Nét đẹp văn hóa của một làng quê
(QT) - Đã nhiều năm nay, nhiều người biết đến thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) với nhiều tên gọi quen thuộc như “làng giáo viên”, “làng mắc nợ”. Mỗi tên gọi ấy đều ẩn chứa một sự ngợi khen và tự hào về một làng quê nhỏ nhưng mỗi người dân ở đây đều mang một ý chí và khát vọng lớn để vươn lên từ trong gian khó. Thôn Nại Cửu có 721 hộ với gần 3.000 khẩu, diện tích đất canh tác khoảng 259 ha, trong đó đất nông nghiệp chỉ chiếm 181 ha nên bình quân đầu người chưa tới 600 m2 đất ...

Nét đẹp văn hóa của một làng quê

(QT) - Đã nhiều năm nay, nhiều người biết đến thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) với nhiều tên gọi quen thuộc như “làng giáo viên”, “làng mắc nợ”. Mỗi tên gọi ấy đều ẩn chứa một sự ngợi khen và tự hào về một làng quê nhỏ nhưng mỗi người dân ở đây đều mang một ý chí và khát vọng lớn để vươn lên từ trong gian khó. Thôn Nại Cửu có 721 hộ với gần 3.000 khẩu, diện tích đất canh tác khoảng 259 ha, trong đó đất nông nghiệp chỉ chiếm 181 ha nên bình quân đầu người chưa tới 600 m2 đất sản xuất. Đất chật người đông nên vào thời gian nông nhàn người dân Nại Cửu làm thêm đủ nghề như mộc, nề, trồng rau, buôn bán và tìm tòi sách báo, tra cứu tài liệu để học cách nuôi dạy con cái nên người. Do đó, ngay từ những năm 1998- 2000, chiếc máy vi tính là tài sản quý của cả một trường học, cơ quan, đơn vị nhưng nhiều gia đình ở đây mạnh dạn cầm cố sổ đỏ, bán trâu bò, vay mượn khắp nơi để mua bằng được chiếc máy vi tính cho con học.

Thôn Nại Cửu đón nhận danh hiệu làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh năm 2012

Sự học bao giờ cũng gian nan vất vả. Nhiều người nói đùa rằng, người dân Nại Cửu từ bàn tay trắng làm nên nợ nần. Cái nợ nần đầu tư vào việc học hành cho con là đầu tư đúng hướng. Nhờ đó, đến nay, thôn Nại Cửu có đến vài trăm người công tác trong các cơ quan nhà nước, trường học, công ty, xí nghiệp. Nhiều người có học hàm, học vị cao và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương và thành đạt trên các lĩnh vực sản xuất- kinh doanh. Với tinh thần đoàn kết, tương trợ nên người dân sống trong thôn hay ở xa quê đều có tinh thần trách nhiệm cao, chung lưng đấu cật chăm lo cho sự học và xây dựng thôn như thầy Thích Minh Nghị đã vận động quyên góp các nơi cùng anh Hoàng Mạnh xây dựng đình làng với kinh phí hơn 650 triệu đồng; anh Hoàng Sơn và Hoàng Dương ở Hà Nội đóng góp 435 triệu đồng để làm đường giao thông; chị Hoàng Thị Quý ở thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 500 triệu đồng làm đường; anh Nguyễn Xuân Hòa tài trợ cho quỹ khuyến học của thôn và tài trợ khôi phục các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, người dân trong thôn đã đóng góp xây dựng các công trình như nhà thờ họ, lăng mộ, đường giao thông, cổng chào vào làng, đèn đường... lên đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, để vun đắp truyền thống hiếu học, các dòng họ trong thôn đều tự tổ chức quỹ khuyến học khuyến tài vừa để giúp nhau khi có con em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hay đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, đồng thời tôn vinh, động viên, nhắc nhở con em chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức sớm trở thành người có ích cho xã hội. Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, các dòng họ đã thành lập quỹ khuyến học khuyến tài lên đến hơn 600 triệu đồng. Thôn cũng đã thành lập Chi hội Khuyến học và ra mắt quỹ khuyến học Võ Tử Văn (Võ Tử Văn là một người con của thôn Nại Cửu. Ông đỗ phó bảng dưới triều vua Tự Đức). Từ sự động viên đó và tinh thần hiếu học của con em nên hàng năm thôn Nại Cửu có khoảng 60- 70 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Anh Nguyễn Xuân Hòa, một doanh nhân thành đạt của thôn hiện đang làm ăn tại Lào cũng là một trong những người đầu tiên của thôn khởi xướng và ủng hộ thành lập quỹ khuyến học Võ Tử Văn tâm sự: “Dù sinh sống xa quê hương, nhưng bản thân tôi luôn đau đáu hướng về quê hương. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua người thân liên lạc, khi biết con em trong thôn thi đỗ các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng hay đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, tôi vui lắm. Vui bởi thôn có thêm những người trí thức trẻ, có thêm một công dân có ích góp phần làm rạng rỡ quê nhà”. Không chỉ chú trọng vào việc “trồng người”, người dân Nại Cửu cần cù chịu khó trong lao động sản xuất. Dù đất đai không được màu mỡ nhưng sản phẩm rau sạch, nấm, cá nước ngọt của Nại Cửu luôn được người tiêu dùng biết đến. Nhờ thế, nhiều hộ dân xoá được đói, giảm được nghèo nhanh và bền vững nhờ những mô hình làm vào thời gian nông nhàn. Bên cạnh đó, nhờ thâm canh tốt nên năng suất lúa luôn đạt cao, sản lượng hàng năm đạt 1.532 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 519 kg/người/năm. Công tác bảo vệ môi trường luôn được người dân thôn Nại Cửu quan tâm. Đến nay, hầu hết các hộ trong thôn đều tự xây cho mình hố rác để xử lý rác thải. Thôn cũng đang quy hoạch xây dựng hố rác thải tập trung và tổ chức đội thu gom rác; các đoàn thể trong thôn thường xuyên phát động làm sạch vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm. 90% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 95% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, từ 29,7% năm 2008 đến nay xuống còn 13,7%, không còn hộ có nhà tạm bợ dột nát. 100% hộ tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới. Hàng năm có 93,5% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, trong đó 90,7% gia đình văn hóa được công nhận 3 năm trở lên, có 5/7 khu dân cư tiên tiến được UBND xã tặng giấy khen và 3 năm liền được công nhận làng văn hóa xuất sắc về mọi mặt. Năm 2012, thôn Nại Cửu được UBND tỉnh tặng danh hiệu làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. Hôm nay, đi trên con đường được bê tông hóa, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, danh sách đỗ đạt của con em trong làng ngày một nối dài thêm, những ngôi nhà cao tầng hay được xây kiên cố mọc lên khắp thôn ai nấy đều cảm nhận được sự tươi mới của một làng quê đang trên đà phát triển. Người dân thôn Nại Cửu luôn kề vai sát cánh bên nhau, vượt qua gian lao vất vả tiếp tục tô thắm nét đẹp truyền thống văn hóa của làng cho dù có đi làm ăn, sinh sống, công tác xa quê. Bài, ảnh: NGUYỄN VINH