Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
(QT) - Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT vừa có đợt kiểm tra tình hình thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại tỉnh Quảng Trị. Qua kiểm tra thực tế tại các điểm trường học, đoàn đã có những ấn tượng tốt đẹp về việc thực hiện phong trào thi đua, ghi nhận sự nỗ lực bước đầu của ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương từ những việc làm cụ thể.  Thực hiện Chỉ thị số 40/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh ...

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

(QT) - Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT vừa có đợt kiểm tra tình hình thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại tỉnh Quảng Trị. Qua kiểm tra thực tế tại các điểm trường học, đoàn đã có những ấn tượng tốt đẹp về việc thực hiện phong trào thi đua, ghi nhận sự nỗ lực bước đầu của ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương từ những việc làm cụ thể. Thực hiện Chỉ thị số 40/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các nhà giáo, các em học sinh và sự đồng thuận của các ngành, đoàn thể xã hội, trong đó có 100% trường học đăng ký tham gia. Phong trào này được thực hiện lồng ghép với phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và các cuộc vận động lớn do Bộ GD-ĐT phát động.

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là công việc lâu dài. Để phong trào đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra cần có sự cộng đồng trách nhiệm giữa chính quyền địa phương với ngành GD-ĐT, cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ của các nguồn lực trong xã hội. Thực hiện có hiệu quả phong trào này sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm qua tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt khá, phần lớn các trường học đều có môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Nhiều trường học được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp khuôn viên, trồng cây cảnh, cây bóng mát; xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế đảm bảo việc học tập của học sinh. Từ đó tạo ra môi trường thân thiện, học sinh đến trường phấn khởi và tự tin hơn; mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa nhà trường, gia đình học sinh và cộng đồng ngày càng thêm gắn bó. Nét nổi bật là việc đổi mới phương pháp dạy và học. Hầu hết giáo viên các cấp học đã có ý thức sâu sắc hơn về yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng và sát đối tượng, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Số giáo viên dạy giỏi các cấp học tăng cao qua các năm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học đạt hiệu quả. Bằng nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ, ngành GD-ĐT đã nâng cao được chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà, chú trọng bồi dưỡng, kèm cặp đối tượng học sinh yếu, kém. Số lượng học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm. Các thầy cô giáo có nhiều nỗ lực trong dạy học, đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh một cách công bằng, khách quan với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo. Việc tăng cường giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng. Nhiều trường đã xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử văn hóa, quy định rõ hành vi ứng xử của học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô giáo, thầy cô giáo với học sinh và nhân dân địa phương; học sinh với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình và người lớn tuổi; rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội. Những kỹ năng như phòng chống đuối nước; phòng chống bom mìn, tai nạn giao thông; kỹ năng sơ cứu thông thường khi gặp người bị nạn...được ngành GD-ĐT phối hợp với các dự án trên địa bàn để tập huấn, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Nhiều trò chơi dân gian được đưa vào nhà trường tạo không khí vui tươi cho học sinh. Học sinh các trường học trên địa bàn đã tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Việc chủ trương thực hiện “3 đủ” cho học sinh (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) được ngành GD-ĐT, Hội khuyến học, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm quan tâm qua các hoạt động hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, lương thực, sách vở cho học sinh vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai...đã giúp cho nhiều học sinh vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Có thể nói việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực, góp phần làm cho mái trường thân thiện hơn đối với học sinh. Nhưng quá trình thực hiện phong trào còn bộc lộ những hạn chế nhất định: Cơ sở vật chất một số trường học ở bậc học mầm non, cấp tiểu học và THCS còn thiếu; nguồn kinh phí xây dựng công trình vệ sinh, các phòng chức năng còn hạn hẹp. Các công trình vệ sinh, nước sạch của nhiều trường chưa đạt chuẩn về diện tích theo quy định và bị xuống cấp do hậu quả lũ lụt; các trường điểm lẻ rất khó thực hiện các hoạt động chung của nhà trường. Việc đổi mới phương pháp dạy và học cũng như giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn chưa đạt yêu cầu. Một số trường chưa quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung của phong trào thi đua đến tập thể cán bộ, giáo viên trong hội đồng sư phạm nên hiệu quả phong trào chuyển biến chậm. Để nhà trường trở thành trung tâm văn hóa của mỗi địa phương, ngành GD-ĐT cần tiến hành kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm quá trình thực hiện phong trào; triển khai có chiều sâu một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức và thể chất cho học sinh; đổi mới phương pháp dạy và học để lôi cuốn, tạo sự hứng thú trong tiếp thu kiến thức của học sinh; huy động mọi nguồn lực tập trung mở rộng khuôn viên nhà trường, xây thêm nhiều công trình nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn, tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường. Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là công việc lâu dài. Để phong trào đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra cần có sự cộng đồng trách nhiệm giữa chính quyền địa phương với ngành GD-ĐT, cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ của các nguồn lực trong xã hội. Thực hiện có hiệu quả phong trào này sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. PHƯƠNG MINH