Tiếp tục thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực
QTO - Xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binhLiệt sĩ, phóng viên Báo Quảng Trị đã trao đổi với Giám đốc Sở LĐ,TB&XH LÊ NGUYÊN HỒNG.

Tiếp tục thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binhLiệt sĩ, phóng viên Báo Quảng Trị đã trao đổi với Giám đốc Sở LĐ,TB&XH LÊ NGUYÊN HỒNG.

-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết ngành LĐ,TB&XH tỉnh đã triển khai thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa như thế nào và kết quả mang lại ra sao?

-Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Quảng Trị là chiến trường ác liệt nhất, nhiều địa danh gắn liền với xương máu và chiến công của quân và dân ta. Toàn tỉnh hiện có 19.204 liệt sĩ,12.128 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 2.833 Bà mẹ VNAH, 14.364 người có công (NCC), 5.105 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 59.675 người được tặng thưởng huân, huy chương và hàng chục nghìn NCC với cách mạng khác được giải quyết trợ cấp ưu đãi. Đặc biệt, Quảng Trị vinh dự được quản lý, chăm sóc hơn 60.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đang yên nghỉ trên mảnh đất này.

Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyên Hồng trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị -Ảnh: K.S

Những năm qua, ngành LĐ,TB&XH cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị và các địa phương trong tỉnh luôn phấn đấu thực hiện tốt các chính sách NCC và công tác đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành công tác giải quyết các chính sách tồn đọng, hàng chục nghìn NCC đã được xác nhận và giải quyết quyền lợi đúng quy định của Nhà nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa” được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, thông suốt, kịp thời, hiệu quả, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết việc công nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCC. Sở LĐ,TB&XH đã bố trí 1 cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ theo 32 thủ tục hành chính nhằm giải quyết chế độ chính sách cho NCC theo đúng quy trình.

Trong 10 năm qua (2012-2022), sở đã tiếp nhận, tập trung thụ lý, giải quyết hàng chục nghìn hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi một lần như giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ trên 17.000 đối tượng; cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 1.500 gia đình liệt sĩ; giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí khi NCC từ trần với 8.900 hồ sơ; giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với thân nhân NCC; giải quyết chế độ vỏ mộ liệt sĩ do gia đình quản lý; chế độ cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với NCC và thân nhân NCC. Hiện tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho 18.415 NCC với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng số tiền chi trả gần 32 tỉ đồng/tháng.

Phong trào tình nghĩa ở Quảng Trị đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành một hoạt động mang tính xã hội hóa cao. Đặc biệt, chương trình nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng được thực hiện có hiệu quả, đã có nhiều trường hợp bố, mẹ liệt sĩ neo đơn cùng hàng nghìn thương binh, con liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu, giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng như nhiều chính sách thuộc diện nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.

Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được thành lập từ tỉnh đến cơ sở bằng sự đóng góp tích cực của cán bộ và Nhân dân, sự hỗ trợ của các đơn, vị doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong cả nước ủng hộ đạt kết quả cao. Từ 2007 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã huy động được 140,4 tỉ đồng, hỗ trợ xây mới 2.634 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình NCC với tổng kinh phí hỗ trợ 119 tỉ đồng. Toàn tỉnh có 2.833 bà mẹ được Nhà nước phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Hiện nay, có 28 Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định.

-Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh gặp những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?

-Đối với Quảng Trị, do thời tiết khắc nghiệt, thiên tai diễn biến phức tạp, do đó, các công trình ghi công liệt sĩ bị tác động, nhanh xuống cấp, hư hỏng. Tại 72 nghĩa trang liệt sĩ, nhu cầu cần sửa chữa nâng cấp rất lớn nhưng nguồn hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cần sửa chữa, nâng cấp bảo vệ các công trình ghi công liệt sĩ. Bên cạnh đó nguồn thu ngân sách của tỉnh hằng năm vẫn còn thấp nên việc hỗ trợ, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho NCC gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho NCC.

Liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến đã lâu, điều kiện chôn cất, an táng không được đảm bảo. Do đó, khi quy tập, cất bốc, không thể lấy được mẫu hoặc lấy được nhưng mẫu không đảm bảo tiêu chuẩn nên không giám định ADN được. Vì vậy, công tác xác định danh tính liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quy định, những người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/1961-30/4/1975 tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học (phía Nam sông Bến Hải và 10 xã phía Bắc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy) đủ điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Thực tế thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cơ quan như: Bưu điện Vĩnh Linh, Bệnh viện Vĩnh Linh, Xí nghiệp nước Vĩnh Linh, Xí nghiệp cơ khí thủy lợi Vĩnh Linh, Xí nghiệp ô tô Vĩnh Linh...chủ yếu đóng trụ sở tại Hồ Xá, nhưng cán bộ, công nhân của đơn vị thường xuyên đi công tác, hoạt động tại 10 xã thuộc huyện Vĩnh Linh. Tuy nhiên, trong giấy tờ lại không thể hiện địa bàn hoạt động tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, vì vậy không giải quyết được chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gây thiệt thòi cho đối tượng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc NCC ở Quảng Trị vẫn còn một số khó khăn do một bộ phận NCC ở vùng sâu, vùng xa đang phải sinh hoạt trong những căn nhà thiếu kiên cố; đời sống vật chất còn thiếu thốn, công ăn việc làm và thu nhập chưa ổn định. Ngoài ra, bản thân NCC còn chưa chủ động tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

-Vậy theo ông, để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc NCC, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thì cần có những giải pháp gì?

-Thời gian tới, chính quyền các cấp, các địa phương và ngành LĐ,TB&XH Quảng Trị cần đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất. Tiếp tục triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng’’; giải quyết tốt các vấn đề còn tồn đọng, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để NCC được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác chính sách; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.

Vận động các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ VNAH; khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để NCC, thân nhân NCC tích cực học tập, công tác, lao động sản xuất kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội, ổn định và nâng cao đời sống, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu. Vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực để xóa nhà tạm bợ cho gia đình chính sách; đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc, nâng cấp mộ, nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm liệt sĩ; tổ chức phục vụ tốt các đoàn, khách và thân nhân liệt sĩ đến thăm, viếng, tìm kiếm, di dời hài cốt liệt sĩ.

Thực hiện “Đối thoại với Nhân dân về công tác chính sách NCC”, từ đó tham mưu với Đảng, Nhà nước có những chính sách phù hợp với tình hình mới, góp phần ổn định an ninh, chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời nhân rộng những gương NCC, thân nhân NCC điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực NCC, gắn công tác đền ơn đáp nghĩa với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

-Xin cảm ơn ông!

Kô Kăn Sương (thực hiện)