Người giao bưu anh hùng
(QT) - Ngày 23/8/2010, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống LLVT tỉnh Quảng Trị. Tại buổi lễ trọng thể này, lãnh đạo tỉnh đã trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho một số tập thể và cá nhân, trong đó có đồng chí Võ Duy Kinh- nguyên cán bộ giao bưu của Bưu điện tỉnh Quảng Trị. Cuộc đời và chiến công của đồng chí Võ Duy Kinh xứng đáng được tôn vinh, để thế hệ trẻ chúng ta tự hào và học tập tấm gương anh dũng của ông. Đồng chí Võ Duy Kinh sinh năm 1914, trong một giai đình giàu truyền thống cách mạng. Ông có 2 người em ruột và một con trai là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Suốt 32 năm tham gia cách mạng, trong đó có 29 năm làm công tác giao bưu trên các tuyến liên lạc, gắn liền với các con đò và dòng sông của quê hương để làm công việc thầm lặng nhưng hết sức gian lao, anh dũng, đồng chí Võ Duy Kinh là một đảng viên, một chiến sĩ giao bưu tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận tuỵ và trung thành với sự nghiệp thông tin liên lạc của Đảng, của nhân dân, quyết hy sinh tính mạng để đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc của cách mạng được thông suốt.
 |
Ông Võ Duy Kinh (thứ nhất bên trái) tại Đại hội chiến sĩ thi đua các LLVTND giải phóng Trị- Thiên năm 1967. |
Từ năm 1947-1956, ngoài việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, giữ vững đường dây liên lạc thông suốt, đồng chí còn phối hợp tham gia chiến đấu với lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận phục kích đánh tàu, ca nô của Pháp trên sông Hiếu, đoạn Đông Hà- Cửa Việt, góp phần làm nên chiến công vang dội: đánh đắm tàu Pháp, tiêu diệt hầu hết bọn sĩ quan và binh lính trên tàu tại Duy Phiên, Mai Xá. Chiến công này được ghi vào sử sách trong thời kỳ chống Pháp như một huyền thoại của quân và dân Quảng Trị, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Võ Duy Kinh. Đặc biệt, có một việc làm tiêu biểu của đồng chí được anh em đồng đội ca ngợi, đó là: trong một lần chở cán bộ có mang theo công văn bí mật của Tỉnh uỷ từ Triệu An sang Gio Việt (từ bờ Nam sang bờ Bắc) thì bị ca nô của Pháp phát hiện. Lúc đó đồng chí đã quả quyết rằng: “Bằng mọi giá phải bảo vệ cán bộ và tài liệu, không được để rơi vào tay giặc. Mình có hy sinh nhưng cán bộ và tài liệu phải được an toàn thì cách mạng mới chiến thắng được”. Chính vì thế đồng chí đã mưu trí đánh lạc hướng địch bằng cách thả thuyền trôi theo chiều nước dạt lại bờ Nam và lặn sâu xuống dòng sông giữa trời đông giá rét, dìu cán bộ bơi thẳng về phía chợ Hôm- Gio Việt. Khi kẻ địch phát hiện ra thuyền không có người thì đồng chí đã đưa cán bộ và tài liệu về địa điểm an toàn, thoát khỏi sự truy quét của kẻ thù. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, theo sự phân công của Tỉnh ủy, đồng chí Võ Duy Kinh ở lại địa bàn, tiếp tục đảm nhận tuyến giao bưu trên sông Cửa Việt từ năm 1954 đến năm 1956. Lúc này, tình hình Quảng Trị nói riêng và cả miền Nam nói chung rất căng thẳng. Chính quyền miền Nam khủng bố khốc liệt với chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”. Gia đình đồng chí bị địch khống chế nên 2 năm liền, đồng chí Võ Duy Kinh phải sống ngoài sông nước, ngâm mình dưới nước, vùi thân trong cát bỏng để tránh sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Nhưng đồng chí vẫn không nao núng, bảo đảm liên lạc thông suốt, đưa đón cán bộ, giao nhận công văn đều đặn, bất chấp sự truy lùng, đàn áp dã man của Mỹ-Diệm. Có lần thuyền từ Mỹ Thuỷ ra Cửa Tùng, gặp hải quân của địch truy đuổi, lại trúng thời điểm gió mùa Đông Bắc thổi mạnh khiến thuyền bị chìm, đồng chí đã dìu những người đồng đội bơi hàng hải lý lên đảo Cồn Cỏ để thoát khỏi sự truy quét của kẻ thù. Trong thời gian này, nhiều cán bộ, chuyến hàng từ Nam ra Bắc (và ngược lại) cùng các tài liệu công văn đều được đưa đến nơi an toàn chính là nhờ lòng quả cảm, sự mưu trí, gan dạ của đồng chí Võ Duy Kinh. Từ tháng 7/1960- 11/1971, đồng chí Võ Duy Kinh được giao nhiệm vụ giao bưu trên chiến khu Ba Lòng. Trong suốt 12 năm ròng rã bám trụ, đồng chí luôn đối mặt từng giờ, từng phút với kẻ thù và thú dữ cùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt... Mặc dù khó khăn gian khổ nhưng đồng chí vẫn kiên cường bám trụ, đảm bảo 4.300 ngày đêm tuyến giao liên được thông suốt. