Đakrông phát triển kinh tế phù hợp với nguyện vọng của người dân
(QT) - Những năm qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã triển khai nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Một trong những giải pháp thực hiện thoát nghèo bền vững mà huyện Đakrông đang triển khai là hỗ trợ người dân nguồn lực để phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, để nguồn kinh phí hỗ trợ được đầu tư đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất, các kế hoạch hỗ trợ của huyện được thực hiện từ dưới lên, nghĩa là ...

Đakrông phát triển kinh tế phù hợp với nguyện vọng của người dân

(QT) - Những năm qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã triển khai nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Một trong những giải pháp thực hiện thoát nghèo bền vững mà huyện Đakrông đang triển khai là hỗ trợ người dân nguồn lực để phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, để nguồn kinh phí hỗ trợ được đầu tư đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất, các kế hoạch hỗ trợ của huyện được thực hiện từ dưới lên, nghĩa là được xây dựng trên cơ sở nguyện vọng của người dân. Việc hỗ trợ cho người dân tư liệu phục vụ sản xuất thể theo nguyện vọng của người dân cũng giống như việc xây dựng kế hoạch từ dưới lên. Việc xây dựng kế hoạch từ dưới lên không phải là cách làm mới trên địa bàn huyện Đakrông nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung mà đã được triển khai trong công tác đổi mới xây dựng kế hoạch từ hàng chục năm nay. Nhờ đó, các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội được xây dựng sát đúng hơn, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và hiệu quả thực hiện cũng đạt cao hơn. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ dựa trên nguyện vọng của người dân không chỉ đáp ứng nhu cầu cùa người dân mà còn triển khai sản xuất phù hợp với tiềm năng của từng vùng, miền và thực tế của mỗi địa phương.

Người dân ở huyện Đakrông sản xuất lúa nước đạt hiệu quả cao

Gia đình anh Hồ Văn Dôn, thôn Ba Rầu, xã Mò Ó năm 2013 đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Việc thoát khỏi hộ nghèo của gia đình anh Dôn một mặt nhờ anh chăm chỉ sản xuất nhưng mặt khác quan trọng hơn là gia đình anh được chính quyền hỗ trợ các loại giống cây, phân bón đúng như nguyện vọng của anh nên đã phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư sản xuất. Khi chính quyền xã thông báo cho người dân đăng ký giống cây trồng, nhà anh Dôn có đất màu, có ruộng nước nên anh đã chọn giống sắn và giống lúa, lại được hỗ trợ thêm vật tư phân bón, được tham gia tập huấn, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình nên ngay từ vụ đầu sản xuất có sự hỗ trợ của nhà nước, lợi ích kinh tế mang lại từ sản xuất của gia đình anh đã được nâng lên rõ rệt, nguyện vọng về phát triển sản xuất, trồng trọt của gia đình anh cũng đã thành công. Chỉ sau 4 vụ liên tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, gia đình anh Dôn đã thực sự thoát nghèo. Anh Dôn cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, sản xuất đạt kết quả thấp vì không biết cách sản xuất. Bây giờ được cán bộ hướng dẫn cụ thể, nhà nước cho giống cây trồng và phân bón theo nguyện vọng của gia đình nên tôi phấn đấu sản xuất cho tốt để nhanh thoát nghèo. Đến đầu năm nay, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, tôi vui mừng lắm. Kết quả đó, một phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của nhà nước và sự cố gắng của bản thân.” Phát triển kinh tế từ nguyện vọng của người dân được xem là yếu tố then chốt trong thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Đakrông. Được sự đầu tư của các chương trình, dự án, 5 năm qua, các cấp chính quyền huyện Đakrông đã hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả dựa trên nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đăng ký nhu cầu giống, vật tư phục vụ sản xuất, 3 năm qua, huyện Đakrông hỗ trợ cho các hộ gần 1,5 tấn lúa giống các loại, hơn 5,7 tấn lạc giống, hơn 4,5 tấn ngô giống, gần 16.000 cây chuối giống, gần 300 lợn giống, hơn 30 tấn phân bón các loại… Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, huyện Đakrông cho biết: “Để hỗ trợ sản xuất đúng theo nguyện vọng của người dân, trước hết xã, thôn triển khai họp dân để ghi nhận nhu cầu, ý kiến của người dân. Trên cơ sở đó, xã tổng hợp, kiểm tra rồi xét nhu cầu, đề đạt với cấp trên để có hỗ trợ đúng với nguyện vọng của người dân. Với cách làm này, người dân được hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất của mình, nhờ vậy, các nguồn lực hỗ trợ sản xuất đều phát huy được hiệu quả tốt”. Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Về hỗ trợ sản xuất, chúng tôi chủ yếu đầu tư theo yêu cầu của người dân, trên cơ sở đặc thù của địa phương. Hỗ trợ sản xuất theo cách này là để cho người dân tự ý thức được phương thức đầu tư của mình để từ đó có trách nhiệm hơn trong quá trình sản xuất. Hiện nay, trên cơ sở đăng ký của người dân, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đang đầu tư cho huyện Đakrông “ngân hàng bò” để hỗ trợ người dân. Đây là một cách hỗ trợ theo nhu cầu của người dân khá hiệu quả.” Hiện nay, tỉnh và nhiều đơn vị đang đồng hành cùng với huyện Đakrông quyết tâm đưa huyện đến năm 2020 cơ bản giảm xuống thấp tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững. Ngoài nguồn vốn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, các nguồn lực đầu tư chú trọng đến việc hỗ trợ sản xuất cho người dân trên địa bàn. Phát huy các mô hình hỗ trợ có hiệu quả, các nguồn lực hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất đều dựa trên thực tiễn sản xuất tại địa phương và nguyện vọng của người dân. Chính sự đầu tư theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả mà huyện Đakrông đang triển khai này là cơ sở quan trọng để người dân Đakrông thực sự giảm nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu. Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA