Nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về nuôi, dạy con tốt
* Bà NGUYỄN THỊ THU THANH, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn - Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”. Đề nghị bà cho biết sự cần thiết của đề án trên? -Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em tại gia đình là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Cha mẹ là người gieo mầm và mái ấm gia đình là mảnh đất cho mầm cây phát triển tốt, vì vậy Đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt" ra ...

Nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về nuôi, dạy con tốt

* Bà NGUYỄN THỊ THU THANH, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn - Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”. Đề nghị bà cho biết sự cần thiết của đề án trên? -Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em tại gia đình là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Cha mẹ là người gieo mầm và mái ấm gia đình là mảnh đất cho mầm cây phát triển tốt, vì vậy Đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt" ra đời là sự cần thiết, đáp ứng điều mong đợi của toàn xã hội nói chung, với phụ nữ nói riêng. - Mục tiêu của Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” là gì, thưa bà ? -Mục tiêu của Đề án nhằm giúp các bà mẹ nắm vững những kiến thức về nuôi, dạy con dưới 16 tuổi giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, hạn chế tính trạng trẻ em ở độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, góp phần cùng toàn xã hội thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, thực hiện xây dựng “gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”...

Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential trao tặng xe đạp cho phụ nữ thuộc diện nghèo tỉnh Quảng Trị. - Ảnh: NH

-Vậy đề án sẽ được triển khai như thế nào ? - Đề án được thực hiện theo hai giai đoạn: Từ năm 2010-2012 triển khai tại 14 tỉnh thuộc 7 vùng khác nhau (trong đó có tỉnh Quảng Trị). Mỗi vùng chọn hai tỉnh, mỗi tỉnh chọn hai xã để triển khai. Giai đoạn từ 2013- 2015 sẽ nhân rộng mô hình ra phạm vi cả nước, năm 2013 mỗi tỉnh chọn 1- 2 xã trong một huyện để làm điểm trước khi triển khai trên diện rộng. Phấn đấu đến hết năm 2015, công tác giáo dục tuyên truyền nuôi, dạy con tốt cho 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi được tập huấn kiến thức đúng về quyền trẻ em nhằm thực hiện chăm sóc, thực hành nuôi, dạy con theo từng độ tuổi; 3 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi được hướng dẫn thực hiện và áp dụng kỹ năng trong giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em vị thành niên. Có ít nhất 3 triệu bà mẹ trở lên có con dưới 16 tuổi thực hành đúng các phương pháp giáo dục phù hợp theo từng độ tuổi; ít nhất 1,5 triệu trẻ em vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe sinh sản và giáo dục kỹ năng để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống; 100% Hội LHPN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cung cấp tài liệu hướng dẫn cho huấn luyện viên chủ chốt, cẩm nang cho cộng tác viên và tài liệu truyền thông cho cộng đồng. 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở của các tỉnh thí điểm triển khai thực hiện tập huấn về kiến thức nuôi, dạy con và kỹ năng truyền thông, vận động các bà mẹ nuôi, dạy con tốt; 100% cán bộ chuyên trách công tác gia đình của Hội LHPN các tỉnh, thành phố được tập huấn kiến thức nuôi, dạy con tốt, thường xuyên được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thành thạo các loại tài liệu truyền thông về nuôi, dạy con tốt; 100% Hội LHPN các tỉnh, thành phố có giảng viên chủ chốt về nuôi, dạy con. 5 triệu bà mẹ được tham dự các buổi truyền thông, tư vấn, tập huấn, biết cách chia sẻ, thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các ông bố trong việc nuôi, dạy con; ít nhất 2 triệu ông bố trong gia đình có con dưới 16 tuổi được tiếp cận với các thông tin về nuôi, dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình thông qua tư vấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hội họp, các sự kiện và tài liệu truyền thông tại cộng đồng; 100% Hội LHPN các tỉnh, thành phố xây dựng, duy trì, nhân rộng câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”. - Quảng Trị là một trong những tỉnh được chọn để triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”. Đề nghị bà cho biết những giải pháp cụ thể để đề án được triển khai có hiệu quả? - Sau khi Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng đề án ở cấp tỉnh để triển khai thực hiện. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án. Ngày 18/2/2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 277/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo gồm 18 thành viên, do ông Nguyễn Đức Chính, UVTVTU, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh làm Phó ban và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan làm thành viên. Theo đó ngày 4/7/2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2015”. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai đề án cho các ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh. Tổ chức tập huấn báo cáo viên về kiến thức và kỹ năng nuôi, dạy con cho đội ngũ cán bộ hội chuyên trách các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2011 đã có 141/141 xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai cho cán bộ hội và các ban, ngành, đoàn thể về nội dung của đề án “ Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010-2015”. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh quyết định chọn 4 xã gồm: A Túc (Hướng Hóa); Gio Mai ( Gio Linh); Triệu Đông (Triệu Phong ) và Cam Thanh (Cam Lộ ) làm đơn vị điểm triển khai đề án. Sau khi tiến hành khảo sát ở các đơn vị điểm, Hội LHPN tỉnh đã tiến hành 4 lớp tập huấn cho tuyên truyền viên tại các thôn, bản; thành lập 24 nhóm phụ nữ có con dưới 16 tuổi sinh hoạt 2 tháng/ lần, 4 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; tổ chức tọa đàm về chủ đề “Gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật” với sự tham gia của 55 ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi; tuyên truyền trên loa truyền thanh của các xã về nội dung nuôi, dạy con. Qua các buổi sinh hoạt, nhiều ông bố, bà mẹ được tiếp thu kiến thức mới, cởi mở chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học bổ ích về cách nuôi, dạy con. Các buổi sinh hoạt nhóm bà mẹ, câu lạc bộ đã thu hút thành viên tham gia đông đủ. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thị, thành hội xây dựng đề án, kế hoạch triển khai ở đơn vị mình. Ngoài tuyên truyền lồng ghép nội dung nuôi, dạy con cho chị em trong các buổi sinh hoạt hội viên, nhóm Tiết kiệm- tín dụng, các câu lạc bộ, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức tập huấn cho 270 tuyên truyền viên tại 9 huyện, thị xã, thành phố về kiến thức dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên. Phối hợp tổ chức “Diễn đàn làm cha mẹ”, tập huấn, tuyên truyền kiến thức nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe, DS-KHHGĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…cho 130.805 lượt bà mẹ tham gia. Để giúp chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số có ý thức và thói quen sản xuất rau sạch trong vườn nhà, cải thiện bữa ăn gia đình, tại xã Mò Ó và Hướng Hiệp ( Đakrông), Hội LHPN tỉnh đã đầu tư xây dựng 182 mô hình “vườn dinh dưỡng” đem lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em nâng cao kiến thức về thực hành dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Đề án được triển khai lồng ghép với các hoạt động khác như tiêm chủng cho trẻ, khám sức khỏe cho phụ nữ, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực...thu hút sự quan tâm của người dân. Với nhiều hình thức tổ chức, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 72.100/ 85.000 bà mẹ có con dưới 16 tuổi được tập huấn, tuyên truyền kiến thức nuôi, dạy con. Để tiếp tục triển khai và thực hiện đề án đạt hiệu quả cao, Hội LHPN tỉnh đề ra một số giải pháp cụ thể cho thời gian tới, đó là: Hội LHPN các địa phương tích cực tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt đề án ở cấp mình để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh việc thực hiện đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước” và hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm trong hội viên phụ nữ. Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, kỹ năng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Rà soát, đánh giá chất lượng, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, xây dựng mô hình mới phù hợp, thu hút sự tham gia của nhiều hội viên phụ nữ và cả nam giới. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm gắn kết các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn để tạo thêm nguồn lực... Hy vọng Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như nâng cao kiến thức cho mọi người về nuôi, dạy con tốt, tạo mọi điều kiện để các em phát triển toàn diện, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. -Xin cảm ơn bà ! NGÂN HOA (thực hiện)