Mùa bông đót
(QT) -Cuối mùa đông, bông lau nở trắng trên những triền đồi. Đó là thời khắc đẹp nhất trong năm. Thời gian đó tôi thường lang thang trên những miền rừng của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) để ngắm bông lau nở. Các em học sinh thu hoạch đót trên những cánh rừng thuộc xã Pa Nang, huyện Đakrông

Mùa bông đót

(QT) - Cuối mùa đông, bông lau nở trắng trên những triền đồi. Đó là thời khắc đẹp nhất trong năm. Thời gian đó tôi thường lang thang trên những miền rừng của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) để ngắm bông lau nở.

Các em học sinh thu hoạch đót trên những cánh rừng thuộc xã Pa Nang, huyện Đakrông

Cũng lạ, ở thành phố có không ít loài hoa, ở rừng lại có hàng trăm bông hoa dại nhưng tôi lại thích ngắm bông lau đến thế. Ngày trước, cha tôi thường chờ hoa lau phun lên là bắt đầu dắt trâu đi cày đất ngoài đồng. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, khi lau phun bông trắng là lúc hết lụt lội, cày đất lúc này sẽ không bị trôi. Cha còn nói thêm bông lau trắng là cờ đầu hàng của Thủy Tinh khi đem quân đánh Sơn Tinh mà không thắng. Cứ năm nào cũng thế, cuộc chiến giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh diễn ra mấy lần. Căn nguyên của cuộc chiến cũng vì người con gái đẹp tên là Mỵ Nương. Không biết nàng Mỵ Nương buồn hay vui giữa những cuộc giao tranh đó? Tôi chỉ thấy người dân quê tôi bao mùa lụt lội cực khổ vô cùng. Người miền núi còn kinh hoàng bởi cơn lũ quét. Sau mùa mưa lũ là mùa bông lau trắng, giữa bạt ngàn lau trắng lại là những bông đót khiêm nhường, chúng không khoe hương sắc như các loài hoa khác. Ai tinh mắt mới nhận ra được bông đót. Bông đót có màu xanh cốm, bông mới nở có mùi thơm nhẹ nhàng, êm ái. Hương thơm đó sẽ rất dễ gợi đến cho bạn một giấc ngủ ngon, thơm tho với giấc mơ thật đẹp. Nếu bông lau trắng mang đến vẻ đẹp cho núi rừng thì bông đót mang lại cho người dân miền núi bát cơm ăn, manh áo mặc. Cũng có thể xem mùa bông đót là “vụ lúa trời” của bà con Vân Kiều, Pa Kô giữa núi rừng Trường Sơn. Vì tới mùa bông đót, già trẻ, gái trai trong bản làng đều lên đồi hái về bán. Mỗi mùa đót tới mang lại cho người dân miền rừng “những bát cơm có thịt”. Cây đót không cần trồng, cũng chẳng phải tốn công chăm sóc. Cây đót mọc hoang khắp rừng, cứ tới đầu tháng chạp ra tới tháng giêng là trổ bông. Những bông hoa phun màu xanh giữa núi rừng xanh thẫm. Những ngày lên rừng, tôi thường nhìn thật gần những cây đót đang ngậm bông. Nhìn kèn đót lúc này thật thích mắt. Những cây đót ngậm bông như người mẹ đang mang thai chờ ngày sinh nở. Tôi thầm nghĩ, những đứa trẻ trên đồi là đứa con của núi rừng thâm u. Rừng dưỡng sinh và bao bọc chúng. Các em gợi cho tôi nhớ về tuổi thơ cơ cực của mình, những ngày đói rét rủ nhau lên rừng hái bông đót đem về bán. Người lớn có thể đi sâu vào rừng rậm, đạp cây lên non cao. Trẻ em chỉ có thể đứng men theo hai bên vệ đường, cứ tụm năm tụm ba níu một bụi đót. Hạnh phúc ở rừng đơn sơ thế. Trên những nẻo đường của xã Pa Nang (huyện Đakrông) những ngày giáp tết, khi con nắng lấp ló trên những đỉnh đồi và nụ cười trẻ thơ phát ra từ những lùm cây, tôi đứng nhìn ngẩn ngơ những đứa trẻ lên bảy, lên tám vít cong cây đót bẻ phần bông đặt xuống chân mình. Cứ như thế, giữa chiều rừng lặng gió, tiếng trẻ như tiếng chim ríu rít trên đồi. Ngẫm nghĩ mãi mà không nhớ ra, âm thanh ấy mình đã gặp ở đâu trong tiềm thức. Và lúc này tôi nhớ, trong câu chuyện của những cựu học sinh ngày trước, khi từ thị xã xa xôi hay vùng nông thôn hẻo lánh đều có một chuyến lên rừng để lấy bông đót mang về nộp ở trường góp phần thành công kế hoạch nhỏ. Với các cựu học sinh vừa học vừa làm ở Tân Lâm ngày trước thì đây là ký ức mà họ không bao giờ quên. Những tháng năm đó nằm lại trong trang nhật ký học trò, nằm lại trong trí nhớ của một thế hệ học sinh trưởng thành từ bài học lao động. Giờ đến các em, những học sinh cấp một, cấp hai trên miền núi xa xôi vừa đi học, vừa kiếm sống. Đó là hình ảnh chúng tôi hơn hai mươi năm về trước. Đó là hình ảnh của các anh ba mươi năm, có thể hơn nhưng vẫn hằn lên trí nhớ mọi người. Chúng ta của ngày xưa và các em hôm nay đã bước lên những ngọn đồi bằng những con đường mòn thân quen nhưng lại không gặp nhau tại một điểm. Nói như Minh - một người bạn đường rừng của tôi, người đã đi khắp nơi trên rừng chỉ để chụp ảnh học sinh ngoài giờ lên lớp, rằng trên khắp ngọn đồi của các xã vùng biên, tháng chạp và tháng giêng là mùa lao động của trẻ nhỏ. Các em một buổi đến trường, một buổi đi lấy bông đót cũng được hai mươi đến ba mươi ngàn đồng. Số tiền đó mua bút mực, mua bánh kẹo, mua xà phòng... Tôi thầm nghĩ, những đôi bàn tay nhỏ xinh nâng niu bông đót để đến khi mang về đồng bằng được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, cơ bản là dùng làm chổi quét nhà. Tôi nhớ những đôi tay bé nhỏ bị trầy xước, có bàn tay bị tứa máu bởi vỏ đót nhọn và sắc. Trong hành trình lớn lên của những đứa trẻ núi rừng quá khác đối với trẻ em đồng bằng, lại khác xa với trẻ em thành phố. Lòng chợt mắt cay khi hình ảnh khác trở về, khi cánh rừng ở làng tôi bị đẵn hết và nghĩ hai mươi năm nữa, khu rừng này bị đốn sạch thì những bông đót trôi về đâu? Giọng nói điệu cười ấy trôi về đâu? Chúng có được mang ra khỏi rừng hay vẫn còn tuổi thơ như thế bị đẩy sâu vào trong một lớp rừng sâu khác? Tôi cứ miên man nghĩ, mặc mặt trời rớt về sau ngọn núi, mặc tiếng trẻ thưa thớt dần, mặc tôi giữa núi rừng hoang vu khi bóng người dần khuất sâu về bản. Bài, ảnh: HOÀNG HẢI LÂM