Khơi xa vẫy gọi
(QT) - Chưa qua rằm tháng Giêng, ban mai chỉ có chút giá lạnh, sương mù, rồi trở nên hanh hao như sắp sang hè. Nắng vàng sánh như mật ong trải dài trên những trảng cát lấp lóa. Anh Nguyễn Văn Thụ, chủ một cơ sở sửa chữa tàu thuyền có tiếng ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) dẫn tôi ra cảng.  Mùa này trong nước, tàu cập cảng Cửa Việt rất nhộn nhịp. Tàu đi "ăn" hàng thạch cao, gỗ tròn nhập khẩu từ Lào về qua Quốc lộ 9. Tàu cập cảng lặc lè than đá cung cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ...

Khơi xa vẫy gọi

(QT) - Chưa qua rằm tháng Giêng, ban mai chỉ có chút giá lạnh, sương mù, rồi trở nên hanh hao như sắp sang hè. Nắng vàng sánh như mật ong trải dài trên những trảng cát lấp lóa. Anh Nguyễn Văn Thụ, chủ một cơ sở sửa chữa tàu thuyền có tiếng ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) dẫn tôi ra cảng. Mùa này trong nước, tàu cập cảng Cửa Việt rất nhộn nhịp. Tàu đi "ăn" hàng thạch cao, gỗ tròn nhập khẩu từ Lào về qua Quốc lộ 9. Tàu cập cảng lặc lè than đá cung cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở địa phương. Phía tây, cầu Cửa Việt dường như chỉ còn một sải tay nữa thôi là hợp long. Ánh lửa hàn và bóng những người công nhân đổ xuống mặt sông yên tĩnh buổi ban mai làm bừng sáng cả thềm biển trong một ngày ra giêng ấm áp.

Tàu thuyền ngư dân thị trấn Cửa Việt chuẩn bị ra khơi.

