Abel - Đắm say tiếng lòng người Pa Kô
(QT) - Rất hiếm hoi để được nghe tiếng Abel réo rắt trong các dịp lễ hội truyền thống của người dân tộc Pa Kô, không chỉ vì Abel không nằm trong nhóm nhạc cụ lễ hội phổ biến, mà bởi lẽ, ngày càng hiếm những người biết chơi loại nhạc cụ này. Những lớp người xưa sâu nặng với tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc mình vẫn trân trọng dành cho “cây đàn tình yêu này” những tình cảm quyến luyến. Qua những thanh âm của nó, người ta gửi trao tình cảm cho nhau, trai gái Pa Kô tìm đến với nhau kết duyên ...

Abel - Đắm say tiếng lòng người Pa Kô

(QT) - Rất hiếm hoi để được nghe tiếng Abel réo rắt trong các dịp lễ hội truyền thống của người dân tộc Pa Kô, không chỉ vì Abel không nằm trong nhóm nhạc cụ lễ hội phổ biến, mà bởi lẽ, ngày càng hiếm những người biết chơi loại nhạc cụ này. Những lớp người xưa sâu nặng với tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc mình vẫn trân trọng dành cho “cây đàn tình yêu này” những tình cảm quyến luyến. Qua những thanh âm của nó, người ta gửi trao tình cảm cho nhau, trai gái Pa Kô tìm đến với nhau kết duyên vợ chồng. Đó còn là tiếng lòng của người ở lại tưởng nhớ người đã khuất núi, về với tổ tiên. Ông Kôn Hương, ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) năm nay đã ngoài 70. Tự nhận mình thuộc lớp người xưa, ngay từ thời trai trẻ đã gắn bó với Abel. Nhờ cây đàn này, ông đã tìm được vợ, người bạn tâm giao đã đi cùng ông một đoạn đường dài của cuộc đời. “Ngày xưa, nhờ cây đàn Abel, thanh niên chúng tôi mới dùng tín hiệu âm thanh này để gọi người yêu trên nhà sàn xuống cùng đi sim. Chỉ nghe tiếng Abel là biết rằng có đôi nào đó đang tỉ tê tâm sự. Cha mẹ cô gái nghe được tiếng đàn, biết trai bản nhắn nhủ gì với con gái mình, ưng cái bụng mới đồng ý cho con gặp gỡ”, ông Kôn Hương nói.

Tấu khúc Able cùng bạn tâm tình

Kôn Hương vẫn giữ được vẻ nhanh nhẹn, tinh anh hiếm thấy ở tuổi này. Giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng bên dòng suối, ông cùng với bà Kăn Thay dạo cho chúng tôi nghe một tấu khúc réo rắt những thanh âm với đầy đủ các cung bậc tình cảm, lúc vui lúc buồn, lúc da diết, nỉ non. Chỉ là một loại nhạc cụ giản đơn, nhưng nó đã nói hộ được tiếng lòng, nhắn nhủ tâm tư tình cảm của con người để họ tìm đến nhau, hiểu nhau và cùng gắn bó. Hình dáng bên ngoài của Abel na ná giống như cây đàn cò của người Kinh. Đàn thường được làm bằng thứ gỗ cây dỗi, gồm phần đế đàn và thân đàn. Đế đàn là một mảnh gỗ mỏng khoảng 1 cm, chiều dài khoảng 15 cm. Để làm thân đàn, người ta dùng một ống lồ ô già có chiều dài khoảng 30 cm, đường kính độ 3 cm, một đầu của ống lồ ô được gắn vào đế của đàn, đầu kia gắn cần đàn (dây kéo). Người nào cầu kỳ muốn chăm chút thẩm mỹ cho cây đàn thì thường chạm trổ vào thân đàn những hoa văn đẹp mắt, sinh động. Phần trên của đàn được khoét một lỗ, gắn vào đó một cái chốt nhỏ bằng tre để lên dây đàn, từ đây có một sợi dây đàn được cột vào chốt nhỏ ấy chạy song song với thân đàn. Ngoài ra, từ chỗ tiếp giáp giữa đế và thân đàn, có một sợi chỉ dài hơn thân đàn được gắn với miếng vảy trút hình tròn gọi là lam đàn. Ông Kôn Hương giải thích: “Khi chơi đàn, nếu chỉ có một mình thì một tay dùng cần kéo bằng nứa hoặc tre để tạo ra âm thanh qua chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, bàn tay trái bấm vào dây. Đồng thời phải vừa dùng miệng và hai hàm răng cắn lấy vảy trút, giữ cho sợi chỉ trong trạng thái luôn căng, vừa hát”. Có hai cách chơi đàn Abel. Người chơi dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, các ngón tay của bàn tay trái bấm dây đàn, âm thanh phát ra như những cây đàn bình thường khác. Hoặc cũng với các động tác như cách thứ nhất, nhưng người sử dụng có thêm “công đoạn” dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút, giữ cho sợi chỉ căng ra và hát, đây cũng là điểm rất đặc biệt và độc đáo của cây đàn này. Lúc này lời ca và tiếng nhạc hòa quyện với nhau, âm thanh sẽ vang hơn và quyến rũ hơn. Người Pa Kô thường sử dụng lối hát xiêng thể hiện được nhiều cung bậc về tâm trạng của người hát: vui, buồn, giận dỗi, yêu thương để giãi bày tình cảm, nhắc về kỷ niệm, tâm sự lỗi lầm, hàm ý trách móc, mượn cảnh vật và sự việc để nói lên những vấn đề xảy ra trong cuộc sống gia đình, cộng đồng. Abel có thể được chơi bởi hai người cùng một lúc. Trong khi Kôn Hương say sưa kéo đàn, bà Kăn Thay ngồi cạnh giữ đế đàn cho vững, đôi mắt mơ màng xa xăm. Giọng bà tiếc nuối: “Nghe Abel lại nhớ những ngày tươi đẹp thời son trẻ, nhớ những đêm sim hò hẹn cùng người yêu, nhớ lắm. Thanh niên giờ không biết thổi Abel, không biết nghe Abel như thế hệ chúng tôi ngày xưa. Mà có lẽ, cả bản giờ không còn mấy người biết thổi Abel hay như Kôn Hương nữa”. Bà Kăn Thay cũng là một trong những phụ nữ Pa Kô hiếm hoi biết rõ, nghe, hiểu được Abel một cách sâu sắc và không vơi tình yêu với loại nhạc cụ này. Abel có thể chơi ở bất cứ đâu, khi hai người cùng chụm đầu quây quần bên bếp lửa ấm áp trên nhà sàn, trong lúc nghỉ ngơi khi lên nương rẫy, hay thảnh thơi bên dòng suối, nghe tiếng nước chảy róc rách cùng hòa quyện với âm thanh của tiếng đàn làm đắm say lòng người. Không chỉ dùng đàn để bày tỏ tình yêu lứa đôi, người Pa Kô bày tỏ việc tưởng nhớ ông bà tổ tiên và những người thân yêu ruột thịt của mình bằng tấu khúc Abel. Họ có niềm tin rằng, chỉ có Abel mới nói hết được tấm lòng của mình với người đã khuất. Kèn chỉ thổi bằng hơi thôi mà âm thanh len lỏi qua núi, qua rừng, vang vọng giữa đại ngàn, mang bao lời tỉ tê tâm sự. Kôn Hương thổi Abel mỗi khi vui, mỗi khi buồn, mỗi khi nhớ người thân. Người vợ ngày xưa ông từng thổi Abel để rủ đi sim đã sớm theo tiên tổ, bỏ ông lại một mình. Không còn người để hàn huyên tâm sự, ông dùng tiếng đàn Abel để kể chuyện với vợ mình và có được cảm giác như người vợ vẫn còn bên cạnh, cùng đi nương đi rẫy, cùng nhau vui vầy sớm hôm. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Bây giờ những người trẻ không mặn mà tha thiết với loại đàn này. Họ tìm hiểu nhau cũng hiện đại hơn, không cần nhờ đến tiếng đàn như thời xưa. Những người già chúng tôi lần lượt ra đi thì có lẽ nghệ thuật chơi đàn Abel có nguy cơ thất truyền”. Thời gian trôi đi, tiếng Abel thưa vắng dần trong bản và bây giờ chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay những người còn thổi, còn nghe được Abel. Không chỉ ở Tà Rụt, mà có lẽ ở nhiều nơi khác, đàn Abel đã ít nhiều vắng bóng trong số các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô. Ước nguyện của thế hệ những người như Kôn Hương, Kăn Thay làmuốn truyền dạy lại cách chơi các loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình cho con cháu. Tuy vậy, lớp trẻ không mặn mà với nhạc cụ truyền thống này nên việc duy trì, truyền thụ kiến thức cần thiết càng trở nên khó khăn. Biết chơi đã khó, chơi có hồn càng khó hơn nếu người thổi Abel không am hiểu, không thực sự yêu quý, trân trọng giá trị loại nhạc cụ ý nghĩa này. Thêm vào đó, việc đầu tư sưu tầm vàđưa vào sửdụng các loại nhạc cụđặc biệt của đồng bào dân tộc ít người ở miền tây Quảng Trị hiện nay cũng chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức nên nguy cơ ngày càng mai một là điều dễ hiểu. Bỏ lại những lo toan trước mắt, thế hệ những người Pa Kô như Kôn Hương vẫn đắm đuối với một loại nhạc cụ giản dị, thân thuộc nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của mình. Mỗi tấu khúc A bel dẫu vui, dẫu buồn đều là tiếng lòng đắm say của người Pa Kô, hay nói giản dị như bà Kăn Thay: “Người Pa Kô thổi Abel và nghe Abel, còn thiết tha với Abel là để nhớ cả một quãng đời lắm buồn vui, thăng trầm đã qua”. Bài, ảnh: THANH TRÚC