia phả. Một kỷ niệm khiến ông khó quên đó là ông đã giúp tìm lại gốc tích cho làng Xuân Hòa ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Dù là một ngôi làng có từ lâu đời, nhưng người dân trong làng không hề biết làng mình có gốc tích, tên tuổi trước kia như thế nào. Qua những tài liệu bằng chữ Nho còn sót lại và những tài liệu cũ thu thập được, ông Thống đã giúp cho họ biết được làng Xuân Hòa ngày nay chính là tiền thân của làng Thì Thái, sau đổi tên thành Thời Hòa và đến nay mới có cái tên là Xuân Hòa. Dù đã là một nghệ nhân thông thạo chữ Nho nhưng ngày đêm ông vẫn học tập, vẫn tìm thêm tài liệu để nguyên cứu sâu hơn về chữ Nho. Ông Thống tâm sự: “Bản thân tôi luôn lấy câu “học để hơn ngày hôm qua” làm tư tưởng. Tôi chỉ lo lắng một điều, rồi thế hệ những người như tôi sẽ mất đi, những người trẻ tuổi không mấy ai quan tâm đến chữ Nho. Tôi sợ nét đẹp văn hóa này sẽ bị mai một và mất đi”. Cũng chính vì sợ về sau chữ Nho sẽ không ai học, sẽ không còn ai tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bằng chữ Nho, bằng bút cọ nên ông đã từng mở lớp truyền nghề. Thoạt đầu nhiều người tham gia học, nhưng rồi cũng không có ai theo đến cùng vì thiếu kiên trì, trong khi chữ Nho khó học. Ông buồn vì điều đó. Hàng năm ông đều đón tiếp các sinh viên ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn thuộc các trường đại học về thực tập. Đây có lẽ là điều làm ông vui, vì ông vẫn hy vọng chữ Nho sẽ được truyền đạt cho thế hệ trẻ. Bài, ảnh: LÊ LAN