Đồng chí Lê Văn Lương chăm lo công tác xây dựng đảng
Là người cộng sản kiên trung, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Văn Lương đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, trong đó có công tác xây dựng đảng.
 |
Có lẽ hiếm có những người trẻ tuổi bước vào đời với lòng yêu nước sôi nổi, đầy tinh thần hy sinh và sớm chọn được lý tưởng, con đường đúng đắn như đồng chí Lê Văn Lương. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến lúc nghỉ hưu, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều năm trực tiếp phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Qua thực tiễn, đồng chí đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và rút ra nhiều bài học quý báu về công tác xây dựng đảng. Trên cơ sở đó, đồng chí đã có quan điểm chủ đạo, xuyên suốt đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Lấy việc xây dựng tư tưởng làm phương châm chủ yếu Từ năm 1951, khi đánh giá về chất lượng đảng viên và công tác xây dựng đảng, đồng chí Lê Văn Lương cho rằng, không ít người chỉ nghĩ đến việc kết nạp được nhiều đảng viên, phát triển tổ chức cơ sở đảng rộng khắp, sửa đổi lề lối làm việc, kiện toàn cơ quan chỉ đạo các cấp... và cho rằng, những công việc đó là toàn bộ công tác xây dựng đảng. Thực tế cho thấy, nếu tăng cường kết nạp đảng viên, mở rộng tổ chức cơ sở đảng... mà không nắm vững tư tưởng chỉ đạo công tác tổ chức thì sẽ phạm sai lầm; bởi, đã đưa vào Đảng những phần tử chính trị và tư tưởng lạc hậu, dẫn đến tình trạng là: tuy số đảng viên đông, tổ chức cơ sở đảng rộng, nhưng tổ chức đảng phức tạp, thậm chí không giúp ích gì cho việc thi hành nghị quyết Đảng mà còn làm chậm hoặc cản trở việc thi hành đó nữa. Mặt khác, về thực tế, Đảng ta ra đời trong một nước nông nghiệp, đa phần đảng viên là nông dân, trình độ lý luận còn hạn chế, lập trường, quan điểm của Đảng đôi khi còn chưa rõ. Do đó, nhiều khi làm sai đường lối, hoặc có khi đi ngược chủ trương của Đảng mà không biết! Một số ít đảng viên, về tổ chức thì đã gia nhập Đảng, nhưng về tư tưởng thì còn ở ngoài Đảng. Là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, nhìn rõ thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên và yêu cầu của cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã có quan điểm xây dựng Đảng ta vững mạnh toàn diện: - Giáo dục lý luận, tức là tăng cường trong đảng việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để cho mọi đảng viên hấp thụ được những kinh nghiệm quý của cách mạng thế giới, nắm vững lập trường, quan điểm của Đảng, nâng cao nhận thức chính trị; để đảng viên có đủ trình độ xác định hoặc nắm vững những chủ trương của Đảng trong mỗi tình thế. - Lãnh đạo tư tưởng và cải tạo tư tưởng, làm cho đảng viên tẩy bỏ được được những tàn dư tư tưởng lạc hậu, đấu tranh chống những tư tưởng, khuynh hướng sai lầm, trau dồi lập trường, quan điểm vô sản; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong đảng. Những quan điểm cần trau dồi là: ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, quan điểm giai cấp, quan điểm tổ chức và quan điểm quần chúng, nhằm xóa bỏ triệt để bệnh cá nhân chủ nghĩa biểu lộ dưới nhiều hình thức, bệnh chủ quan, xa rời quần chúng... Nắm vững lập trường, quan điểm giai cấp để nâng cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Lê Công Miều, sinh ngày 28/3/1912 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nho học. Năm 1927, khi 15 tuổi, đồng chí đã gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và dấn thân vào con đường cách mạng. Đồng chí gia nhập Đông Dương cộng sản Đảng tháng 6/1929 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi Đảng thành lập. Tháng 10/1945, đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ và được Trung ương điều ra Bắc, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự Thật, Nhà xuất bản Sự Thật. Đầu năm 1947, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng, cuối năm 1948 được chỉ định làm Trưởng Ban Đảng vụ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), đồng chí Lê Văn Lương được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và chỉ đạo Văn phòng Trung ương. Hòa bình lập lại, đồng chí lần lượt giữ các nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Khu ủy Tả ngạn, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí thể hiện tấm gương của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. |
