(QT) - Gần 20 năm qua, cô giáo Hồ Thị Ái Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy, huyện Hướng Hóa luôn giữ lòng nhiệt huyết và sự tận tâm với nghề dạy trẻ. Quá trình công tác, cô luôn cùng với đồng nghiệp tìm kiếm phương pháp dạy học phù hợp, tạo môi trường sư phạm tích cực, thân thiện để thu hút học sinh lứa tuổi mầm non vùng khó đến trường học tập, vui chơi, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.
![]() |
Cô Vân luôn có phương pháp dạy học giúp trẻ hứng thú đến trường học tập và vui chơi |
Tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non vào năm 2001, cô giáo Vân được huyện Hướng Hóa nhận dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Khe Sanh. Thời gian công tác tại đây, cô luôn phát huy trách nhiệm của một giáo viên tận tụy trong nuôi dạy trẻ, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của đơn vị. Vì thế, năm nào cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2005, cô được huyện xét biên chế và bố trí vào dạy học tại Trường Mầm non Xy. Những ngày đầu mới nhận công tác ở đơn vị mới, cô gặp không ít khó khăn bởi học sinh của trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Bản thân cô Vân chưa biết tiếng của người Vân Kiều nên bất đồng ngôn ngữ, ảnh hưởng đến việc truyền thụ kiến thức cho trẻ. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở trường chưa được đầu tư đúng mức (lúc đó trường chỉ có 2 lớp học kiên cố và 2 lớp học mượn nhà dân); nhiều phụ huynh còn chưa quan tâm trong việc cho con em trong độ tuổi mầm non đi học… Trăn trở trước thực trạng đó, cô và các đồng nghiệp bàn giải pháp để ngày càng có nhiều học sinh đến trường học tập, vui chơi, giúp các em được hưởng đầy đủ các quyền lợi như bao trẻ khác ở vùng thuận lợi. Thế rồi, không kể mưa hay nắng, cô băng rừng, vượt suối để huy động học sinh đến trường chuyên cần. Ngày nào cũng vậy, trước và sau giờ dạy học, kể cả những ngày nghỉ trong tuần, cô Vân và các giáo viên trong trường phân công nhau đến các thôn bản để phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín đến tận từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh hiểu được lợi ích của việc đưa con đến trường. Đặc biệt, có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn không có ai đưa đón con, cô và đồng nghiệp sẵn sàng đảm nhận.
Hầu hết trẻ ở Trường Mầm non Xy là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế cô giáo Vân luôn tìm cách để gần gũi, hiểu các cháu hơn. Cô chăm sóc trẻ từ bữa ăn đến giấc ngủ, dạy cho các cháu cách nói, phát âm tiếng Kinh chuẩn, cách học tập và sinh hoạt, vui chơi như thế nào phù hợp. Do đó, học sinh luôn yêu mến, xem cô như người mẹ thứ hai của mình. Để giúp trẻ có thêm điều kiện học tập, sinh hoạt tại trường tốt hơn, cô giáo Vân cùng với cán bộ, giáo viên, nhân viên thường xuyên trích một phần thu nhập từ tiền lương để hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo cho “mầm xanh” vùng khó. Nhờ vậy, nhiều chương trình thiện nguyện đã đến với Trường Mầm non Xy hỗ trợ cho học sinh chăn, gối, nệm, đồ dùng học tập, đồ chơi, áo quần, giày dép… Nhận thấy được tấm lòng đáng quý của cô Vân và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, người dân trong xã rất cảm phục, động viên nhau tạo mọi điều kiện cho con em đến trường đầy đủ. Do đó, tỉ lệ trẻ chuyên cần đến lớp ngày một cao hơn, tỉ lệ trẻ em trên địa bàn còi xương, suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Quá trình dạy học, cô giáo Vân tích cực rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2012 cô hoàn thành chương trình đại học. Năm 2014, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy. Ở cương vị mới, cô tiếp tục phát huy những việc làm vì học sinh vùng khó, tích cực đi đầu xây dựng phương pháp dạy học tích cực. Bất cứ việc làm gì có lợi cho nhà trường, học sinh, cô đều tham gia và mang lại hiệu quả cao.
Là người sống, làm việc hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng khó, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, cô Vân luôn được đồng nghiệp, phụ huynh tin yêu, mến phục. Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy Đỗ Uyên Thiên Minh cho biết: “Cô giáo Hồ Thị Ái Vân là người giản dị, khiêm tốn, luôn nỗ lực trong công tác quản lí, tích cực cùng với đồng nghiệp nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học, huy động đông đủ trẻ đến trường, vận động được nhiều nguồn hỗ trợ về kinh phí, vật chất giúp học sinh và nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Cô xứng đáng là tấm gương để cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường học tập và noi theo”.
Ngọc Trang