Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân
(QT) - Hôm qua 7/9/2015, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân 13/9 (1945-2015). Tham dự có đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo Tòa án cao cấp tại Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các sở, ngành, đơn vị liên quan; thường trực các huyện, thị, thành ủy; lãnh đạo TAND tỉnh, TAND các huyện, thị xã, thành phố...
.jpg) |
Đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao bức trướng của BCH Đảng bộ tỉnh mang dòng chữ “Giữ nghiêm pháp luật, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân” cho TAND tỉnh - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Hồng Quang, TUV, Chánh án TAND tỉnh nêu rõ: Chỉ 11 ngày sau khi tuyên bố độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33c thiết lập các Tòa án quân sự, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án Việt Nam. Nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của TAND, ngày 24/1/1946, Hồ Chủ tịch ký ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức Tòa án và ngạch thẩm phán. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên, quy định một cách đầy đủ về tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các vi phạm cũng như tổ chức tòa án, quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch thẩm phán. Sau khi có Sắc lệnh số 13, khoảng tháng 3/1946, Tòa án đệ nhị cấp tỉnh Quảng Trị được thành lập, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền còn non trẻ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài trong 9 năm. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), TAND khu vực Vĩnh Linh được thành lập, đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời bọn gián điệp, biệt kích, chống phá cách mạng, đảm bảo công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong thời kỳ nhập tỉnh Bình -Trị- Thiên, đội ngũ cán bộ Tòa án Quảng Trị cũng đã góp phần xứng đáng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Từ khi tỉnh nhà được lập lại (1989), ngành TAND tỉnh khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn ban đầu, ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh luôn chủ động nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án 2 cấp, chú trọng đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh tụng tại các phiên tòa. Tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án, nhất là các vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Chỉ tính từ năm 2011-2015 Tòa án 2 cấp của tỉnh đã thụ lý 8.287 vụ, việc, giải quyết 7.923 vụ, việc, đạt tỉ lệ bình quân trên 95,7%, trong đó án hình sự giải quyết đạt tỉ lệ 96,45%. Các bản án Tòa tuyên có căn cứ, đúng pháp luật, chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao. Một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của ngành là đầu năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Tiếp đó tháng 6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49 “ Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Yêu cầu đặt ra là xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt các chức danh tư pháp có trình độ tinh thông về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức công minh chính trực, liêm khiết, đủ sức gánh vác nhiệm vụ trong tình hình mới. Với những nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành TAND tỉnh Quảng Trị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Chính phủ tặng Cờ thi đua, nhiều tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng, của Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh án TAND tối cao… Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Tòa án 2 cấp tỉnh Quảng Trị đạt được trong thời gian qua. Về phương hướng thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh: Ngành Tòa án tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Thường xuyên tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của ngành. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công chức, trước hết là đội ngũ thẩm phán. Tập trung thực hiện công tác xét xử, giải quyết các loại án vừa đảm bảo đúng nguyên tắc xét xử độc lập, vừa phối hợp tốt với cơ quan tố tụng và Ban Nội chính Tỉnh ủy để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xét xử. Coi trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa để công tác xét xử đảm bảo tính độc lập, công khai, minh bạch, đảm bảo tốt nhất quyền của bị cáo và người bào chữa, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án bị cải sửa, cố gắng tối đa để không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội; các bản án, quyết định đã tuyên phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, công bằng, có sức thuyết phục cao… Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng chí Phạm Đức Châu trao tặng ngành Tòa án tỉnh bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với dòng chữ “Giữ vững pháp luật, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân”. PV