Dọc theo vùng cát quê hương (Bài 1)
Bài 1: Nối dài giấc mơ trên cát (QT) - Nếu không từng trải qua những ngày thơ bé, được ngồi trong thúng gióng oằn nặng vai gánh của mẹ, bươn bả vượt trảng cát dài cho kịp buổi chợ sớm thì sẽ không thể nào hiểu được cảm giác sung sướng, hạnh phúc của người dân vùng cát khi có con đường nhựa về tận làng quê mình. Được đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là có những chính sách hỗ trợ tích cực của nhà nước, cuộc sống của người dân các xã vùng cát từ huyện Hải Lăng, Triệu Phong đến Gio Linh, Vĩnh Linh ...

Dọc theo vùng cát quê hương (Bài 1)

Bài 1: Nối dài giấc mơ trên cát (QT) - Nếu không từng trải qua những ngày thơ bé, được ngồi trong thúng gióng oằn nặng vai gánh của mẹ, bươn bả vượt trảng cát dài cho kịp buổi chợ sớm thì sẽ không thể nào hiểu được cảm giác sung sướng, hạnh phúc của người dân vùng cát khi có con đường nhựa về tận làng quê mình. Được đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là có những chính sách hỗ trợ tích cực của nhà nước, cuộc sống của người dân các xã vùng cát từ huyện Hải Lăng, Triệu Phong đến Gio Linh, Vĩnh Linh đã thực sự đổi thay, khởi sắc từng ngày. Đột phá đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Vùng cát Quảng Trị chiếm diện tích 31.000 ha, lớn hơn cả diện tích trồng lúa của toàn tỉnh. Chịu sự tác động lớn của gió và nước, vì thế hiện tượng cát bay, cát chảy lấp đồng ruộng, đường giao thông thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho sản xuất và đi lại của người dân. Chính vì sự khắc nghiệt đó cho nên trong bốn vùng sinh thái của tỉnh (đồng bằng, đồi, núi cao và vùng cát), dù vùng cát với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng mức độ khai thác vẫn chưa tương xứng. Không đường, không điện, không nước sạch sinh hoạt, cách đây hơn 20 năm về trước, đời sống của người dân vùng cát bộn bề khó khăn.

Cầu Cửa Việt nối đôi bờ huyện Gio Linh và Triệu Phong

Bà Trần Thị Trữa, ở thôn 3, xã Triệu Lăng, Triệu Phong năm nay đã qua tuổi 75, vẫn nhớ như in những tháng ngày đó: “ Chồng, con đi biển câu được con cá, con mực ngon, dành dụm để riêng ra đem đi bán. Mà muốn kịp buổi chợ thì phải đi từ ba, bốn giờ sáng, gánh đôi thúng, bới theo mấy củ khoai lang, bữa mô tươm tất hơn thì có thêm ít con tép biển kho mặn ăn với khoai cho có vị. Gà chưa gáy đã gọi nhau đi cho kịp buổi chợ, cực lắm. Mà toàn đi chân đất cho nhanh chứ thêm đôi dép thì sao mà chạy trên cát được”. Trăn trở trước thực trạng ấy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị xác định tập trung đầu tư hệ thống giao thông ở vùng cát để tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Nhờ sự đầu tư của nhà nước, sự nhập cuộc tích cực của ngành giao thông và sự hỗ trợ của một số dự án phi chính phủ, hệ thống đường giao thông đã được triển khai đồng loạt ở các xã vùng cát từ Hải Lăng đến Vĩnh Linh, mở ra cuộc sống mới cho người dân. Ở Hải Lăng, nhiều tuyến giao thông quan trọng như đường An - Khê, đường Ba - Quế - Dương, đường tỉnh 581, 582, đường Thượng - Xuân, đường Dương - Khê, đường ra vùng các các xã Hải Thượng, Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba, đường ra bến cá Hải An, Hải Khê được xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa. Giao thông đi trước một bước đã giúp cho huyện Hải Lăng làm cuộc “cách mạng xanh” trên cát thực sự có hiệu quả. Qua vùng cát Triệu Phong, nhờ có dự án phát triển vùng ven biển giai đoạn 2002 - 2007, huyện đã xây dựng được 14 km đường nhựa, 34 km đường cấp phối, hai cầu vĩnh cửu với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Hệ thống đường ra vùng cát, làng sinh thái được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất trên vùng đất mới lập nghiệp. Với lợi thế của vùng có thị trấn Cửa Việt được thành lập từ năm 2006, được tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng khu dịch vụ- du lịch, huyện Gio Linh và các địa phương trong vùng đã tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng. Nhờ vậy đã kịp thời đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm như đường cơ động Cửa Việt, Cửa Tùng, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt, đường liên xã Trung Giang - Gio Mai, đường nội thị thị trấn Cửa Việt, đường và cầu Lại An - Nhĩ Thượng, Lâm Xuân Đông, đường 76 Đông, 73 Đông, các tuyến cấp phối nối các xã ven biển với các địa phương vùng biển ... Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng kiên cố hóa 117 km. Các tuyến đường được trải nhựa rộng rãi, hệ thống điện phục vụ dân sinh được đầu tư, nâng cấp, thông tin liên lạc và các công trình khác như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chương trình nước sạch cho nông thôn được đầu tư đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cát với các thị trấn huyện lỵ. Ngoài giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương cho người dân, tỉnh còn đầu tư xây dựng công trình đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn vùng ven biển phía Nam, tạo điều kiện cho vùng đất này vươn lên phát triển mạnh mẽ. Với tầm nhìn chiến lược, bằng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ từ năm 2012 - 2030, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình đường ven biển đoạn từ cầu Cửa Việt đến giáp ranh tỉnh Thừa Thiên- Huế, kéo dài hơn 30 km qua các huyện Triệu Phong và Hải Lăng với bề rộng nền đường là 12 m. Tuyến đường ven biển này hình thành sẽ tạo một đường trục dọc nối liền các trục giao thông quốc gia và Hành lang kinh tế Đông Tây. Điều kiện cần và đủ cho sản xuất Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 1/7/2002 của Tỉnh uỷ Quảng Trị (khoá XIII) về phát triển KT-XH miền biển và vùng cát là tiền đề quan trọng, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và vùng ven biển. Bắt tay vào thực hiện chủ trương cải tạo môi sinh vùng cát ven biển bằng các biện pháp thủy lợi được nhanh chóng triển khai để ổn định vùng cát. Con đê kéo dài từ Thanh Hương, Hải Dương (Hải Lăng) ra đến xã Triệu Trạch, Triệu Phong được coi là hệ thống thủy lợi có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho sản xuất của các xã vùng cát. Để có thể “trải” nước đều trên vùng cát, thêm 9 con đê phân thủy được xây dựng tạo thành 9 hồ trên vùng cát từ Hải Lăng đến Gio Linh. Toàn tỉnh hiện có 12 hồ thủy lợi, mùa mưa trữ nước, tạo độ ẩm trên vùng cát, tăng độ mùn cho đất. Cùng với hệ thống đê điều, hệ thống kênh mương thủy lợi cũng được kiên cố hóa đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh và an toàn trong mùa mưa lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho hơn 140.000 người và trên 8.400 ha đất nông nghiệp. Việc tiếp đến là quy hoạch lại vùng sản xuất, phân bổ lại đất cho dân, giãn dân ra vùng cát. Những vùng cát được chia ổn định thành ô vuông, rồi lên liếp trồng phi lao thành dải rừng cản gió, trồng cỏ tạo mùn. Ông Lê Vũ Bằng, nguyên Bí thư Huyện ủy Triệu Phong, người đã từng lăn lộn với dự án phát triển vùng cát từ những ngày đầu mới triển khai nhớ lại, từ khi Triệu Phong chưa sáp nhập với Triệu Hải, chính quyền địa phương đã nghĩ đến chiến lược phát triển vùng cát. Bên cạnh việc đưa dân lên miền núi làm kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước, thì đồng thời cũng động viên dân các xã Triệu Đại, Triệu Hòa, Triệu Long... mạnh dạn lấn về vùng cát trồng khoai. Tại huyện Triệu Phong, làng sinh thái Vĩnh Huề (gốc là người dân thôn 9, xã Triệu Vân) được coi là làng đầu tiên mạnh dạn ra vùng cát lập nghiệp từ năm 1991. Nhờ vốn đầu tư của dự án nước ngoài, từ tháng 3/2001, ở 7 xã của huyện Triệu Phong đã có 11 làng sinh thái được lập. Mỗi làng là một hình mẫu về sinh kế bền vững trên cát. Các hộ đã thiết lập vành đai rừng phòng hộ, đào kênh tiêu úng, cải tạo đất cát để trồng lạc, dưa hấu và đào ao nuôi cá, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bước đầu nhiều hộ có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/ha/năm, một số hộ phát triển kinh tế theo mô hình trang trại có thu nhập 50-70 triệu đồng/hộ/năm. Ở các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng nắm bắt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng cát để định hướng cho người dân phát triển sản xuất theo phương châm “chân đồng, chân cát”. Hơn 5.000 ha vùng cát được cải tạo thành đất sản xuất, nhiều làng sinh thái với gần 1.000 hộ dân sống trên cát như: Triệu Sơn, Triệu Vân, Triệu An (Triệu Phong), Gio Mỹ (Gio Linh)... bước đầu mang lại hiệu quả cao. Cuộc sống với hai từ ấm no đúng nghĩa đã trở thành hiện thực với người dân vùng cát. (Còn nữa) Bài, ảnh: THANH TRÚC- LÂM THANH