Phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, tạo động lực mới cho quá trình phát triển
* Đồng chí NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
.jpg) |
Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước đang phấn khởi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2014), hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2014), 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh 19/5 (1959 - 2014) và 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ - ne - vơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương 20/7 (1954 - 2014), tại Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, một địa danh nổi tiếng gắn liền với nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của nhân dân hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị vinh dự, tự hào long trọng tổ chức Lễ hội “Thống nhất non sông” và đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về 2 di tích: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Trải qua bao biến cố thăng trầm, trên những dặm dài của lịch sử dân tộc, đất và người Quảng Trị luôn song hành cùng cả nước, sẻ chia mọi nỗi gian nan, tận trung, tận hiếu để góp phần mình vào việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ tháng 7/1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm của nhân dân ta buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ - ne - vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ba nước. Theo Hiệp định Giơ - ne - vơ, đất nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải - làm đường giới tuyến quân sự tạm thời. Như một sự lựa chọn nghiệt ngã của lịch sử, sau hiệp định Giơ - ne - vơ, sông Bến Hải đã không còn là giới tuyến quân sự tạm thời. Với dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta, kẻ thù buộc ta phải cầm súng, phải chiến đấu vì lương tri và lẽ phải, vì độc lập tự do và thống nhất non sông. Quảng Trị đã trở thành nơi đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng. 20 năm đau thương, binh lửa, chia cắt, bom cày đạn xéo, một vùng dân ca ngọt ngào Tùng Luật ngập chìm trong khói lửa B52, một Cửa Tùng từng được mệnh danh là nữ hoàng các bãi tắm trở thành biển lửa, một dải đất Gio Linh nổi tiếng hồ tiêu trở thành vành đai trắng, thành hàng rào điện tử và thành nơi đế quốc Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí giết người hiện đại nhất. Một thị xã Quảng Trị sầm uất, một Thành Cổ Quảng Trị có bề dày lịch sử bỗng chốc hoang tàn, đổ nát bởi phải hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ. Trước sự đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ, quân và dân vùng tuyến lửa Vĩnh Linh đã kiên cường bám đất, dựa vào đất để tổ chức ngay dưới lòng đất một thế trận liên hoàn bằng các hệ thống hầm, hào, địa đạo để vừa là nơi trú ẩn an toàn cho con người và tài sản, vừa là nơi làm việc của các cơ quan nhà nước lại vừa là những pháo đài cố thủ chiến đấu đánh trả quân Mỹ trên cả vùng đất, vùng trời và vùng biển. Không có đèn thì chẻ tre làm đuốc; thiếu công cụ lấy mảnh bom, vỏ đạn để làm cuốc xẻng. Xác máy bay biến thành bàn mổ y tế, vỏ bom bi thành đèn thắp sáng cho con trẻ học bài... Tất cả vì chiến thắng kẻ thù xâm lược, vì chân lý tồn tại hay không tồn tại. Ở bờ Nam, với tinh thần vùng lên quật khởi, quân và dân Quảng Trị đã cùng với bộ đội chủ lực quân giải phóng liên tục tiến công vào các hệ thống đồn bốt của Mỹ - ngụy làm tan rã lần lượt bộ máy chính quyền và các tuyến phòng thủ chiến lược, lập nên những chiến công vang dội trong các chiến dịch lớn năm 1968, 1971, 1972. Những địa danh Ðường 9 - Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Thành Cổ... đã đi vào lịch sử dân tộc và sẽ còn vọng mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Vì Quảng Trị cũng là vì cả dân tộc, biết bao con ưu tú từ khắp mọi miền đất nước đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này, máu xương họ đã hóa thân vào cỏ cây, núi sông để viết nên khúc tráng ca vĩ đại của một dân tộc bất khuất.
