Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động
(QT) - Công nhân, lao động là những người đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp. Sự nhiệt tình, hăng say lao động, tìm tòi để có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã mang lại những hiệu quả cao cho người sử dụng lao động. Bởi thế không ít giám đốc, chủ doanh nghiệp coi người lao động như người nhà nên luôn quan tâm, chăm lo đến quyền lợi của người lao động. Ngược lại, vẫn còn không ít doanh nghiệp tư nhân chưa thực hiện đầy đủ quyền lợi của người lao động, thậm chí còn vi ...

Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động

(QT) - Công nhân, lao động là những người đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp. Sự nhiệt tình, hăng say lao động, tìm tòi để có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã mang lại những hiệu quả cao cho người sử dụng lao động. Bởi thế không ít giám đốc, chủ doanh nghiệp coi người lao động như người nhà nên luôn quan tâm, chăm lo đến quyền lợi của người lao động. Ngược lại, vẫn còn không ít doanh nghiệp tư nhân chưa thực hiện đầy đủ quyền lợi của người lao động, thậm chí còn vi phạm pháp luật về lao động...

Khi quyền lợi được đảm bảo, người lao động sẽ yên tâm làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp. Ảnh: PV

Một số nơi, quyền lợi của người lao động chưa được thực hiện đầy đủ

Theo các quy định của pháp luật thì người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; được nâng lương, nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể…Tuy nhiên trong thực tế quyền lợi của người lao động chưa được các chủ doanh nghiệp thực hiện một cách đầy đủ.

Kết quả giám sát của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh năm 2018 tại 4 doanh nghiệp (gồm Công ty TNHH MTV Gỗ Thu Hằng; Công ty TNHH MTV Hoàng Dũng, Công ty May Quảng Trị và Nhà máy gạch Tuynel Minh Hưng) cho thấy các đơn vị, doanh nghiệp (DN) có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động. Tổng số lao động của 4 DN trên là 565 người; mức lương bình quân 3,8 triệu đồng/người tháng; có DN trả hơn 6 triệu đồng/tháng. Một số DN nhận thức được các quy định của pháp luật và tuân thủ các quy định liên quan đến người lao động như thực hiện chính sách tiền lương, BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), nội quy lao động, thỏa ước lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp khi ốm đau, hoạn nạn... Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc của 4 đơn vị nêu trên đạt 63%. Tuy vậy trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế mà Đoàn giám sát do LĐLĐ tỉnh chủ trì đã chỉ ra, đó là: Công tác quản lý lao động và ký HĐLĐ chưa đúng quy định của Luật Lao động, như trường hợp của 130 lao động tại Công ty May Quảng Trị chưa được ký HĐLĐ. Công ty TNHH MTV Gỗ Thu Hằng chỉ báo cáo 28 lao động và ký kết HĐLĐ với 22 người nhưng theo báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2017 với cơ quan thuế thì công ty này có 108 lao động làm việc và hưởng lương tại công ty, trong đó có khoảng 30 lao động làm việc thường xuyên nhưng không được ký HĐLĐ. Nhà máy Gạch tuynel Minh Hưng ký HĐLĐ không đúng loại với 31 lao động (ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng trong khi người lao động làm việc thường xuyên, có tính ổn định). Mặt khác các doanh nghiệp trên ký HĐLĐ chưa đảm bảo yêu cầu về nội dung theo quy định của pháp luật; chưa xây dựng và áp dụng thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013 của Chính phủ; trả lương chưa tính yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với những công việc có trong danh mục nghề do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành như công nhân may công nghiệp, lái máy ủi, công nhân bốc xếp thủ công, công nhân đốt lò tuynel. Một số DN chưa thực hiện chế độ nâng bậc lương cho người lao động gồm Công ty TNHH MTV Gỗ Thu Hằng; Công ty May Quảng Trị và Nhà máy gạch tuynel Minh Hưng (DN chỉ điều chỉnh tiền lương theo mức lương vùng để làm cơ sở tham gia BHXH, BHYT, BHTN). Có DN chưa trả lương cho người lao động trong các ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ hằng năm. Tại thời điểm giám sát một số đơn vị chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, có doanh nghiệp gần 100 lao động thuộc diện phải thực hiện BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa tham gia; chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; hầu hết các DN chưa bám sát quy định của Nghị định 60/2015 của Chính phủ để tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Những hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhất là khi họ gặp tai nạn, đau ốm, thai sản...

