Qua nghiên cứu, tôi đồng tình cao với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn với chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong những năm tới mà dự thảo Báo cáo chính trị đã đề ra. Cụ thể, ở phần các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội - môi trường và cải cách hành chính của giai đoạn 2021 - 2025 xác định: “Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 21.500 - 22.500 tỉ đồng, thu nội địa tăng bình quân hằng năm là 10 - 12%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 38.300 tỉ đồng, thu nội địa tăng bình quân hằng năm là 12%/ năm”.
Tiếp theo kỳ trước
* Ông NGUYỄN XUÂN MINH, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh:
Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025
Qua nghiên cứu, tôi đồng tình cao với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn với chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong những năm tới mà dự thảo Báo cáo chính trị đã đề ra.
Cụ thể, ở phần các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội - môi trường và cải cách hành chính của giai đoạn 2021 - 2025 xác định: “Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 21.500 - 22.500 tỉ đồng, thu nội địa tăng bình quân hằng năm là 10 - 12%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 38.300 tỉ đồng, thu nội địa tăng bình quân hằng năm là 12%/ năm”.
Theo tôi, đưa ra chỉ tiêu này là hơi thấp so với tình hình kinh tế của tỉnh bởi thời gian qua thu ngân sách trên địa bàn đã có mức tăng khá. Cơ sở để khẳng định điều này bởi chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt 10.424 tỉ đồng trong khi tỉnh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với đó là tình hình thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, trên địa bàn chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô, doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách chưa nhiều.
Bước vào nhiệm kỳ mới, khi mà những định hướng lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh đã được khẳng định và phát huy hiệu quả, nhất là hàng loạt dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện khí, công nghiệp chế biến và chế tạo, dịch vụ và du lịch… được đưa vào hoạt động và triển khai thực hiện sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Vì vậy, có thể xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 22.500 - 23.500 tỉ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 39.000 tỉ đồng.
* Ông TRẦN TRUNG DŨNG, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo - Kỹ năng Zuna Edu, TP. Đông Hà:
Cần có nhiều giải pháp hơn giúp doanh nghiệp phát triển
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và triển khai sớm việc lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua nghiên cứu, tôi thấy nội dung dự thảo Báo cáo chính trị mạch lạc, dễ hiểu. Mỗi phần đánh giá đều có số liệu chứng minh cụ thể về kết quả đạt được.
Một trong những thông tin trong dự thảo Báo cáo chính trị mà tôi ấn tượng là tỉnh đã quan tâm đến việc rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục đối với doanh nghiệp. Cụ thể, thời gian xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp chỉ còn bình quân là 1,7 ngày, giảm 1,3 ngày so với Luật Doanh nghiệp; rút ngắn thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư từ 35 ngày xuống còn 10 - 15 ngày; thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường giảm từ 50 ngày xuống còn 40 ngày… Đây là một trong những minh chứng sinh động thể hiện sự quan tâm của tỉnh đến việc phát triển doanh nghiệp.
Thực tế những năm gần đây, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã có sự thay đổi khá lớn và tích cực. Các chính sách mở hơn, có chiều sâu hơn. Công tác cải cách hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình làm thủ tục, giấy tờ. Nhiều diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp được tổ chức. Tại đây, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được quan tâm tháo gỡ, giải quyết. Các chương trình, diễn đàn kết nối giao thương trong và ngoài nước được tổ chức ngày càng nhiều, đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề.
Nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị, tôi mong đợi sẽ nắm bắt nhiều thông tin về những giải pháp phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, phần nội dung này trong dự thảo Báo cáo chính trị chưa đề cập sâu. Tôi mong muốn tỉnh sẽ xây dựng những cổng thông tin, diễn đàn online, cổng tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có nhu cầu liên kết ngành, chuỗi giá trị; giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi; tổ chức nhiều khóa học, chương trình đào tạo giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho doanh nhân...
* Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội, UBMTTQVN tỉnh:
Phát triển, tập hợp, sử dụng hiệu quả tiềm lực khoa học công nghệ cho chuyển giao khoa học kỹ thuật
Thông qua một số diễn đàn, hội nghị, tôi đã có tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và rất phấn khởi vì một số ý kiến tham gia của tôi đã được Ban soạn thảo văn kiện tiếp thu, bổ sung vào dự thảo.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh hơn về thực trạng nguồn lực khoa học và công nghệ (KH&CN), “điểm nghẽn”, hạn chế lớn nhất cho nhân rộng và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Mặc dù chưa có điều tra cụ thể, nhưng có thể thấy đơn vị chuyển giao KH&CN ở tỉnh chủ yếu là Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; các đơn vị sự nghiệp một số ngành như: Nông nghiệp &PTNT, Y tế, Thông tin - Truyền thông… còn các đơn vị KH&CN chuyển giao tiến bộ khoa học của các bộ, ngành, các trường đại học trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Với nguồn lực tài chính hạn hẹp, số lượng, phạm vi ứng dụng, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn rất ít so với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.
