Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp trong tỉnh
(QT) - Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã khẳng định bước phát triển mới trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Từ đây, công tác giám sát, phản biện xã hội đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Để bạn đọc hiểu hơn về hoạt động này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn bà LÊ THỊ LAN HƯƠNG, Trưởng Ban Dân Vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị.

Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp trong tỉnh

(QT) - Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã khẳng định bước phát triển mới trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Từ đây, công tác giám sát, phản biện xã hội đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Để bạn đọc hiểu hơn về hoạt động này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn bà LÊ THỊ LAN HƯƠNG, Trưởng Ban Dân Vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị.

- Thưa bà! Giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng, mang tính “chiều sâu” của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đề nghị bà cho biết hoạt động này thời gian qua ở Quảng Trị diễn ra như thế nào?

- Thực hiện nhiệm vụ này, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh bám sát Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQVN và thông báo của cấp uỷ cùng cấp kế hoạch và triển khai các nội dung giám sát, phản biện xã hội đảm bảo quy trình, chất lượng và hiệu quả. Nhờ vậy, MTTQ đã thực hiện nhiều nội dung giám sát thiết thực, phù hợp với thực tiễn, đại diện và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đoàn viên và hội viên.

Để phát huy vai trò giám sát, hằng năm Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về quy trình, cách thức tổ chức giám sát, phản biện, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ MTTQ cấp huyện và cơ sở. Định kỳ quý 4 hằng năm, UBMTTQVN các cấp tiến hành hiệp thương thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để xác định rõ nội dung MTTQ chủ trì, từng nội dung do 5 tổ chức chính trị - xã hội chủ trì để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau.

Năm 2019, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã chủ trì và phối hợp triển khai 19 cuộc giám sát chuyên đề với nhiều nội dung phong phú, đa dạng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đồng thời, kiến nghị 167 ý kiến đến các cấp, các ngành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, kiến nghị xử lý vi phạm và những vấn đề chưa hợp lý để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. MTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hai cuộc giám sát chuyên đề với nội dung “giám sát việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích tại một số xã, phường, thị trấn” tại 3 đơn vị cấp xã và “giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị” tại 2 đơn vị cấp xã; giám sát việc giải quyết các vụ việc nổi cộm, kéo dài tại 1 đơn vị UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng tham gia giám sát với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp về việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Phối hợp với các cơ quan nhà nước giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực: phòng cháy chữa cháy, quản lý, sử dụng đất đai, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND về quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn địa phương, về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội... Tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát tạm giam, tạm giữ và tố giác tin báo tội phạm với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp theo quy chế phối hợp. Tham gia hoạt động kiểm tra thi hành pháp luật trên các lĩnh vực đất đai, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với ngành tư pháp cùng cấp...

Công tác phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các ý kiến tham gia chất lượng, hiệu quả và được tiếp thu điều chỉnh, bên cạnh việc tham gia các dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật và các đề án, chủ trương, kế hoạch của địa phương, MTTQVN và các đoàn thể cấp tỉnh cũng quan tâm đến việc tổ chức các hội nghị, hội thảo phản biện các dự thảo của cấp uỷ, chính quyền và xây dựng các đề án thực hiện chính sách liên quan trình cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Bê tông hóa giao thông nông thôn luôn có sự quản lý, kiểm tra của các ban giám sát đầu tư cộng đồng tại khu dân cư. Ảnh: L.T

Có thể khẳng định, công tác giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội đã đi vào thực chất, có nhiều kinh nghiệm hơn, được cấp uỷ, chính quyền các cấp đánh giá cao.

- Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song trên thực tế hoạt động giám sát, phản biện xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, nhất là nội dung phản biện ở một số nơi vẫn còn hạn chế, bà nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Đây cũng chính là trăn trở của những người làm công tác Mặt trận với vai trò chủ trì, hiệp thương dân chủ. Có rất nhiều nguyên nhân, trước hết do một số quy định về giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền chưa thống nhất giữa Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Luật MTTQVN năm 2015; nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và hội các đoàn thể chưa đầy đủ, chưa sâu sắc và toàn diện. Một số địa phương, cơ sở chưa phân biệt rõ giữa phản biện xã hội và hoạt động góp ý kiến văn bản.

Về nguyên nhân chủ quan đó là quá trình chuẩn bị, nghiên cứu, tham mưu sâu về nội dung lĩnh vực phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể một số nơi còn hạn chế, việc huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học chưa nhiều. Bên cạnh đó, công tác giám sát, phản biện xã hội đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, am hiểu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, phải có khả năng nhìn nhận, phân tích vấn đề, có trách nhiệm và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sâu sắc trong khi đó nguồn nhân lực, vật lực của Mặt trận, các đoàn thể các cấp vẫn chưa đảm bảo.

- Để hoạt động phản biện của MTTQ và các đoàn thể thật sự phát huy hiệu quả, cần các yếu tố nào, thưa bà?

- Theo tôi cần phải kết hợp đồng bộ rất nhiều yếu tố. Thứ nhất đó là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cơ quan soạn thảo văn bản và cơ quan tổ chức phản biện.

Thứ hai, bên cạnh Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Luật MTTQVN, phải quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện Quyết định 907-QĐ/TU ngày 29/3/2018 của BTV Tỉnh ủy ”Quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân sau giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” đến các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn tỉnh. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện quyết định này. Hằng năm, cần tổ chức đánh giá việc thực hiện quyết định để rút kinh nghiệm; đồng thời, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động thực hiện giám sát sau giám sát một cách thiết thực, hiệu quả.

Thứ ba, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động phù hợp với tình hình mới, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động được trí tuệ của các tổ chức thành viên, nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động phản biện xã hội.

Thứ tư, giám sát, phản biện xã hội không có chế tài vì vậy phải công khai, minh bạch, kết hợp chặt chẽ với việc nắm bắt dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, có chương trình phối hợp với các cơ quan báo chí, các ban đảng, cơ quan nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp trong kiến nghị, tiếp thu các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, góp ý của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thứ năm, các cấp ủy đảng cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm, có tầm làm công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp.

- Xin cảm ơn bà!

Lâm Thanh (thực hiện)