Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
(QT) - Quảng Trị là một tỉnh có diện tích không lớn, dân số không đông, tài nguyên, khoáng sản không dồi dào, điều kiện thời tiết, khí hậu khá khắc nghiệt... Nhưng Quảng Trị lại có vị trí địa lý chiến lược là giao điểm của hai trục hành lang giao thông và kinh tế quan trọng nhất của cả nước và khu vực là trục Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây, có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú… Những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển du lịch trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài; coi du lịch - thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng. Với nhiều chính sách thúc đẩy du lịch phát triển, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Quảng Trị ngày một đông. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch quốc tế giai đoạn 2005-2015 đạt 12,6%/năm, khách du lịch nội địa tăng 19,92%/năm.
 |
Cầu Hiền lương ngày hội - Ảnh: HỒ THANH THOAN |
Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng du lịch đạt cao nhưng tổng giá trị lại thấp, năm 2015 mới đạt tổng doanh thu từ hoạt động du lịch thuần túy là 1.410 tỷ đồng. Hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch quy mô còn nhỏ, chất lượng các dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hoạt động kinh doanh lữ hành chưa chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh thấp… Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và công tác tiếp thị, tính hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thấp kém. Công tác xây dựng và quản lý quy hoạch du lịch còn bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch thấp. Các doanh nghiệp còn kinh doanh du lịch theo kiểu tự phát, thiếu tầm nhìn dài hạn, đầu tư nhỏ, manh mún. Các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động du lịch còn hạn chế... Từ thực trạng trên, để đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển ngành du lịch Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2030, trong đó 6 nhóm giải pháp được xây dựng là: giải pháp đầu tư và huy động vốn đấu tư; giải pháp về liên kết; giải pháp xúc tiến, quảng bá; giải pháp tổ chức quản lý; giải pháp phát triển nguồn nhân lực và giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ. Đầu tư phát triển các khu du lịch, tập trung cho các trọng điểm du lịch là giải pháp then chốt. Đó là đầu tư xây dựng quy hoạch, dự án trọng điểm phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển du lịch, đồng thời làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư. Công tác này cần phải đi trước một bước và triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chú trọng phát triển du lịch lịch sử cách mạng, du lịch biển đảo. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch, hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao phù hợp, cơ sở lưu trú đa dạng và các công trình dịch vụ du lịch bổ trợ phù hợp với từng khu vực cụ thể. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng và phát triển các lễ hội và làng nghề truyền thống. Đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên tự nhiên, các hệ sinh thái và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao để đảm bảo các hoạt động kinh doanh du lịch đạt hiệu quả. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch từ nguồn ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng du lịch). Lồng ghép việc đầu tư hạ tầng du lịch với các mục tiêu khác nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa và hợp lý hóa thủ tục đầu tư. Tích cực thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau. Mời gọi nhà đầu tư chiến lược đối với phát triển du lịch Quảng Trị. Tạo các diễn đàn đối thoại giữa chính quyền, các nhà đầu tư và người dân nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc chuẩn bị đầu tư, lập dự án cũng như triển khai đầu tư xây dựng dự án. Nhóm giải pháp liên kết cũng là một trong những giải pháp then chốt đối với phát triển du lịch Quảng Trị. Liên kết phát triển sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Quảng Trị cũng như của cả vùng Bắc Trung Bộ và Hành lang kinh tế Đông - Tây, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến, góp phần hạn chế những yếu kém, bất cập trong xây dựng sản phẩm du lịch. Thực hiện liên kết giữa các huyện, thị thành trong toàn tỉnh để phát triển sản phẩm du lịch. Liên kết giữa các ngành về xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình đầu tư. Liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch nhằm xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Liên kết với các địa phương trong vùng để xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Liên kết với các thị trường gửi khách quan trọng trong cả nước để quảng bá, xúc tiến. Liên kết với các điểm đến trong Hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm xây dựng các chương trình du lịch quốc tế hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao. Liên kết giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch. Liên kết với CHDCND Lào, cụ thể là với các địa phương tiếp giáp với Quảng Trị qua các cửa khẩu Lao Bảo và La Lay trong phát triển du lịch. Việc liên kết quốc tế trong phát triển du lịch cũng có thể được mở rộng tới các tỉnh sâu hơn trong nội địa của Lào và xa hơn nữa là Thái Lan và Campuchia. Mặt khác cần phải chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến quảng bá. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá dài hạn và ngắn hạn, thường xuyên cập nhật, bổ sung kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường và thực tế phát triển sản phẩm du lịch của địa phương, trong đó chú trọng quảng bá xúc tiến cho 2 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của Quảng Trị là du lịch lịch sử cách mạng và du lịch biển đảo. Xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Trị là biểu tượng thống nhất non sông và là cửa ngõ của Hành lang kinh tế Đông - Tây của Việt Nam. Đây có thể là một hình ảnh hấp dẫn có sức thu hút cao. Để làm được điều đó, trước hết phải thực hiện điều tra đánh giá thị trường và các thông tin phản hồi từ khách hàng, các đối tác về chất lượng sản phẩm du lịch của Quảng Trị cũng như đánh giá hiệu quả của các hoạt động, chương trình quảng bá xúc tiến để có các điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Kết hợp có hiệu quả công, tư trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp. Liên kết chặt chẽ với các thành phố lớn và các địa phương trong vùng để lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá. Khai thác đa dạng các kênh tiếp cận khách hàng, đặc biệt chú trọng các mạng xã hội, các diễn đàn, các cổng thông tin du lịch internet... Tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch như: nâng cao năng lực cán bộ quản lý trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa du lịch và các lĩnh vực có liên quan; tăng cường tính pháp lý của các dự án quy hoạch du lịch được duyệt, triển khai thực hiện theo quy hoạch; áp dụng việc quản lý dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình...; khuyến khích hình thành các hiệp hội, mạng lưới nghề nghiệp nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kinh doanh, giảm thiểu tối đa xung đột lợi ích và các mâu thuẫn khác; xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bằng cách liên kết với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực, kết hợp với việc đẩy mạnh công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ và thu hút đội ngũ cán bộ quản lý cao cấp hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý địa phương. Có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân viên; đưa vào áp dụng hệ thống “tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ”. Tranh thủ sự hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch cũng như các tổ chức, dự án quốc tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo đội ngũ lao động du lịch đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch cũng là một giải pháp quan trọng nhằm đưa du lịch phát triển theo hướng nền kinh tế tri thức. Nghiên cứu phương thức quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch; các vấn đề liên quan đến môi trường phát triển du lịch; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang hàm lượng công nghệ cao; nghiên cứu các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và công nghệ xây dựng, vận hành thân thiện với môi trường; phát triển du lịch trong mối quan hệ với bảo tồn văn hóa, với thể thao; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch, kết nối với các hệ thống thông tin quản lý du lịch của vùng và quốc gia và các trung tâm thông tin trong và ngoài nước; khuyến khích và hỗ trợ giải pháp học qua mạng; áp dụng các mô hình công nghệ quản lý tiên tiến trong phát triển du lịch. Với sự đầu tư đồng bộ, định hướng khai thác hợp lý, bền vững, du lịch cùng với thương mại, dịch vụ hoàn toàn có tiềm năng thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong những động lực phát triển của Quảng Trị. VÕ THÁI HÒA