Anh Thụ chia sẻ:" Mai này cảng Cửa Việt được đầu tư nạo vét luồng lạch đủ để tàu có trọng tải lớn từ 5.000 tấn trở lên, tàu container cập và xoay trở thuận lợi; cầu Cửa Việt hoàn thành liền mạch êm thuận, nối vùng kinh tế động lực Cửa Tùng với dự án cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đây cũng là nơi xuất phát của cung đường ngắn nhất "đáng mơ ước nhất" của biển Đông, thông thương với Lào qua đông bắc Thái Lan trên tuyến đường xuyên Á, vùng quê nơi miền chân sóng này sẽ có nhiều cơ hội phát triển lắm anh à..." Tôi vui với niềm vui của anh Thụ và các bạn nghề của anh khi xuống bến cá. Tàu ngư dân san sát như một khu chợ nổi thu nhỏ. Mới đây thôi, tàu xé sóng trở về cảng, mạn lím đến tận mép nước. Những tấn cá đánh bắt được trong những ngày ra quân đầu năm đã bán hết. Bây giờ, tàu thong dong trườn hẳn lên con sóng liu riu. Những ngư phủ thư nhàn bên tấm lưới phơi phủ cả khoang thuyền rộng rãi chờ tiếp liệu đủ dầu, nước ngọt, đá lạnh, chỉnh trang lại máy tầm ngư, máy định vị, máy điện thoại...chờ giờ lành, ngày tốt xuất bến tiếp nữa. Anh Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt phấn khởi cho biết, toàn thị trấn có 184 chiếc tàu, trong đó loại từ 90-150 CV là 26 chiếc, tàu từ 45-90 CV là 34 chiếc, còn lại là thuyền dưới 15 CV. Tổng sản lượng hải sản đánh bắt được của ngư dân toàn thị trấn trong năm 2009 là 4.200 tấn, vượt kế hoạch 200 tấn. Năm 2010, thị trấn giữ nguyên kế hoạch khai thác hải sản như trong năm 2009 nhưng khả năng hoàn thành vượt mức là rất khả quan. Từ đầu năm 2010 đến nay, nghề biển thuận lợi đến bất ngờ, hiện đã đạt sản lượng 250 tấn. Chỉ riêng những ngày sau Tết, ngư dân đã đánh bắt được 110 tấn, trong đó loại cá cơm chiếm đến 90 tấn, có thuyền chỉ trong 2 ngày bám biển đã thu được 18 tấn, tàu thấp nhất cũng đạt từ 5 tấn trở lên. Anh Nguyễn Trường Kỳ lạc quan: "Bây giờ đang cuối vụ Bắc, chuẩn bị vào đầu vụ cá Nam nhưng ngư dân bội thu nghề biển là dấu hiệu cho thấy năm nay biển phát lộc. Nhờ nghề biển thuận lợi mà mấy năm trở lại đây, 600 hộ ngư nghiệp trên tổng số 1.100 hộ dân trong toàn thị trấn đã có cuộc sống khấm khá, thu nhập bình quân một lao động trong một tháng đã đạt 3 triệu đồng, hộ cao có thu nhập lên đến 5 triệu đồng. Khi cuộc sống người dân được cải thiện thì tất cả các mặt KT-XH cũng đều theo đó mà khởi sắc nhanh chóng..." Địa hình trải dài hai bên đường xuyên Á, cận kề với biển, xã Gio Việt (Gio Linh) cũng có những điều kiện phát triển tương tự như thị trấn Cửa Việt. Anh Trần Minh Giang, Phó chủ tịch UBND xã không giấu được niềm vui khi ngư dân xã anh mới xuất quân đầu năm, tàu nào cũng điện về tới tấp thông báo trong bờ chuẩn bị sức mà...bán cá! Toàn xã Gio Việt có tổng cộng cả thảy là 157 chiếc tàu thuyền, trong đó tàu có khả năng đánh bắt xa bờ, trung bờ là 11 chiếc. Sản lượng đánh bắt thủy, hải sản hàng năm dao động từ 2.000-2.600 tấn. Ngư dân Gio Việt từ lâu đã nổi tiếng có tay nghề vững vàng, kỹ năng đi biển tốt, kinh nghiệm đánh bắt dồi dào lại được đầu tư ngư lưới cụ, phương tiện tàu thuyền tương đối đồng bộ và hiện đại nên vụ cá Nam đã làm chủ được ngư trường từ Quảng Trị đến Nghệ An, vụ cá Đông ra đến Bạch Long Vĩ vào Bạc Liêu, Phú Quốc...

Nghề hấp cá ở xã Gio Việt.

Theo tăm cá ngang dọc trên Thái Bình Dương, vậy mà sau cơn bão số 9 hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2009, ngư dân Gio Việt bị ảnh hưởng nặng, cả trăm chiếc tàu đành phải nằm bờ. Không bó tay trước hoàn cảnh thiên tai khắc nghiệt, một bộ phận lao động nghề biển của Gio Việt đã chuyển mạnh sang thu mua, chế biến cá, hình thành một loạt cơ sở hậu cần nghề cá rất linh hoạt và hiệu quả. Hiện trên địa bàn có 42 lò hấp cá, mỗi năm chế biến từ 10.000-15.000 tấn cá, có ngày người dân đưa vào chế biến 200-300 tấn cá nguyên liệu. Loại cá được hấp, phơi chủ yếu là cá nục, cá cơm. Sau khi sơ chế, chất lượng cá không giảm, vẫn giữ được hương vị đặc trưng của từng loại cá, thịt săn chắc, thơm ngon, bảo quản được dài ngày và đặc biệt là giá cả bán ra cao gấp từ 10 đến 15 lần so với khi bán tươi. Thị trường phía Bắc và Trung Quốc rất ưa chuộng sản phẩm cá hấp, cá phơi của Gio Việt, cung không đủ cầu. -Đầu năm ra quân thấy ngư dân làm ăn phát đạt, mình cũng ấm lòng anh à- Anh Trần Minh Giang phấn chấn. Những ngày qua, một chuyến tàu cập bến ít lắm cũng được 5 tấn, 7 tấn, 10 tấn cá các loại. Rồi ngư dân tổ chức thu mua nguyên liệu trên biển từ các tàu bạn, quay về sơ chế và xuất đi cho kịp hợp đồng với khách hàng. Các cơ sở sơ chế đều nằm ngay bên đường xuyên Á. Có hàng, xe xuất phát ngay và mươi phút là đã rẽ Quốc lộ 1, ra Bắc. Mai này nếu hình thành một hệ thống chế biến thủy, hải sản hiện đại, công suất lớn, xuất đường thủy qua cảng Cửa Việt lại càng thuận lợi. Kết nối giao thông để thành công trong phát triển kinh tế là chính sách đúng đắn và phát huy ngay tức khắc trong thực tiễn cuộc sống, biểu hiện rõ nhất tại địa bàn vùng đông Gio Linh. Mười lăm năm trước, đánh bắt được một chút cá, mực, người dân nơi đây phải oằn lưng gánh qua bao trảng cát, lên đến chợ huyện đã đứng bóng, bán vội bán vàng để kịp quay về trước khi trời sẫm tối, sợ sấp nhà, ngã nôốc... Những năm qua, KT-XH miền biển, vùng cát đã có những chuyển biến tích cực, nhất là từ khi có Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển KT-XH miền biển, vùng cát, càng xác định rõ hơn là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh. Năm 2009, tổng sản lượng tính cả nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của tỉnh đã đạt 24.500 tấn.

