Nâng cao chất lượng rừng keo lai
(QT) - Tỉnh Quảng Trị mỗi năm trồng mới từ 5.000- 5.500 ha rừng tập trung, trong đó hơn 70% là rừng kinh tế. Hiện nay trong trồng rừng kinh tế, giống cây được sử dụng phần lớn là cây keo lai do có những đặc tính nổi trội, đưa lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lâm nghiệp. Cây keo lai sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ khá, thời gian trồng ngắn mà cho khối lượng gỗ nhiều. Gỗ keo lai ít mối mọt, cong vênh nên được thị trường ưa chuộng. Điều kiện khí hậu thời tiết và thổ nhưỡng ở Quảng Trị cũng phù hợp để cây keo lai sinh trưởng và phát triển.
 |
Vườn ươm giống cây keo lai |
Gỗ keo lai trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cung cấp cho các nhà máy làm nguyên liệu chế biến ván ép, băm dăm nên chưa chú trọng nhiều đến chất lượng gỗ, tuổi gỗ. Do đó, các diện tích rừng keo lai hiện nay được khai thác để cung cấp cho các nhà máy chế biến ván và băm dăm chưa đạt tối đa hiệu quả kinh tế. Lượng gỗ keo dùng để xẻ chiếm ít do chất lượng gỗ xẻ thấp, nhiều mắt sẹo, gỗ non. Hiện nay, phần lớn chu kỳ rừng keo lai được trồng trong 5- 6 năm là khai thác. Đây là chu kỳ kinh doanh ngắn, cây chưa đủ thời gian để tăng bán kính, gỗ cây bị non, chất lượng thấp. Vì thế, giá trị kinh tế cũng đạt thấp, 1 héc ta gỗ keo lai trồng trong vòng 6 năm chỉ cho thu nhập 40- 60 triệu đồng. Trong khi đó, nếu kéo dài chu kỳ sinh trưởng của cây keo ra khoảng 10 -11 năm và thực hiện các biện pháp chăm sóc rừng đúng kỹ thuật thì sản lượng gỗ tăng từ 2- 2,5 lần so với rừng trồng 6 năm, chất lượng gỗ tốt hơn, bán kính gỗ lớn hơn và giá gỗ cao hơn nên giá trị 1 héc ta gỗ rừng tràm trồng 10- 11 năm đạt khoảng 130- 140 triệu đồng/ha. Gỗ keo lai lúc này dùng xẻ rất tốt, gỗ ít mắt sẹo, gỗ già. Hiện nay, nhu cầu gỗ xẻ để sử dụng trong sản xuất mộc dân dụng là rất lớn. Vì thế người trồng rừng cần tính toán kỹ để quyết định chu kỳ trồng rừng sao cho đảm bảo giá trị kinh tế đạt ở mức cao nhất. Rừng keo lai được trồng với mục đích sản xuất gỗ xẻ phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật cơ bản từ khâu xử lý thực bì, trồng, chăm sóc cho đến khâu khai thác, đó là quy trình trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Về xử lý thực bì, không thực hiện theo phương thức phát đốt mà chỉ phát quang cỏ, cây bụi, sau đó dọn theo băng để cải thiện tăng độ phì cho đất, giảm hiện tượng xói mòn bề mặt đất. Vì thế, thời điểm xử lý thực bì được tiến hành vào cuối tháng 8, tuyệt đối không thực hiện phát đốt khi xử lý thực bì. Mật độ trồng rừng phổ biến từ 1.350 - 1.650 cây/ ha, với cự ly hàng cách hàng 3 m và cây cách cây từ 2- 3 m. Kích thước hố cây đào để trồng là 40 x 40 x 40 cm. Hố trồng cây phải được đào trước khi trồng 20- 30 ngày, vào khoảng tháng 9 khi có những trận mưa đất đã thấm làm mềm đất. Tiến hành bón phân và lấp hố trước khi trồng 7 - 10 ngày. Mỗi gốc được bón lót 0,2 kg phân NPK hoặc 0,2 - 0,3 kg phân hữu cơ vi sinh. Khi bón phân phải tiến hành trộn đều trong hố để cải thiện tốt độ phì nhằm giúp cho cây trồng có bộ rễ được phát triển đều, cây chắc khỏe và phát triển tốt về sau. Hiện nay nông dân đa số sử dụng keo lai dòng F1. Giống phải được lấy tại các vườn ươm cấp phép của Chi cục Lâm nghiệp. Cây giống có chiều cao thân cây 20- 30 cm, đường kính cổ rễ 0,25 - 0,3 cm, tuổi xuất vườn cây từ 3- 4 tháng tuổi, cây con không bị sâu bệnh, không cụt ngọn. Chọn thời điểm trời râm mát hoặc có nắng nhẹ hoặc mưa phùn để trồng cây là phù hợp. Cây khi đưa trồng phải còn nguyên bầu không bị vỡ, hệ rễ không bị tổn thương, phải xé bỏ túi bầu khi trồng cây. Rừng keo sau khi trồng tiến hành chăm sóc 3 năm liên tiếp với các bước phát thực bì, làm cỏ, xăm xới, vun gốc kết hợp bón phân, chặt tỉa cành nhánh, quản lý bảo vệ, chống cháy rừng... Trong quá trình chăm sóc cần lưu ý tỉa cành để tập trung dinh dưỡng nuôi thân làm cho cây sinh khối nhanh, nâng cao chất lượng gỗ, gỗ có ít mắt. Chú ý khi tỉa cành dùng rựa sắc, kéo cắt sát vào thân cây không tạo vết dập, xước. Với những cành lớn tiến hành cắt 1/2 đầu cành để hãm lại không cho cành phát triển đường kính, sau một thời gian khi thân chính phát triển to mới tiếp tục cưa sát vào thân chính để loại bỏ cành đó. Không tỉa quá 50% tán cây nhằm giúp cây có đủ khả năng quang hợp; không tỉa cành vào mùa mưa vì các vết cắt dễ bị nấm bệnh xâm nhập. Những cây phát triển nhiều ngọn thì loại bỏ bớt ngọn chỉ để lại một ngọn chính. Những cây phát triển nhiều thân, cũng tỉa bớt chỉ chừa lại một thân chính tốt nhất giúp cây phát triển. Công việc tỉa thưa được tiến hành khi cây trồng vào năm thứ 4. Đây là công việc rất quan trọng trong trồng rừng chất lượng cao vì để lại mật độ phù hợp từ 600- 800 cây/ha giúp cây có đủ điều kiện để phát triển đường kính đáp ứng tiêu chuẩn gỗ xẻ, tạo ra các sản phẩm gỗ có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tỉa thưa cũng làm cho cây mở tán, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, vệ sinh rừng, giảm nguy cơ sâu bệnh và cháy rừng. Khi tiến hành tỉa thưa, lựa chọn các cây còi, bị sâu bệnh để loại bỏ, nhưng cũng phải chú ý để lại sự phân bố cây đồng đều, tránh loại bỏ nhiều cây tại một vị trí. Xác định hướng đổ sao cho không làm hư hại hoặc ít hư hại đến những cây còn lại. Sau khi tỉa thưa, thu dọn sản phẩm gỗ rừng tỉa và cần xử lý tốt cành lá để tránh gây cháy rừng. Sản xuất lâm nghiệp đang mang lại nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, phải lựa chọn chu kỳ sản xuất một cách khoa học mới mang lại hiệu quả cao nhất. Vì thế người nông dân cần áp dụng các biện pháp trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC để mang lại hiệu quả cao nhất mà mức đầu tư không nhiều hơn chu kỳ ngắn là bao. Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA