Gần 20 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh, đội ngũ trí thức Quảng Trị không ngừng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương Quảng Trị nói riêng và đất nước nói chung. Trong những năm qua cùng với sự hình thành và phát triển của tỉnh, đội ngũ trí thức đã tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đến nay, tỉnh ta có gần 17.000 người, trong đó trình độ tiến sĩ, thạc sĩ có khoảng 350 người. Đội ngũ trí thức Quảng Trị được đào tạo từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước và được tập hợp từ mọi miền đất nước. Nhìn chung, đội ngũ trí thức Quảng Trị có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh, cần cù, sáng tạo, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều trí thức tâm huyết với nghề nghiệp, chủ động học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ; biết sáng tạo nhiều công trình, sản phẩm có giá trị, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhiều trí thức sớm trưởng thành trong chuyên môn nghiệp vụ, trong nghiên cứu khoa học và được quy hoạch, bổ nhiệm giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của tỉnh, góp phần thiết thực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Xác định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức tỉnh nhà, ngày 27/03/2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức buổi gặp mặt đội ngũ trí thức toàn tỉnh lần thứ nhất. Phát biểu tại buổi gặp măt, đồng chí Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Viết Nên đã biểu dương và ghi nhận những cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển quê hương, đất nước. Mặc dù, đội ngũ trí thức Quảng Trị đã có bước phát triển và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, song, trước yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định. Số lượng trí thức tăng chậm, chưa đồng đều giữa các ngành nghề, các lĩnh vực. Bộ phận trí thức là cán bộ khoa học đầu đàn ở nhiều sở, ngành, nhiều lĩnh vực mũi nhọn còn thiếu và chưa mạnh, ngoài ra khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất còn chậm, lúng túng, thiếu tính sáng tạo, vì thế chưa đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới. Số lượng trí thức trẻ và nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhiều. Một bộ phận không nhỏ trí thức còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, tin học, chưa đủ khả năng tiếp cận, làm chủ các công nghệ tiến tiến, hiện đại; thiếu kinh nghiệm hoạt động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiểu biết chưa đầy đủ, sâu rộng về pháp luật, thông lệ thương mại quốc tế; giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu trung thực, thiếu ý chí phấn đấu... Một số trí thức còn chịu ảnh hưởng các mặt hạn chế của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, ít quan tâm đến việc học hỏi, trao dồi chuyên môn nghiệp vụ, làm việc thiếu trách nhiệm, hiệu quả chưa được cao... Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu, sáng tạo khoa học còn nhiều hạn chế, số lượng các công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng đưa vào áp dụng thực tiễn chưa nhiều. Đặc biệt, tình trạng “chảy máu chất xám” có chiều hướng gia tăng, một số trí thức không thực hiện đúng cam kết trở về phục vụ địa phương sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, đào tạo băng ngân sách của nhà nước, làm ảnh hưởng đến kế hoạch cân đối phát triển nguồn nhân lực lâu dài và những chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh nhà. Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27/2008 của BCHTƯ Đảng khoá X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công hiện hoá, hiện đại hoá đất nước”, BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra Chương trình hành động số 70/CTHĐTU, trong đó nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh lớn mạnh về mọi mặt, đủ khả năng tiếp thu và làm chủ các công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Chuẩn hoá về chức danh, trình độ, hình thành được đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn có tầm cỡ quốc gia, quốc tế trong các ban, ngành mũi nhọn của tỉnh. Xây dựng đội ngũ trí thức lãnh đạo, quản lí trên cơ sở quy hoạch, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, nhạy bén, năng động, sáng tạo trong công việc; có uy tín, đoàn kết, tập hợp, lôi cuốn cán bộ công chức cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ chung. Xây dựng đội ngũ trí thức làm chuyên môn, nghiệp vụ nhiệt tình, tận tâm với công việc; có trình độ chuyên môn cao, tinh thông nghiệp vụ; có khả năng tham mưu và chủ động, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ do cấp trên giao. Tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức làm việc và cống hiến, đáp ứng yêu cầu phát triển và từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ trí thức của cả nước, nhằm xây dựng quê hương Quảng Trị tiến lên theo hướng CNH-HĐH, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, nhanh chóng thoát khỏi một tỉnh nghèo đói, lạc hậu như hiện nay. Thạc sĩ: Bùi Như Hải