Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Vân Kiều, Pa Cô*
(QT) - Trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, văn hóa bản địa là đặc trưng của mỗi địa phương, làm phong phú nền văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em. Với ý nghĩa đó, chủ đề “Báo Đảng địa phương với việc tuyên truyền về giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa” do Báo Gia Lai đưa ra lần này có ý nghĩa rất thiết thực trong nghiệp vụ cũng như thực tiễn, khi đất nước ta đang tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Văn hóa theo quan điểm của Đảng ta là nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với báo Quảng Trị, tuyên truyền về văn hóa nói chung và văn hóa bản địa nói riêng luôn được chú trọng, có chuyên trang thường xuyên trên các số báo hàng tuần. Thông qua các thể loại báo chí, báo có các tuyến bài viết đề cập đến văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Gần đây, huyện Đakrông đã đưa một số bản làng tiêu biểu vào làm điểm du lịch, mở ra hướng đi mới trong khai thác, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô dựa vào du lịch cộng đồng, để văn hóa ngày càng gắn với đời sống xã hội. |
Ở Quảng Trị, ngoài dân tộc Kinh còn có thêm hai dân tộc thiểu số sinh sống ở Trường Sơn là dân tộc Vân Kiều, Pa Cô và một số dân tộc khác. Trong tuyên truyền, báo đề cập đến nhiều biểu hiện của văn hóa bản địa, từ phong tục tập quán, lễ hội, các loại hình dân ca, đặc điểm dân tộc học, luật tục, trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực…, nghĩa là ở một phạm vi rộng lớn của văn hóa. Về vốn văn hóa dân gian của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, báo có nhiều bài viết dưới dạng sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu về các loại hình dân ca như: hát xiềng, cà lơi cha chấp, oát sa nớt…là lối hát giao duyên truyền thống của các dân tộc, từ đó tìm trong ca từ dân ca những triết lý sâu xa, những tâm tư tình cảm của đồng bào dân tộc qua mỗi thời kỳ lịch sử mang đậm dấu ấn cộng đồng. Gần đây, huyện Đakrông đã đưa một số bản làng tiêu biểu vào làm điểm du lịch, mở ra hướng đi mới trong khai thác, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô dựa vào du lịch cộng đồng, để văn hóa ngày càng gắn với đời sống xã hội. Đến lượt mình, văn hóa bản địa thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội phát triển ngay trên chính mảnh đất mà nó sinh ra. Khi đề cập đến khía cạnh này, quan điểm của chúng tôi trong việc nghiên cứu văn hóa bản địa là đặt nó trong không gian văn hóa của các dân tộc. Cùng với phản ánh về các lễ hội văn hóa dân tộc thiểu số, báo Quảng Trị còn lồng ghép việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các địa phương miền núi của tỉnh với nét độc đáo trong bản sắc dân tộc gắn với những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh có sức thu hút khách du lịch như cầu treo Đakrông, suối nước nóng Ka Lu, khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, đường 14A - đường Trường Sơn huyền thoại… Thông qua các điểm du lịch sinh thái vừa đem lại nguồn thu nhập để cải thiện đời sống cho cư dân các bản làng, vừa có tác dụng quảng bá văn hóa bản địa, thu hút sự quan tâm của các ngành chức năng. Trong thực tế nhiều vùng cư dân Vân Kiều, Pa Cô của tỉnh đã được đưa vào các chương trình mục tiêu quốc gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, các dự án triển khai trên địa bàn cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho người dân. Trong đó việc bản tồn nhà dài của người Pa Cô là một thí dụ cho thấy rất có ý nghĩa về dân tộc học. Trong khi đề cập về đề tài văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, báo Quảng Trị quan tâm đến mảng văn hóa vật thể, đó là các sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm, rượu cần, sản phẩm đan lát, các loại nhạc cụ, ẩm thực…mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc sống trên dãy Trường Sơn. Nét mới hiện nay khi du khách đến thăm bản làng theo tour du lịch cộng đồng sẽ được ăn nhiều món ăn ngon, uống rượu cần do người dân bản nấu, được tắm suối nước nóng ở ngay bản làng. Nếu muốn tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô, du khách có thể được dân bản hướng dẫn dệt thử thổ cẩm trên khung cửi, sau đó có thể mua một vài tấm làm quà lưu niệm… Bên cạnh đó, báo còn tôn vinh nhiều tấm gương