Thấp thỏm sống trong lòng hồ thủy điện
(QT) - Mùa mưa bão sắp cận kề, thế nhưng đến nay 13 hộ dân ở thôn Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn trong khi chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn tiến hành tích nước vận hành, gia cố thêm thân đập thủy điện Đakrông 3. Chủ đầu tư cứ hứa đền bù và di dời rồi lại để người dân phải chờ đợi mãi. Và khi những cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt, nước sông suối đục ngầu thì người dân lại thấp thỏm lo âu chuẩn bị một mùa chạy lũ mới... Pa Hy là một thôn nhỏ nằm ...

Thấp thỏm sống trong lòng hồ thủy điện

(QT) - Mùa mưa bão sắp cận kề, thế nhưng đến nay 13 hộ dân ở thôn Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn trong khi chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn tiến hành tích nước vận hành, gia cố thêm thân đập thủy điện Đakrông 3. Chủ đầu tư cứ hứa đền bù và di dời rồi lại để người dân phải chờ đợi mãi. Và khi những cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt, nước sông suối đục ngầu thì người dân lại thấp thỏm lo âu chuẩn bị một mùa chạy lũ mới... Pa Hy là một thôn nhỏ nằm sát ven đường 14 của xã Tà Long, bao đời nay người dân ở đây chưa từng chạy lũ, chống chọi với lũ. Ấy vậy mà từ khi thủy điện Đakrông 3 bắt đầu tích nước thì mùa mưa bão đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Bà Hồ Thị Đươm, một người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi sống ở đây đã mấy chục năm mà không hề sợ lũ vì nước lũ đỉnh điểm cũng chỉ dâng lên đến ruộng ngoài suối là cùng. Chưa bao giờ nước tràn vào khu dân cư này. Nhưng từ khi thủy điện chặn dòng, tích nước thì vào mùa mưa bão chúng tôi lại thấy lo âu vì nước lũ có thể cuốn trôi hết mọi thứ như năm trước”.

Anh Hồ Văn Bằng khẳng định việc nước lũ ngập sâu vào nhà mình và 12 hộ dân trong lòng hồ là đúng sự thật

Thủy điện chặn dòng đã khiến cuộc sống của 13 hộ dân (có 3 hộ đang sống trong lòng hồ và 10 hộ nằm sát 2 bên đường) trở nên nguy hiểm vào mùa mưa bão. 13 hộ dân ở đây đều muốn được đền bù để di dời đến nơi ở mới an toàn hơn và họ đã làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét. “Vừa qua, phía Công ty CP thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư công trình thủy điện Đakrông 3) đã đồng ý đến tháng 6/2014 sẽ tiến hành đền bù và di dời 3 hộ dân sống trong lòng hồ ra khỏi khu vực nguy hiểm, riêng 10 hộ còn lại đã được lãnh đạo công ty ký cam kết 3 bên (gồm lãnh đạo công ty, UBND xã Tà Long và đại diện 10 hộ dân) rằng nếu xảy ra thiệt hại do ngập lụt thì họ sẽ đền bù theo quy định. Đến nay đã hết tháng 9/2014, nhưng 3 hộ dân nói trên vẫn chưa được đền bù và di dời như Công ty CP thủy điện Trường Sơn đã hứa”, chị Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long bức xúc. Câu chuyện 13 hộ dân ở thôn Pa Hy bị “bỏ rơi” trong lòng hồ thủy điện lại nóng lên khi chúng tôi đến tìm hiểu nguyên nhân. Các hộ dân ở đây tỏ ra rất bức xúc trước thái độ thờ ơ của đơn vị thi công trong việc tiến hành đền bù và di dời các hộ dân này ra khỏi lòng hồ. Ông Hồ Văn Thành, ở thôn Pa Hy cho biết: “Chúng tôi không thể sống thấp thỏm trong lòng hồ được nữa, cứ nghĩ đến đợt tích nước vừa qua là lại lo lắng. Nước dâng lên ngập hết hoa màu, cây cối, nhà cửa, đe dọa tính mạng của cư dân trong lòng hồ này. Nếu đập thủy điện không đảm bảo chất lượng thì thiệt hại e chẳng dừng lại ở tài sản của dân...”. Anh Hồ Văn Bằng tiếp lời: “Các anh thấy đó, chừ thủy điện mới tích nước mùa khô mà đã ngập hết đất đai canh tác, ao nuôi cá của dân thì nói gì đến mùa lũ. Người dân chẳng thể nào mà yên tâm sinh sống, làm ăn ở đây được nữa. Nhà tôi nằm trong danh sách được đền bù để di dời trong tháng 6/2014 nhưng đến nay đã thấy động tĩnh gì đâu. Họ quá xem thường tính mạng và tài sản của người dân. Không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới được di dời ra khỏi lòng hồ”. Câu chuyện bức xúc đó cũng bắt nguồn từ thái độ thiếu hợp tác, trốn tránh trách nhiệm của Công ty CP thủy điện Trường Sơn trong việc tiếp thu nguyện vọng được di dời nhà cửa của bà con; cùng với đó là quá trình chậm đền bù, bất cập trong định giá đối với tài sản của các hộ dân này. Tất cả 13 hộ dân trên đều chịu ảnh hưởng do công trình thủy điện Đakrông 3 gây ra nhưng phía công ty chỉ hứa giải quyết một vài trường hợp có nguy cơ cao nhất. Một số hộ không được chấp nhận di dời là do phía công ty cho rằng chưa đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên nhiều hộ dân cho rằng khi thủy điện tích nước (cao hơn 4 m) thì đất đai nhà cửa của họ sẽ bị chìm trong nước và thực tế trong đợt mưa lũ năm 2003, tất cả nhà của 13 hộ dân này gần ngập sàn. Điều đó đã khiến người dân phản ứng gay gắt: “Trong đợt mưa bão vừa qua đất màu và diện tích chuối nhà tôi bị ngập hết, nhà sàn cao thế mà nước cũng xâm xấp đến sàn. Tôi trình bày với lãnh đạo Công ty CP thủy điện Trường Sơn về nguyện vọng được di dời thì họ bảo sẽ làm cam kết đền bù nếu thiệt hại xảy ra. Họ xem thường tính mạng, tài sản của chúng tôi”, ông Hồ Văn Gioóc nói trong bức xúc. Anh Hồ Văn Thái, Trưởng thôn Pa Hy cho biết: “Trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, nhà của 13 hộ dân này gần ngập sàn, cây cối, hoa màu hư hỏng hết. Cứ đến mùa mưa bão, người dân lại sống trong lo âu, thế nhưng không hiểu tại sao phía Công ty CP thủy điện Trường Sơn chỉ hứa giải quyết cho một số hộ và hứa đền bù để di dời đã lâu nhưng chẳng thấy thực hiện”. Ông Lê Đắc Quỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Trước khi thi công công trình thủy điện Đakrông 3 thì 13 hộ dân này không nằm trong diện giải tỏa, đền bù để tiến hành thực hiện các hạng mục xây dựng công trình. Thế nhưng trong quá trình tích nước lòng hồ vừa qua thì đã xảy ra ngập úng cho một số hộ dân nên chúng tôi xác định đây là các hộ dân này nằm trong diện nguy cơ bị ảnh hưởng ngập lụt. Chúng tôi đã làm việc với Công ty CP thủy điện Trường Sơn (chủ thi công, trụ sở đóng tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cùng Phòng Tài nguyên- Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất, chính quyền xã Tà Long và 13 hộ dân để sớm thống nhất việc đền bù, đồng thời nhanh chóng xem xét nhu cầu di dời của một số hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ”. Mấy hôm trước, công trình thủy điện Đakrông 3 vẫn đang tiến hành gia cố thêm thân đập trước mùa mưa bão. Có lẽ đơn vị thi công và chủ đầu tư chỉ lo cho sự tồn tại của công trình mà bỏ quên đi số phận của 13 hộ dân sống trong khu vực lòng hồ thủy điện. Dân vẫn cứ chờ đợi thấp thỏm từng ngày và phía chủ đầu tư công trình thủy điện Đakrông 3 vẫn cứ hẹn. Một mùa mưa bão nữa đang cận kề và việc di dời dân chắc phải hẹn đến năm sau. Không biết đến bao giờ 13 hộ dân nói trên mới được đền bù và di dời ra khỏi lòng hồ? Bài, ảnh: NHƠN BỐN