Tản mạn về “thương hiệu” Quảng Trị
Cuối năm 2008, Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị đã phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn đặc san Nghĩa tình Quảng Trị xuân Kỷ Sửu 2009 nhằm tặng biếu bà con đồng hương Quảng Trị tại TPHCM và các tỉnh phía Nam nhân dịp buổi họp mặt đầu năm mới Kỷ Sửu. Gần 200 trang viết trong cuốn đặc san đều chứa đựng những tâm tư tình cảm của các tác giả về quê hương Quảng Trị.  Đã có một thời gian Quảng Trị nhập với Quảng Bình, Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên - trở thành tỉnh dài nhất Việt ...

Tản mạn về “thương hiệu” Quảng Trị

Cuối năm 2008, Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị đã phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn đặc san Nghĩa tình Quảng Trị xuân Kỷ Sửu 2009 nhằm tặng biếu bà con đồng hương Quảng Trị tại TPHCM và các tỉnh phía Nam nhân dịp buổi họp mặt đầu năm mới Kỷ Sửu. Gần 200 trang viết trong cuốn đặc san đều chứa đựng những tâm tư tình cảm của các tác giả về quê hương Quảng Trị. Đã có một thời gian Quảng Trị nhập với Quảng Bình, Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên - trở thành tỉnh dài nhất Việt Nam. Chia tỉnh, Quảng Trị trở về với miền đất nghèo khó, cái thị xã Quảng Trị sơ sài như một thị trấn vùng quê còn Đông Hà thì hoang sơ cùng gió Lào rát bỏng...

Xóm làng vào hội. Ảnh: Minh Hoàn
Thế rồi cho đến một ngày nọ cách nay khoảng chục năm, có một người Quảng Trị lần đầu tiên đã đặt vấn đề xây dựng một "thương hiệu Quảng Trị", đó chính là một doanh nhân - kỹ sư Lê Quốc Phong, Giám đốc Nhà máy phân bón Bình Điền II, nay là Tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, một người con của đất mẹ Quảng Trị. Từ đó mỗi lần đi đâu, gặp anh em đồng hương anh Lê Quốc Phong luôn kêu gọi, vận động anh em chung tay xây dựng "thương hiệu" cho quê hương. Hành động thiết thực nhất là tuyên truyền để cho những người con Quảng Trị biết rằng Quảng Trị có nhiều danh nhân, người tài; những người con của Quảng Trị thành đạt phải hỗ trợ cho quê hương. Tại TPHCM và TP Hà Nội hiện có rất nhiều người con Quảng Trị thành đạt. Họ có thể là doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo...cần chung tay xây dựng quê hương. Hướng về quê hương, anh Lê Quốc Phong vận động thành lập CLB những doanh nhân người Quảng Trị tại TPHCM, bây giờ là CLB Nghĩa tình Quảng Trị. Những người con của quê hương Quảng Trị đã đóng góp trên 2 tỷ đồng tạo nên quỹ "Tiếp sức đến trường". Bây giờ "Tiếp sức đến trường" đã trở thành một "thương hiệu", mà chính do những người con Quảng Trị tại TPHCM hình thành nên. Trong cuốn đặc san Nghĩa tình Quảng Trị, tác giả Nguyễn Khắc Phước khi phân tích hình ảnh quê hương huyện Hải Lăng trong thơ của thầy Võ Văn Hoa, Phó Phòng Giáo dục huyện Hải Lăng đã viết: “Tôi nhớ mang máng trong một truyện ngắn nước ngoài, chủ nhân ngôi nhà sau khi đọc bài quảng cáo rao bán ngôi nhà trong đó người môi giới đã mô tả căn nhà có nhiều vẻ đẹp mà bấy lâu nay họ không nhận ra. Thế rồi sau khi cân nhắc, chủ nhân ngôi nhà quyết định không bán nhà mình nữa và ở lại đó mãi mãi. Người dân huyện Hải Lăng có lẽ cũng như thế. Sau khi đọc thơ Võ Văn Hoa, họ sẽ không ngờ quê mình đẹp thế và chắc chắn sẽ yêu quê mình nhiều hơn”. Huyện Hải Lăng đã như thế, thì Quảng Trị đẹp lắm, phải không! Nguyễn Đăng Bình