Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu an sinh bền vững
(QT) - Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và nhất trí ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW, từ tình hình thực tiễn của Quảng Trị, Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI, họp ngày 26/10/2018 đã thống nhất ban hành Chương trình hành động nhằm từng bước mở rộng và phát triển vững chắc diện bao phủ BHXH, ...

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu an sinh bền vững

(QT) - Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và nhất trí ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW, từ tình hình thực tiễn của Quảng Trị, Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI, họp ngày 26/10/2018 đã thống nhất ban hành Chương trình hành động nhằm từng bước mở rộng và phát triển vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, tạo động lực phát triển bền vững.

Người lao động cần được tham gia BHXH để yên tâm sản xuất

Trong những năm qua, chính sách BHXH đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Chính sách BHXH đã bao phủ hầu hết các chế độ hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 52.000 người tham gia BHXH, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,9%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 17%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện đạt 0,5%, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 42.000 người, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHTN 14%. So với năm 2012, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tăng 2,61% và số người tham gia BHTN tăng 2,82%. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 22.500 người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, bình quân kinh phí chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH là trên 800 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn nhiều hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện kết quả đạt thấp (tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,45% số người tham gia BHXH). Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH còn phổ biến, nhất là các doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước. Thêm vào đó, một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện nên chưa tích cực tham gia. Mặt khác, mức đóng BHXH tự nguyện còn cao, trong khi đối tượng tham gia đa phần là người lao động làm nghề tự do, nông dân, những người có việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Chế tài xử phạt chưa nghiêm, mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN chưa đủ mạnh...

Đề án cải cách BHXH vừa được thông qua có hơn 10 điểm mới về thay đổi chính sách BHXH so với hiện nay, hướng tới mục tiêu an sinh bền vững. Trong đó thay đổi cơ bản nhất là chính sách BHXH được thiết kế đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi. Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho người nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng. Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường. Đồng thời, để bảo đảm nguyên tắc của chính sách và duy trì, phát triển quỹ, đề án quy định người lao động tham gia BHXH hơn 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 25% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 20% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội… Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH. Đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức như doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân...; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN.

Cải cách chính sách BHXH thành công, đạt được hiệu quả mong muốn đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, của ngành BHXH đến sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, công cuộc cải cách BHXH còn đòi hỏi ngành BHXH phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tốt hơn các chính sách an sinh, thấy được lợi ích thực sự của chính sách BHXH đối với cuộc sống của mình, của gia đình mình.

Bảo Bình