Cũng cần nói thêm là trước đó, năm 2017, Đoàn giám sát do LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp cùng với Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ chính sách đối với người lao động tại 6 doanh nghiệp (trong đó có 4 doanh nghiệp chế biến gỗ) cũng cho thấy: DN thường không báo cáo đầy đủ số lao động thực tế với các cơ quan chức năng khi đến kiểm tra. Công tác quản lý lao động và ký kết HĐLĐ không tuân thủ đúng quy định của pháp luật; không xây dựng, áp dụng thang, bảng lương để làm căn cứ ký kết HĐLĐ; các cam kết về đảm bảo quyền lợi của người lao động trong HĐLĐ thiếu đầy đủ, cụ thể…Theo báo cáo của các DN số lao động được ký kết HĐLĐ bằng văn bản chỉ đạt tỉ lệ 56%; bộ phận công nhân, lao động (CNLĐ) trực tiếp sản xuất chỉ được ký loại HĐLĐ thời vụ dưới 3 tháng (chiếm 93%) hoặc chỉ thoả thuận bằng lời nói. Kiểm tra các HĐLĐ, hầu hết đều do người sử dụng lao động tự soạn thảo và “ký thay” phía người lao động để đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra. Việc các DN lách luật ngay từ khâu ký kết HĐLĐ, mục đích để né tránh tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc và thực hiện các chế độ đối với người lao động nhằm giảm chi phí cho DN, mà thực chất là hành vi vi phạm pháp luật về quyền lợi của người lao động. Tình trạng để nợ đọng tiền BHXH kéo dài với số tiền khá lớn vẫn còn tồn tại, mặc dù DN không cố tình chây ỳ, song đã làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ cho người lao động. 6 doanh nghiệp được giám sát năm 2017 đều hoạt động sản xuất trong lĩnh vực đặc thù, có bộ phận lao động trực tiếp sản xuất thuộc danh mục ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH ban hành nhưng chưa có DN nào quy định cụ thể, phân loại từng vị trí, chức danh công việc đối với người lao động làm công việc này. DN chỉ thực hiện chế độ nâng bậc lương cho cán bộ quản lý, văn phòng và cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ; không nâng bậc lương cho CNLĐ trực tiếp sản xuất (DN chỉ điều chỉnh tiền lương hằng năm theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để tham gia BHXH). Một số nội dung liên quan đến quyền lợi của người lao động như chế độ nghỉ hằng năm (nghỉ phép), nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng nếu có hưởng lương thì chỉ áp dụng đối với bộ phận quản lý và văn phòng; bộ phận lao động trực tiếp chưa được hưởng đầy đủ chế độ này. Có trường hợp ký kết “Thoả ước lao động tập thể” nhưng chưa qua thương lượng, chưa tổ chức lấy ý kiến của tập thể người lao động; chưa đăng ký với Sở LĐ-TB&XH. Một số điều khoản đã ký kết tại thoả ước nhưng không được thực hiện với toàn bộ người lao động đang làm việc tại DN.

Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Nguyên nhân của những hạn chế, vi phạm nêu trên theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh đó là do một số chủ DN chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, thiếu sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Các DN thường lấy lý do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, lao động thiếu ổn định để không ký kết HĐLĐ bằng văn bản hoặc chỉ ký loại HĐLĐ thời vụ dưới 3 tháng, đồng thời thoả thuận với người lao động trả thêm một khoản vào lương để tham gia BHXH, BHYT tự nguyện. Về phía người lao động, đa số họ đều mong muốn được tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng do thu nhập thấp, không muốn bị giảm trừ tiền lương hoặc sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi. Một bộ phận CNLĐ do chưa nhận thức đầy đủ về chính sách và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nên chưa muốn tham gia...

Để khắc phục cần tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện trách nhiệm đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan thuế để yêu cầu các DN phải tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc theo đúng số lao động và quỹ tiền lương như đã báo cáo quyết toán tài chính với cơ quan thuế. Rà soát đối tượng lao động, quỹ lương và các hồ sơ liên quan, nhất là đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù thuộc danh mục ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTB&XH ban hành, tránh để sai sót kéo dài, gây thiệt thòi quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó cũng cần xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm kéo dài...

PA