Về lập trường, quan điểm giai cấp, đồng chí cho rằng, lập trường của Đảng ta là lập trường giai cấp công nhân. Do đó, trước mọi vấn đề, Đảng ta đều đứng trên lập trường đó để giải quyết và ấn định chủ trương, đường lối thích hợp và từ đó, định rõ tính chất, nhiệm vụ, động lực của cách mạng nước ta; đặt rõ đường lối giải quyết các vấn đề trọng yếu để đưa cách mạng đến thắng lợi. Bởi vậy, mỗi đảng viên phải nắm vững lập trường, thấm nhuần quan điểm giai cấp của Đảng thì mới hiểu rõ đường lối, chủ trương và mới có thể có chủ trương đúng, hành động đúng và trong công việc hàng ngày, sẽ tránh được sai lầm, khuyết điểm. Đồng chí chỉ rõ có hai khuynh hướng sai lầm cơ bản về lập trường và quan niệm giai cấp ở một bộ phận không nhỏ đảng viên của Đảng: “Một là, khuynh hướng coi nhẹ lập trường giai cấp và thiếu quan điểm giai cấp, do đó phạm sai lầm hữu khuynh. Hai là, khuynh hướng theo quan điểm lập trường và quan điểm giai cấp một cách máy móc, do đó phạm sai lầm tả khuynh”. Ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân, đó là mục đích cao cả của Đảng ta là mưu lợi ích cho quần chúng nhân dân và lợi ích của quần chúng nhân dân cũng chính là lợi ích của Đảng. Do vậy, mỗi đảng viên phải hết lòng phụng sự lợi ích đó. Tuy nhiên, không phải đảng viên nào cũng thực hiện tốt nguyên lý đó. Từ thực tiễn nhiều năm là người đứng đầu một số cơ quan của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương có nhận xét sâu sắc và thẳng thắn chỉ ra: Trong Đảng, còn một số đảng viên chưa hiểu rõ quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Đảng, của nhân dân và khi cần lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Đảng, họ lựa chọn lợi ích cá nhân. Tâm huyết với vấn đề đó, đồng chí cho rằng, muốn nâng cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân cho các đảng viên, Đảng phải chú ý việc giáo dục lý luận, làm cho mỗi đảng viên hiểu rõ vai trò và lực lượng vĩ đại của nhân dân trong sự nghiệp cải tạo và phát triển xã hội; sự thắng lợi tất yếu của cách mạng. Mặt khác, phải làm cho đảng viên nhận thức rõ vị trí, vai trò của Đảng và nhiệm vụ của mỗi đảng viên trong sự nghiệp cách mạng. Do đó, muốn Đảng ta vững mạnh, chủ trương, đường lối của Đảng được thi hành đúng, các đảng viên tránh được những sai lầm tả khuynh, hữu khuynh để phụng sự Đảng và nhân dân một cách đắc lực, thì một vấn đề trọng yếu về tư tưởng cần giải quyết là làm cho các đảng viên nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp đúng đắn. “Việc giáo dục cần phải cụ thể, dựa vào những thí dụ lấy trong công tác hàng ngày của địa phương để chỉ đạo cho đảng viên nhận rõ thế nào là nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp”. Đi đúng đường lối quần chúng của Đảng và nâng cao ý thức tổ chức Về đi đúng đường lối quần chúng của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương khái quát ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu: Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, có nhiệm vụ lãnh đạo đấu tranh để mưu lợi ích cho nhân dân và hiển nhiên, lợi ích của nhân dân cũng chính là lợi ích của Đảng. Do đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều phải “từ trong quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Tức là, Đảng phải căn cứ vào nhu cầu, ý kiến, trình độ giác ngộ của quần chúng mà đề ra phương hướng, chủ trương...; rồi đem phương hướng, chủ trương... đó tuyên truyền, giải thích để quần chúng hiểu rõ và thực hiện - đó là đường lối quần chúng của Đảng. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra, trong việc thực hiện một số chủ trương công tác cụ thể ở một vài địa phương và những hoạt động hàng ngày của một bộ phận cán bộ còn biểu hiện những khuynh hướng sai lầm trái hẳn với đường lối đó của Đảng. Cụ thể là: Mệnh lệnh, khi lãnh đạo cấp trên quyết định một việc gì, không giải thích kỹ cho cấp dưới; cấp dưới nhận được lệnh của cấp trên, không giải thích rõ cho quần chúng nhân dân hiểu để họ tự giác, phấn khởi thực hiện. Khi quần chúng phản đối, thì họ lại giải thích rằng, cấp trên bảo phải làm như vậy; quan liêu, chỉ dựa vào ý nghĩ chủ quan của mình đề ra chủ trương thực hiện công việc mà không điều tra, nghiên cứu thực tiễn, khách quan. Biểu hiện rõ nhất là ở lối làm việc hình thức, giấy tờ, ngồi tại cơ quan ra các văn bản, chỉ đạo... cấp dưới thực hiện mà không biết kết quả đó như thế nào. Từ những nhận định đó, đồng chí cho rằng, để loại bỏ những khuynh hướng thoát ly quần chúng và đi đúng đường lối quần chúng của Đảng, cần phải: “a/ Nắm vững các quan điểm: ra sức phục vụ quần chúng, có tinh thần phụ trách trước quần chúng, tin tưởng quần chúng... và học tập kinh nghiệm của quần chúng. Nắm vững được những quan điểm, thì có thể thực hiện được phương pháp lãnh đạo: từ trong quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng. b/ Theo đúng lối làm việc dân chủ, mọi việc phải đem ra bàn bạc với quần chúng, khi quần chúng chưa giác ngộ và chưa tiếp thu ý kiến thì phải kiên nhẫn tiếp tục giải thích cho quần chúng, quyết không được dùng mệnh lệnh cưỡng bách quần chúng thi hành”. Về nâng cao ý thức tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương khái lược: Muốn làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Đảng phải là một khối thống nhất. Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải đoàn kết, nhất trí. Phải hăng hái làm việc và tuyệt đối phục tùng kỷ luật đảng; đồng thời, đem ý kiến, kinh nghiệm của mình góp vào việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng và giúp sức các cơ quan chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ... Những quan điểm, biện pháp, kinh nghiệm của đồng chí Lê Văn Lương vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng đảng hiện nay. TS LÊ MINH PHỤNG