các nghệ nhân đã hết lòng truyền dạy cho nhiều phụ nữ khôi phục nghề dệt thổ cẩm và bước đầu các địa phương trong vùng đã có các sản phẩm mang đi tiêu thụ nhiều nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hay biểu dương những người tận tình đào tạo nghề nấu rượu cần cho các hộ dân, đào tạo nghề làm nhạc cụ dân tộc Vân Kiều như đàn Ta lư, khèn A mar, sáo, khèn, thanh la, đàn mồi... Từ phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, nhiều làn điệu dân ca được khôi phục và tham gia các hội diễn văn nghệ như đội cồng chiêng của dân tộc Vân Kiều ở Đakrông, đội hát xiềng, Cà lơi cha chấp ở Hướng Hóa đã từng “vác chuông đi đánh xứ người” và đạt nhiều giải trong các liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số. Cũng như cồng chiêng của người Tây Nguyên, chiếc thanh la của người Vân Kiều, Pa Cô là bảo vật thiêng liêng trong cộng đồng. Chính vì thế mà chiếc thanh la được dân bản xem như báu vật. Hiện nay có hiện tượng lớp trẻ không còn còn sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình nữa, điều này dẫn đến nguy cơ thất truyền về sau, đòi hỏi báo chí phải vào cuộc, chia sẻ, cảnh báo nguy cơ mai một các giá trị văn hóa, để lưu giữ nét độc đáo, đa dạng của nhạc cụ, các làn điệu dân ca của các dân tộc. Hay như đồ trang sức, từ ngàn xưa, người phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô đã biết làm đẹp cho mình bằng những thứ trang sức bằng bạc và thường đeo vào mỗi buổi lễ hội hay những ngày nghỉ ngơi sau mùa rẫy. Nghề làm trang sức theo đó mà ra đời và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại những người già ở những bản làng xa xôi là còn đeo những loại trang sức truyền thống này. Chính vì vậy người làm đồ trang sức bằng bạc ngày càng ít đi. Khi đề cập đến vấn đề này, chúng tôi tìm về với những nghệ nhân còn sót lại biết chế tác đồ trang sức bằng bạc, qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của một lớp người gửi gắm lại cho thế hệ sau biết giữ gìn những giá trị vật thể truyền thống của tổ tiên. Trong quá trình tìm về với văn hóa bản địa, báo Quảng Trị cũng đề cập đến những hủ tục lạc hậu cần loại bỏ trong đời sống cộng đồng, như việc bỏ mặc phụ nữ sinh đẻ ở trong rừng; hiện tượng “đi sim” biến tấu thiếu lành mạnh hiện nay dẫn đến số phận những người trẻ ở lứa tuổi thanh niên, vị thành niên phải gánh chịu hậu quả của việc sinh con ngoài ý muốn dẫn đến cuộc sống khó khăn, bệnh tật, nghèo đói. Hay những luật tục không còn phù hợp với nếp sống mới như lối sống đa thê, tục nối dây…Trong các bài viết về văn hóa bản địa, báo Quảng Trị phân tích về tác hại của các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp cần loại bỏ, đề xuất việc giữ lại những tập tục có giá trị trong cộng đồng, như tiếng phèng la hòa giải mối bất hòa trong gia đình, hàng xóm; vai trò của già làng trong điều hành công việc chung…có lợi cho việc xây dựng đời sống mới hôm nay. Tóm lại, văn hóa nói chung và văn hóa bản địa nói riêng với tư cách là một hiện tượng xã hội chính là sự phát triển của những năng lực bản chất của con người không ngừng nâng cao trình độ làm chủ đối với tự nhiên, xã hội, bản thân nhằm thỏa mãn nhu cầu về sự hiểu biết, khám phá, sáng tạo trong thế giới con người theo hướng ngày càng vươn tới giá trị đích thực của chân, thiện, mỹ. Với ý nghĩa đó, trong tuyên truyền về văn hóa bản địa, báo Quảng Trị đã tiếp cận với không gian mở, vừa đưa ra kiến giải giữ gìn những giá trị mang bản sắc văn hóa của từng dân tộc, vừa đưa những giá trị mới có tính tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu có thêm văn hóa của cư dân bản địa. Thực tiễn cuộc sống vốn đa dạng và phong phú, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí có mỗi cách tiếp cận riêng về tuyên truyền văn hóa bản địa, nhưng điểm gặp gỡ chung theo chúng tôi không nằm ngoài ý nghĩa mục đích làm phong phú, đa dạng bản sắc dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước ta. Đến với hội thảo ngoài chia sẻ một vài suy nghĩ về chủ đề trên, báo Quảng Trị mong được đón nhận những kinh nghiệm hay, những bài học tốt để báo Đảng trong khu vực có thể làm tốt hơn về chủ đề này trong thời gian tới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. PV (Lược ghi) … * Trích tham luận của Báo Quảng Trị tại Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên, ngày 20,21/11/2009 tại Gia Lai.