.jpg) |
Đêm hoa đăng trên dòng Thạch Hãn -Ảnh: THÀNH DŨNG |
Chiến tranh đi qua đã để lại trên quê hương Quảng Trị một hệ thống di tích đồ sộ, quy mô và tầm cỡ, không chỉ tạo ra ưu thế vượt trội, đặc sắc riêng có của vùng đất lịch sử mà còn góp phần làm đa dạng và phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Trong hàng trăm di tích chiến tranh cách mạng mà lịch sử đã để lại trên vùng đất Quảng Trị thì di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 là hai di tích tiêu biểu, phản ánh một cách sinh động về một thời bi hùng của quân và dân Quảng Trị cùng cả nước. Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải từ trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất non sông. Vượt lên tất cả mất mát, hy sinh trong cuộc đối mặt, đối đầu nghiệt ngã, quân và dân trên vùng Vĩ tuyến 17 đã chứng minh một cách thuyết phục ý chí: “Gươm nào chém được dòng Bến Hải, lửa nào thiêu được dải Trường Sơn”. Lòng dũng cảm, ý chí son sắt của quân và dân hai miền Nam - Bắc đã kết tinh và chứng minh trọn vẹn chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Bài học lịch sử để lại trên đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là bài học về quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc, không một thế lực ngoại xâm nào có thể áp đặt ý chí chủ quan của mình, đặc biệt là bằng sự đe dọa về vũ lực. Điều kiện căn bản để quyết định vận mệnh dân tộc là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh bắt nguồn từ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức thiêng liêng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với ý chí và niềm tin “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 là một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Từ một trung tâm hành chính, lỵ sở của một tỉnh được thiết lập dưới thời Nguyễn, Thành Cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị đã trở nên nổi tiếng bởi nơi đây đã diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972) chống lại cuộc phản kích, tái chiếm của quân đội Sài Gòn. Sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại; đánh dấu một mốc son trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong cuộc đối đầu quyết liệt, một mất một còn, mang tính quyết định cho một giải pháp chính trị của cuộc chiến, cả một thị xã sầm uất đã bị tan hoang dưới sức mạnh của đạn bom, duy chỉ có ý chí bất khuất, kiên cường, lòng quả cảm của những con người yêu nước, yêu hòa bình là tồn tại và sự hy sinh anh dũng của họ đã tạo đà thắng lợi ngay trên bàn Hội nghị Pa-ri. Từ dòng sông Thạch Hãn đến những đường thôn, ngõ xóm, mô đất, con phố ở nội thị và ngoại vi, từ tòa Thành Cổ, trường học, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như: nhà thờ, đình chùa, đền miếu đến những công sở, nhà dân... đâu đâu cũng là trận địa với các cuộc giành giật sinh tử; đâu đâu cũng thấm máu các chiến sĩ cảm tử với ý chí một tấc không đi, một ly không rời, tất cả vì Thành Cổ. Sự hy sinh và cống hiến của họ đã dựng nên tượng đài về khát vọng hòa bình, độc lập và khẳng định cho đời sau một triết lý sống cao đẹp: sự hiến dâng cho lý tưởng, cho hạnh phúc của nhân dân và vinh quang của Tổ quốc. Với những giá trị lịch sử đó, di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 là hai cụm di tích đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thống nhất non sông. Nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, nâng cao vị thế, tầm vóc, quy mô của hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc; đồng thời, tạo cơ sở khoa học và pháp lý cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích, ngày 9 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng 2 di tích: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 vào danh mục di tích Quốc gia đặc biệt. Đây chính là sự tri ân sâu sắc của cả nước đối với những hy sinh to lớn của những người đã chiến đấu, đã không tiếc máu xương để viết nên bản anh hùng ca Thống nhất non sông. Ý thức trách nhiệm lớn lao trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều năm qua, mặc dù trong điều kiện khó khăn của một tỉnh nghèo, nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, các doanh nghiệp trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã nỗ lực tập trung vào việc nghiên cứu, điều tra, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có di tích Thành Cổ và di tích Đôi Bờ Hiền Lương - Bến Hải. Nhiều lễ hội cách mạng tiêu biểu mang ý nghĩa nhân văn cao cả được tổ chức tại các di tích đã để lại ấn tượng sâu sắc, những tình cảm thiêng liêng, trân trọng trong lòng đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế như: Lễ hội “Thả hoa trên sông Thạch Hãn”, Lễ hội “Huyền Thoại Trường Sơn”, Lễ “Tri ân tháng 7” và nhất là Lễ hội “Thống nhất non sông”. Nhờ đó, bộ mặt di tích ngày càng khởi sắc và mang một diện mạo mới, thu hút ngày càng đông đảo lượng khách tham quan du lịch đến với Quảng Trị, góp phần tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Đón nhận bằng xếp hạng 2 Di tích Quốc gia đặc biệt là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, mỗi người dân Quảng Trị hãy chung tay, góp sức để những địa danh này xứng tầm với vị thế của một di sản đặc biệt quốc gia. Đề nghị lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Để những địa danh này xứng tầm với vị thế của một di sản đặc biệt quốc gia, tỉnh Quảng Trị rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, chia sẻ của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp trong cả nước. Đặc biệt là sự hỗ trợ trong công tác đầu tư tôn tạo, bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 di tích lịch sử cách mạng đã được Chính phủ xếp hạng Quốc gia đặc biệt để tương xứng với tầm vóc của mảnh đất anh hùng và xương máu của đồng bào, đồng chí trong cả nước đã ngã xuống; góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá, truyền thống cách mạng của cha ông và để Quảng Trị mãi mãi là điểm đến, là niềm tự hào trong sâu thẳm trái tim mỗi người Việt Nam.