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Bác Hồ đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng)...Tại đây, Người đã dạy:"Biển bạc của ta do dân ta làm chủ". Từ đó, ngày 1/4 hàng năm đã được ngư dân vùng biển nước ta chọn là ngày hội truyền thống, tổ chức các họat động văn hóa trên sông nước và triển khai ra quân đánh cá vụ Nam. Ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc tổ chức ngày hội truyền thống của ngành Thủy sản vào ngày 1/4 hàng năm.

Trong xu thế hiện nay, khoa học- công nghệ phát triển với những yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm đã đặt ra đòi hỏi bức thiết đối với nền kinh tế biển phải phát triển với tốc độ, quy mô và chất lượng cao hơn. Phương tiện ngư cụ và trình độ đánh bắt phải hiện đại hóa và không ngừng được nâng cao mới phù hợp với ngư trường đánh bắt và những biến động về thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Những trăn trở của lãnh đạo các xã vùng biển huyện Gio Linh và đông đảo ngư dân mà chúng tôi đã gặp đều mong muốn tỉnh tiếp tục nghiên cứu có chính sách ưu đãi gắn với cơ chế phù hợp để đầu tư cho các tàu xa bờ, nhằm khuyến khích ngư dân có điều kiện mua sắm thêm các trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu đánh bắt ở các ngư trường khơi xa. Quan tâm đầu tư phát triển mạnh các dự án tàu trung bờ, kết hợp tàu trung bờ với tàu xa bờ để tăng thời gian bám biển, sản xuất dài ngày. Các nghề rê khơi, vây rút chì, vây cá ngừ...đòi hỏi phải đầu tư lớn mới mong có được hiệu quả cao. Ngư dân cần được nhà nước hỗ trợ bằng nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện đưa các nghề này vào áp dụng trong quá trình đa đạng hóa phương thức đánh bắt và hoạt động thuận lợi trong các mùa vụ... Thêm vào đó, từ bao đời nay, sự hiện diện dân sự của tàu thuyền khai thác hải sản trên biển đã có đóng góp rất quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, xác định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong âm vang tiếng máy nổ của những con tàu nơi miền Cửa Việt chuẩn bị ra khơi vào một ngày mới, năm mới, những ngư phủ đã thắp nén hương thơm nơi xuất hành với lòng thành mong sóng êm, bể lặng. Đích đến của họ là những ngư trường rộng dài của Tổ quốc, đây Cồn Cỏ, đây Bạch Long Vĩ, đây Trường Sa, đây Phú Quốc.... Khơi xa không chỉ là nơi buông lưới, thu nguồn lợi từ biển, mà khơi xa còn là nơi bảo bọc những khúc ruột của đất nước, nơi mà ta luôn mong muốn một lần trong đời được đến, để buông neo. Vậy nên, khơi xa luôn vẫy gọi, từng ngày... Bài, ảnh: Đào Tâm Thanh.