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được đưa đón an toàn. Đồng chí Võ Duy Kinh đã giúp Tỉnh uỷ Quảng Trị trong giai đoạn khó khăn giữ vững con đường huyết mạch của chiến khu Ba Lòng. Giai đoạn từ năm 1959-1961, từ con đường liên lạc quan trọng này, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã chuyển được chủ trương của Trung ương đến cơ sở, vào vùng địch hậu, xoay chuyển được tình thế từ bị động sang chủ động, tấn công. Vào Tết năm 1970, trước tình hình thiếu thốn lương thực, đồng chí Võ Duy Kinh đi săn, bất chấp hiểm nguy để nuôi sống bản thân và đồng đội. Đồng chí nghĩ rằng, cứu đói cho đồng đội để có sức khoẻ chiến thắng quân thù là điều nên làm. Khi đi săn, đồng chí gặp thám báo chuẩn bị một trận càn, mục tiêu đánh vào Tỉnh uỷ Quảng Trị, không một phút chần chừ, đồng chí đã ném lựu đạn, lia băng AK diệt thám báo. Sau trận đánh này, đồng chí Võ Duy Kinh được Bộ Tư lệnh mặt trận 7 (BTLMT7) tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ . Một lần, nước lũ quá lớn khó có thể vượt qua sông Ba Lòng nhưng vì có công văn “thượng khẩn”, đồng chí Võ Duy Kinh suy nghĩ: “Cách mạng còn thì mình còn. Nếu mình có hy sinh mà chiến khu Ba Lòng vẫn bình yên, Tổ quốc giành được độc lập, nhân dân được sống hoà bình thì cũng cam lòng”. Đồng chí cột chặt túi công văn vào người, một mình vượt sông bằng con thuyền nhỏ. Nước lũ chảy xiết, hung hãn đã nhấn chìm cả thuyền và cuốn trôi đồng chí trong dòng lũ dữ. Sau đó, đồng chí may mắn bám được vào ngọn cây bên bờ thoát chết, được đồng đội và nhân dân phát hiện, cứu sống và công văn “Thượng khẩn” kịp thời đưa về chiến khu. Đó là một thông tin rất quan trọng báo cho chiến khu Ba Lòng biết trước một trận càn lớn của Mỹ- ngụy hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của Khu ủy Trị Thiên. Nhờ lòng quả cảm và tận tụy của đồng chí mà suốt cả đêm hôm đó, các cơ quan cùng Khu ủy ở chiến khu Ba Lòng đã kịp thời sơ tán trước khi trận càn của địch diễn ra nên không bị thiệt hại gì. Vào cuối năm 1971, trên đường đưa hai thương binh và một cán bộ từ sông Ba Lòng ra đường 9 để chuyển ra miền Bắc, do bị mắc kẹt trong trận càn của Mỹ- nguỵ ở vùng Cùa, đồng chí đã tìm nơi trú ẩn an toàn. Do trận càn kéo dài, lương thực, nước uống không còn nên hai thương binh và cán bộ kiệt sức. Trước tình thế đó, đồng chí đã nảy ra quyết định táo bạo và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của mình là đến đêm bò vào bếp ăn dã chiến của lính Mỹ, lấy nước uống, thức ăn còn thừa để đưa về cứu sống thương binh, cán bộ. Nhờ đó, sau hai ngày trận càn rút lui, đồng chí tiếp tục đưa thương binh, cán bộ ra đường 9 an toàn. Trong những lần đi thu thập tài liệu, “nhân chứng sống” để làm hồ sơ truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Võ Duy Kinh, nhiều câu chuyện ca ngợi về đức hy sinh cao cả của đồng chí càng làm cho chúng tôi thêm xúc động, tự hào. Và một chuyện hy hữu xảy ra, khi làm công văn gửi đến các địa chỉ liên quan là tổ chức, cá nhân để thu thập bằng chứng làm hồ sơ cho đồng chí Võ Duy Kinh, tôi đã photo các tài liệu và hình ảnh liên quan để mọi người hiểu rõ hơn về những thành tích của đồng chí. Thật bất ngờ, đồng chí Nguyễn Xuân Quyết- nguyên là Bí thư Huyện uỷ Cam Lộ đã phát hiện ra trong bức ảnh chụp 4 chiến sĩ giao bưu Quảng Trị tại Đại hội thi đua chiến sĩ toàn quốc 1967 có liệt sĩ giao bưu Hoàng Văn Thứ. Thông qua đồng chí Võ Xuân Quyết, con của liệt sĩ giao bưu Hoàng Văn Thứ là anh Hoàng Văn Tân đã tìm lại được bức ảnh người bố của mình sau 37 năm tìm kiếm di ảnh để thờ phụng cha. Khi tự tay mình trao bức ảnh liệt sĩ giao bưu Hoàng Văn Thứ cho anh Tân, tôi bùi ngùi xúc động vì vừa làm được một việc tốt, đền đáp công ơn những người đã chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Hàng năm, cứ vào ngày truyền thống 15/8 của ngành Bưu điện, chúng tôi lại có dịp đến thăm và dâng hương tại tượng đài Giao bưu thông tin liên lạc Dốc Miếu, Gio Linh. Tượng đài được thể hiện bởi 3 nhân vật gồm nữ giao bưu trên dải Trường Sơn, anh giao bưu luôn vững tay chèo đưa đón cán bộ vào Nam ra Bắc; anh thông tin vô tuyến điện dũng cảm mưu trí. Nhân vật thứ 3 của tượng đài được lấy hình tượng từ người thật, việc thật là chiến sĩ giao bưu nổi tiếng trên sông Ba Lòng của tuyến giao bưu Bắc- Nam thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Võ Duy Kinh. Ngày 23/2/2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Anh hùng Lực vũ trang nhân dân cho đồng chí Võ Duy Kinh- người chiến sĩ giao bưu kiên trung của Bưu điện Quảng Trị. Cuộc đời và chiến công của đồng chí Võ Duy Kinh xứng đáng được tôn vinh, đi vào huyền thoại của quê hương Quảng Trị, để thế hệ trẻ, những người con của ngành Bưu điện hôm nay tự hào và học tập noi gương lòng quả cảm, đức hy sinh cao cả của ông. Bài, ảnh: BÌNH MINH