Để khắc phục hạn chế, bất cập trên, tôi thấy tỉnh cần có một chủ trương, quyết sách, kế hoạch cụ thể. Về tổ chức, cần đánh giá, sắp xếp, phát triển các tổ chức KH&CN nhất là các đơn vị chuyển giao tiến bộ KH&CN. Tranh thủ, tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, các cơ quan Trung ương đầu tư, hình thành tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh. Về nguồn nhân lực, ngoài việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, các trường đại học trong khu vực chuyển giao kết quả KH&CN phù hợp nhu cầu của tỉnh. Về nguồn lực tài chính, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh đầu tư, chuyển giao KH&CN. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước cho các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, cấp thiết, có tiềm năng hiệu quả rõ nét. Tiếp tục củng cố, phát triển Quỹ KH&CN, xem đây là nguồn lực chính, thường xuyên cho các nhiệm vụ KH&CN.
Đội ngũ trí thức, cán bộ KH&CN của tỉnh tuy còn thiếu các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, song là lực lượng lao động chất lượng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương trong thời gian qua. Vì thế, tôi đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bổ sung cơ chế, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong sử dụng, đào tạo, phát huy cao nhất đóng góp của đội ngũ tri thức. Đồng thời cần tạo diễn đàn, tổng kết, đánh giá, vinh danh, động viên kịp thời các tập thể KH&CN, các cá nhân có đóng góp hiệu quả cho địa phương.
* Ông TRẦN NGỌC HIỆU, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Châu, huyện Gio Linh:
Có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới
Đến nay, toàn tỉnh đã có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỉ lệ 56,4%, có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Cam Lộ đã đạt chuẩn huyện NTM, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Nhờ vậy, diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Có được kết quả này là nhờ các cấp, các ngành đã chú trọng huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, xây dựng NTM ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn vẫn còn gặp nhiều rào cản. Trong đó, nổi lên là việc huy động nguồn lực đầu tư cho nâng cao năng lực sản xuất của người dân, kết cấu hạ tầng còn hạn chế.
Tôi đồng tình với quan điểm xây dựng NTM và xác định mục tiêu của dự thảo Báo cáo chính trị là “Đến cuối năm 2025, phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM; có 75% số xã đạt chuẩn NTM; 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2030, có 85% số xã đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh có 5 huyện đạt chuẩn NTM”.
Tuy nhiên, điều băn khoăn là các giải pháp để triển khai thực hiện lại ngắn gọn, chưa phản ánh đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Theo tôi, cần xem xét bổ sung thêm các giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Trong đó, cần coi trọng giải pháp là nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các xã khó khăn xây dựng NTM, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nâng cao năng lực sản xuất của người dân, phát triển hạ tầng. Thực tế cho thấy, ở các xã nghèo việc huy động kinh phí từ người dân là rất khó khăn vì thu nhập không cao do năng lực sản xuất thấp dẫn nên hạ tầng theo đó cũng khó phát triển. Đầu tư của nhà nước sẽ là nguồn vốn có tính động lực, vừa giải quyết được bài toán việc làm, thu nhập ổn định cho người dân vừa phát triển được hạ tầng thiết yếu.
* Bà NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh:
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ đón nhận luồng gió mới.
Là tổ chức xã hội đặc thù, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của đại hội đảng các cấp. Cán bộ, hội viên Hội Khuyến học tỉnh cũng đã tham gia đóng góp ý kiến hết sức tâm huyết vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Theo đánh giá chung, dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học. Chủ đề của báo cáo có tính khái quát cao, thể hiện mục tiêu phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ mới.
Những năm qua, đặc biệt là sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo… trong tỉnh đã hết sức quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong chương trình toàn khoá các khóa XV, XVI và các kết luận về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều xem công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Tại dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mục 6.1, nội dung công tác khuyến học, khuyến tài viết: “Tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với việc học tập suốt đời, xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” tiến tới xây dựng mô hình “Công dân học tập” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là nguồn động viên rất lớn, thôi thúc những người làm công tác khuyến học, khuyến tài nỗ lực nhiều hơn nữa.
Tôi tin tưởng rằng, sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ mang lại luồng gió mới, giúp công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn phát triển một cách bền vững.
Còn nữa
TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)