Ngân hàng Quảng Trị 60 năm xây dựng và trưởng thành
* HỒ SỸ TRỌNG, TUV, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Quảng Trị Cách đây 60 năm, ngày 6/5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thành lập. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của cách mạng Việt Nam, của công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp nói chung và của nền tiền tệ - tín dụng nước nhà nói riêng. Từ một nước thuộc địa không có chủ quyền về tiền tệ, ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, bằng ý chí và sáng tạo của mình, dựa vào lòng yêu nước của nhân dân, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã từng bước thiết lập được một nền tiền tệ, ngân hàng độc lập với những bước đi phù hợp và đầy sáng tạo.
Chúng tôi, thế hệ cán bộ ngân hàng hôm nay nguyện phấn đấu hết mình để đưa hệ thống ngân hàng trên địa bàn ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra |
Tháng 12/1945, chính quyền cách mạng đã phát hành đồng bạc Việt Nam đầu tiên được nhân dân hết sức hoan nghênh, hưởng ứng và gọi là “Tờ giấy bạc Cụ Hồ”. Sự ra đời của đồng tiền cách mạng đã góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh tiền tệ với địch, phát triển sản xuất và lưu thông, ổn định giá cả, đồng thời đảm bảo chi tiêu ngân sách của chính quyền cách mạng. Ngày 3/2/1947, theo sắc lệnh số 14/SL Nha Tín dụng sản xuất, tổ chức tín dụng đầu tiên ở nước ta được thành lập, bước đầu giúp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn và làm hậu thuẫn cho chính sách giảm tức và hướng dẫn nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Ngày 6/5/1951, tại Hang Bồng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Ngân hàng là “Nắm vững hai việc chính là phát hành giấy bạc và quản lý kho bạc, thực hành chính sách tín dụng để phát triển sản xuất. Phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch “. Tại Quảng Trị đầu tháng 7/1951, tại Khe Cau - chiến khu Ba Lòng, chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Từ trong những ngày cuộc chiến tranh giữ nước bước sang giai đoạn cầm cự, giữa chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa với trăm ngàn gian khó, Ngân hàng Quảng Trị đã cùng với hệ thống Ngân hàng trong cả nước góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc được giải phóng, tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế, làm hậu phương vững mạnh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Riêng Quảng Trị bị chia cắt làm đôi, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là nơi giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Vĩnh Linh, mảnh đất đầu giới tuyến với trách nhiệm lớn lao là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, của Trị Thiên ruột thịt, cuộc chiến đấu lại bước sang một hình thức mới. Hoạt động Ngân hàng quốc gia cũng được chuyển hướng thích hợp, trọng tâm là củng cố hệ thống tiền tệ, giữ cho tiền tệ ổn định, góp phần bình ổn vật giá, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế; phát triển công tác tín dụng nhằm phát triển sản xuất lương thực, đẩy mạnh khôi phục và phát triển nông, công, thương nghiệp, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là địa đầu phía Nam của miền Bắc là nơi chịu nhiều gian khổ nhất. Ngân hàng đã góp phần tạo lập cơ sở hậu cần cho cuộc kháng chiến của tỉnh, chống nạn thiếu đói, phục vụ dân sinh, xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp để đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang đấu tranh kinh tế với địch. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ, hoạt động của ngành Ngân hàng Quảng Trị trong vùng giới tuyến và các vùng mới được giải phóng đã góp phần đắc lực trong cuộc đấu tranh với địch nhằm bảo vệ hậu phương, bảo vệ nhân dân, phá ách kìm kẹp của địch, mở rộng trận địa lưu hành tiền của ta, thu hút lực lượng và vật chất trong vùng địch kiểm soát cung ứng cho nhu cầu kháng chiến và dân sinh. Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt với những nhiệm vụ hết sức nặng nề, tuyệt đại bộ phận cán bộ Ngân hàng đã ra sức rèn luyện cả về “hồng”, về “chuyên”, năng động sáng tạo trên mọi lĩnh vực hoạt động, từ hậu phương đến tiền tuyến kể cả hoạt động tiền tệ trong lòng địch, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các thế hệ cán bộ ngân hàng đã giữ gìn được phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tiền tệ, cần, kiệm, liêm, chính, trung kiên bất khuất, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đảm bảo cho hoạt động tiền tệ, Ngân hàng được thông suốt ngay cả trong chiến tranh khốc liệt cũng như những năm tháng khó khăn của nền kinh tế . Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Theo đó, Ngân hàng Bình Trị Thiên cũng được thành lập vào ngày 1/7/1976. Đến tháng 7/1989, với việc lập lại tỉnh Quảng Trị, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Quảng Trị cũng được lập lại. Vào những năm cuối của thập kỷ 80, hoạt động ngân hàng còn mang nặng tính bao cấp, nguồn vốn hạn hẹp, công tác huy động vốn không được nhận thức đúng, các công cụ tiền tệ làm đòn bẩy cho tăng trưởng tín dụng và kinh tế, vốn cho vay phân tán, công tác thanh toán không dùng tiền mặt bị thu hẹp, lạm phát phi mã, dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Nhận thức được vấn đề trên, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã tạo bước đột phá đổi mới tư duy về kinh tế. Nghị định 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ra đời tháng 3/1988 tạo cơ sở, định hướng rất quan trọng về mặt pháp lý để thực hiện tiến trình đổi mới một cách căn bản hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng được tách thành 2 cấp và chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới. Tháng 10/1990, với sự ra đời của 2 Pháp lệnh ngân hàng đánh dấu bước đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động ngân hàng. Hệ thống ngân hàng Quảng Trị tiếp tục thực hiện tiến trình đổi mới mô hình, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các Ngân hàng trên địa bàn, trong đó, phân định rõ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động Tiền tệ - Tín dụng - Ngân hàng; các Ngân hàng Thương mại thực hiện chức năng hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và dịch vụ Ngân hàng. Tháng 10/1998, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, khẳng định cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn Quảng Trị tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước hiện đại hoá ngân hàng phục vụ tốt cho yêu cầu của nền kinh tế địa phương. Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, hoạt động ngành Ngân hàng Quảng Trị đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đẩy nhanh công cuộc xoá đói giảm nghèo. Mạng lưới các Ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng cơ sở không ngừng được mở rộng. Công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng không ngừng được hoàn thiện. Việc điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước ngày càng có hiệu quả. Các dịch vụ ngân hàng đa dạng và hiện đại hơn và dần đi vào chuẩn mực, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đặc biệt là hệ thống máy rút tiền tự động ATM hiện có 54 máy. Các ngân hàng trên địa bàn đã huy động và cho vay một khối lượng vốn tương đối lớn cho nền kinh tế. Ngoài lĩnh vực kinh tế nhà nước, đã cho vay hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và giải quyết các vấn đề xã hội. Đến nay, nguồn vốn huy động tại địa bàn là 6.700 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay xấp xĩ 8.000 tỷ đồng; doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh nhờ phát triển hệ thống thanh toán điện tử; làm tốt công tác điều hoà lưu thông tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác thanh tra, kiểm soát được tăng cường, nhờ vậy mà chất lượng các mặt hoạt động ngày càng tốt hơn. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng luôn được quan tâm, chăm lo tốt. Các hoạt động đoàn thể, phong trào thường xuyên được duy trì và phát triển tốt, đem lại ý nghĩa lớn lao như: phong trào đền ơn đáp nghĩa, tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng các công trình đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết.... Phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT được tổ chức thường xuyên tạo khí thế vui tươi, lành mạnh, làm động lực thúc đẩy hoạt động chuyên môn ngày càng phát triển. Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng, trưởng thành từ chỗ hoạt động ở chiến khu Ba Lòng, đến Ngân hàng khu vực Vĩnh Linh, Ty Ngân tín Quảng Trị rồi 13 năm hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên và sau 22 năm tái lập tỉnh, Ngân hàng Quảng Trị có thể khẳng định và tự hào với những kết quả đạt được do máu, mồ hôi, công sức của chính mình gây dựng nên. Ôn lại truyền thống Ngân hàng Quảng Trị 60 năm qua, chúng ta có thể tự hào rằng đã đóng góp không nhỏ vào thành quả chung đối với sự phát triển của ngành, của tỉnh. Đạt được những thành quả đó là nhờ vào sự phấn đấu không mệt mỏi của toàn thể cán bộ công nhân viên qua các thế hệ. Đồng thời thành quả đó phản ánh sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Ngân hàng Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, đã giúp ngành Ngân hàng của tỉnh vượt qua thử thách đi lên. Thành quả đó còn là kết quả của sự phối kết hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nhân dịp này, thay mặt Ban Cán sự đảng ngành Ngân hàng Quảng Trị, Ban Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng Quảng Trị, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã góp phần vào sự trưởng thành của Ngân hàng Quảng Trị hôm nay. Cũng nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ cán bộ ngân hàng đi trước đã dày công xây đắp nên truyền thống vẻ vang của ngành. Từ cuối năm 2007 đến nay tình hình kinh tế- xã hội có những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tiếp đến áp lực lạm phát cao là những thách thức cho hoạt động ngân hàng. Đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay, do áp lực lạm phát cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 02 về phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2011 và những năm tới là rất nặng nề, góp phần kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Đồng thời với đó là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Từ nay đến năm 2015, cùng với toàn ngành, ngành Ngân hàng Quảng Trị thực hiện đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2020, nhằm thực hiện hiện đại hoá một cách toàn diện hệ thống ngân hàng, góp phần vào các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và có tính toàn diện sâu sắc, đòi hỏi sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, cũng như nỗ lực và sự sáng tạo của từng cán bộ, đảng viên trong ngành với tinh thần phát huy hơn nữa truyền thống 60 năm vẻ vang của ngành, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên phía trước. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ngân hàng Quảng Trị phát huy trí tuệ, bản lĩnh và phẩm chất cách mạng của mình trên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; đoàn kết một lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành. Đây là cách thiết thực nhất để xứng đáng với truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành. Chúng tôi, thế hệ cán bộ ngân hàng hôm nay nguyện phấn đấu hết mình để đưa hệ thống ngân hàng trên địa bàn ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra