Xóm Trên, thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh: 10 năm không có nước ngọt để dùng
(QT) - Gần 10 năm qua, nhiều hộ dân ở xóm Trên, thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh phải sống chung với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt vì nguồn nước ngầm tại đây bị nhiễm mặn. Nguyên nhân của việc nhiễm mặn đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng kết luận chính thức, nhưng có một điều chắc chắn rằng, tình trạng nhiễm mặn bắt đầu xuất hiện từ khi có một cơ sở nuôi thủy sản được đầu tư tại đây.

Xóm Trên, thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh: 10 năm không có nước ngọt để dùng

(QT) - Gần 10 năm qua, nhiều hộ dân ở xóm Trên, thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh phải sống chung với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt vì nguồn nước ngầm tại đây bị nhiễm mặn. Nguyên nhân của việc nhiễm mặn đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng kết luận chính thức, nhưng có một điều chắc chắn rằng, tình trạng nhiễm mặn bắt đầu xuất hiện từ khi có một cơ sở nuôi thủy sản được đầu tư tại đây.

Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của gia đình ông Dương Minh Đức là nước lọc đóng chai​

Loay hoay tìm nguồn nước ngọt

Ông Dương Minh Đức (48 tuổi), ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang cho biết, hơn 10 năm trước người dân không phải vật lộn với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt như hiện nay. Để minh chứng cho lời mình nói, ông Đức đưa chúng tôi ra địa điểm trước đây là một cái giếng đào trên thửa đất của gia đình bà Phạm Thị Cam. Theo ông Đức, đây là cái giếng do gia đình bà Cam thuê nhân công đào từ hơn 20 năm trước; giếng có độ sâu gần 3 mét, rộng hơn 1 mét và nguồn nước trong giếng luôn ngọt và không bao giờ cạn. Tất cả các hộ dân ở cả xóm Trên đều đến đây để lấy nước ngọt. “Thời đó, ít có gia đình có điều kiện để đào giếng, với lại các hộ dân đều ở gần nhau nên cùng dùng chung giếng với gia đình bà Cam. Tuy nhiên cách đây 10 năm, giếng đào của gia đình bà Cam bắt đầu nhiễm mặn. Mọi người trong xóm đều cho rằng do ở gần biển, với lại giếng quá cạn nên nhiễm mặn vì vậy các gia đình tự đầu tư giếng khoan cho riêng mình”, ông Đức chia sẻ.

Gia đình ông Đức bắt đầu khoan cái giếng đầu tiên để sử dụng từ năm 2012 và dùng được gần 2 năm thì nước giếng bắt đầu mặn. Bỏ cái giếng cũ, ông Đức tiếp tục khoan một giếng mới cách xa giếng cũ và khoan sâu hơn, tuy nhiên dùng được một thời gian nước giếng tiếp tục mặn. Việc khoan giếng rồi dùng một thời gian lại nhiễm mặn của gia đình ông Đức cứ lặp đi lặp lại. Theo ông Đức, đến nay gia đình ông đã khoan đến 5 cái giếng quanh vườn nhà với số tiền bỏ ra hàng chục triệu đồng nhưng chỉ một thời gian lại nhiễm mặn.

Không riêng gia đình ông Đức, các hộ dân ở trong xóm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gia đình ông Lê Văn Dũng cũng khoan đến 5 cái giếng; gia đình bà Phạm Thị Cam khoan đến 4 cái giếng, có giếng sâu đến 40 mét vẫn nhiễm mặn; gia đình ông Lê Văn Sửu khoan 2 giếng nhưng vẫn không dùng được. Đặc biệt, gia đình ông Dương Quốc Vinh khoan đến 10 cái giếng nhưng không thể sử dụng được vì nước bị nhiễm mặn. Hiện nay, toàn xóm Trên có 10 hộ có giếng nước bị nhiễm mặn.

Từ phản ánh của các hộ dân, năm 2015 Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lấy mẫu nước ngầm tại đây và kết quả cho thấy, tại gia đình ông Dương Quốc Vinh giếng sâu 16 m có độ mặn 9,78%, hàm lượng Clorua 7766 mg/l; hộ bà Lê Thị Gái giếng sâu 10 m có độ mặn 2,1%, hàm lượng Clorua 1220 mg/l; tại giếng ông Phạm Văn Dũng giếng sâu 7 m có độ mặn 0,04%, hàm lượng Clorua 9,35mg/l.

Cơ sở nuôi ốc hương là nguyên nhân gây nhiễm mặn nguồn nước?

Ông Dương Minh Đức cho biết, trên địa bàn hiện có một cơ sở nuôi thủy sản được đầu tư từ hơn 10 năm trước của ông Nguyễn Quang Phương. Năm 2013, ông Phương cho ông Phạm Văn Dũng thuê lại đầu tư nuôi tôm. Cơ sở nuôi tôm có diện tích 19.000 m2 , với 7 hồ nuôi. Theo quan sát của phóng viên, các hồ tôm nằm sát với khu dân cư và có vị trí ở phía trên đồi cát cao; mương nước xả thải được xây tạm bằng bờ lô, đã xuống cấp, đổ sập tạo thành như một khe nước tự nhiên đi qua khu dân cư và đổ ra biển. Trên diện tích nuôi thủy sản, chủ cơ sở đang tiến hành xây dựng công trình nhà xưởng, bể nuôi với diện tích hàng nghìn mét vuông.

Theo ông Đức, kể từ khi cơ sở nuôi tôm đi vào hoạt động, tình trạng nhiễm mặn bắt đầu xuất hiện tại các giếng nước của các hộ dân. Hộ gia đình ông Dương Quốc Vinh nằm sát với các hồ nuôi tôm và là hộ gia đình có giếng nhiễm mặn đầu tiên rồi dần dần lan xuống các hộ dân khác nằm ở phía dưới. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, tình trạng nhiễm mặn càng nghiêm trọng hơn khi cơ sở nuôi tôm của ông Phạm Văn Dũng chuyển sang nuôi ốc hương. “Các giếng nước của gia đình tôi dù không còn sử dụng nhưng khi kiểm tra, vị nước ngày càng mặn hơn”, ông Đức chia sẻ. Bà Phạm Thị Cam cho biết, gia đình bà ở xa cơ sở nuôi tôm hơn 400 mét, giếng khoan sâu đến 40 mét nhưng đến nay đã bị nhiễm mặn.

Ông Dương Quốc Vinh cho biết: “Chỉ có khu vực xóm Trên là bị nhiễm mặn, còn các khu dân cư thuộc thôn Cang Gián khác nằm xa cơ sở nuôi tôm nhưng đều có chung điều kiện ở gần bờ biển, thậm chí các cơ sở kinh doanh dịch vụ bãi tắm nằm cận kề bãi biển nhưng nước giếng khoan không hề bị nhiễm mặn. Chính vì vậy, có cơ sở để nói rằng cơ sở nuôi thủy sản là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiễm mặn các giếng nước hiện nay”. Tình trạng nhiễm mặn còn ảnh hưởng canh tác nông nghiệp, 5 ha đất màu tại đây phải bỏ hoang.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Chủ tịch UBND xã Trung Giang Trần Xuân Tưởng xác nhận ở khu vực xóm Trên có một cơ sở nuôi tôm và tình trạng nhiễm mặn tại các giếng nước của các hộ gia đình ở xóm Trên xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã Trung Giang cũng cho rằng: “Với hệ thống mương nước do cơ sở nuôi thủy sản đầu tư hiện nay chưa đảm bảo, dẫn đến có hiện tượng thẩm thấu nước thải ra ngoài. Việc này các cơ quan chức năng đã kiểm tra và yêu cầu chủ cơ sở khắc phục”. Về việc cơ sở chuyển sang nuôi ốc hương, ông Tưởng cho biết thêm, chủ cơ sở chuyển sang nuôi ốc hương gần 3 năm trở lại đây nhưng không báo cáo với chính quyền và cơ quan chức năng. Ngoài ra, đầu năm 2019 chủ cơ sở tiếp tục mở rộng quy mô nuôi ốc hương, tiến hành xây dựng hệ thống nhà bể với quy mô lớn nhưng không xin phép và chính quyền đã tiến hành lập biên bản đình chỉ thi công.

Cần sớm có giải pháp cấp nước ngọt cho người dân

Nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn gây ra nhiều áp lực trong cuộc sống cho người dân vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn. Ông Dương Minh Đức cho biết, gia đình ông làm nghề đánh cá ven bờ, vợ làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh nhưng hằng tháng gia đình phải chi số tiền gần 400 ngàn đồng mua nước ngọt đóng chai để phục vụ ăn uống. Ngoài ra, từ khi nguồn nước bị nhiễm mặn, gia đình ông phải chi hàng chục triệu đồng cho việc khoan giếng, mua máy bơm. “Nước nhiễm mặn, cứ vài tháng máy bơm lại cháy, nhiều vật dụng của gia đình cũng hen rỉ, hư hỏng do nước mặn”. Để có nguồn nước ngọt phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác, ông Đức phải đầu tư số tiền hơn 10 triệu đồng để khoan một giếng nước nằm xa bên kia khe nước của thôn để đưa về sử dụng nhưng nguồn nước ở đây lại nhiễm phèn. Các hộ gia đình khác cùng chung hoàn cảnh tương tự. “Việc người dân gặp khó khăn do thiếu nước ngọt sinh hoạt, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền, ngành chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức và đặc biệt là giải pháp khắc phục để dân có nước ngọt”, ông Đức nói.

Trước tình trạng nhiễm mặn nguồn nước tại khu vực xóm Trên, thôn Cang Gián, xã Trung Giang, đề nghị các ngành chức năng sớm tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân để có hướng giải quyết mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, kịp thời có giải pháp cấp nước sạch cho người dân. Ngoài ra, cũng cần có biện pháp xử lí đối với cơ sở nuôi thủy sản trong việc chuyển vật nuôi không xin phép và việc mở rộng công trình nhà xưởng, ao nuôi trái phép, để đảm bảo việc quản lí nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thực hiện đúng pháp luật, góp phần bảo vệ môi trường.

Lê Minh