Cây sắn vùng Lìa mỏi mòn đợi mưa
(QT) - Theo thông tin của nhiều người dân, hầu như xã nào ở vùng Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng có từ 30-50% diện tích sắn chết vì đã quá lâu không có mưa. Chúng tôi đã đến xã Thuận, một trong những xã có diện tích sắn chết nhiều nhất trong vùng. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Phạm Xuân San, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận không giấu được vẻ lo âu trên khuôn mặt khi mà niên vụ này, toàn xã có thể mất trắng mùa sắn, bà con lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì nguồn thu nhập phần lớn của họ là dựa vào loại cây này.
 |
Pả Hùng cầm trên tay hom sắn đã bị chết do khô hạn vừa mới được đào lên. |
Ông San cho biết: Tổng diện tích trồng sắn theo kế hoạch huyện giao cho xã năm nay là 670 ha, nhưng hiện chỉ mới trồng được khoảng 50% diện tích (trong đó có khoảng 30% diện tích sắn mới trồng đã chết). Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài nên nguồn giống do Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị hỗ trợ và nhân dân tự mua đưa vào trồng đã chết hơn một nửa. Một số hộ dân lo lắng cho mùa vụ này thất thu do một số diện tích sắn đã chết nên lặn lội đến các xã khác để mua giống mới nhưng vẫn không đủ để trồng vì giống sắn hiện rất khan hiếm. Thời điểm này mọi năm, ở địa phương bà con đã trồng được sắn lên tươi tốt thì hiện giờ việc trồng sắn đã gần như không triển khai được do thời tiết khắc nghiệt. Riêng cây ngô, được sự tài trợ của Chương trình Cứu trợ trẻ em toàn cầu và Chương trình Phát triển vùng huyện Hướng Hoá, người dân đã gieo trồng được 180ha đang phát triển nhưng nắng nóng kéo dài, số phận cây ngô có thể cũng sẽ chẳng khác gì cây sắn. Chị Phạm Thị Cẩm Vân, cán bộ Văn phòng UBND xã Thuận dẫn chúng tôi đi xem những rẫy sắn bị chết khô trong cái nắng chang chang. Dọc hai bên đường vào thôn Úp Ly II, chị Vân đưa tay chỉ cho chúng tôi xem những cây tràm nhiều lá đã khô quắp lại và nói: “Đấy, anh chị xem, cây tràm lên đã hơn một tuổi rồi còn sắp chết huống gì cây sắn mùa này nắng mãi trồng xuống không có lấy một cơn mưa thấm đất thì làm sao sống nổi!”. Dừng chân ở đồi sắn hơn 1 ha giờ vẫn chưa có lấy một màu xanh non chúng tôi được biết, đây là đất trồng sắn của Pả Hùng. Ông là một trong những người tiên phong trồng sắn trong thôn và tham gia vận động, hướng dẫn nhiệt tình cho bà con kỹ thuật trồng sắn. Pả Hùng cho biết, nắng hạn đã làm chết gần hết diện tích sắn của nhà ông. Niên vụ 2010, ông đã trồng sắn đến 3 đợt (tháng 12/2009, 1/2010 và 4/2010) đợt nào cây sắn chưa kịp mọc mầm cũng đã chết. Xã quan tâm cấp 20 kg ngô giống, cứ mỗi lần gieo, cây đã lên được gần một gang tay thì lại chết khô vì trời vẫn không mưa! Giờ bà con ai cũng lo lắng vì năm nay chắc sẽ thất thu lớn. Pả Hùng vừa nói vừa lấy cuốc lật lên những hom sắn đã trồng vào tháng 4 vừa qua, hom sắn đã chết khô. Thôn Úp Ly II có 3 ao cá giờ cũng đã trơ đáy vì hạn, suối khe ở đây cũng chỉ còn thấy những tảng nằm đá trơ trọi, hiếm có một vũng nước nào đọng lại. Ông Chuôi Thông ở Bản 7, xã Thuận có 2 ha sắn cũng nằm trong tình cảnh như Pả Hùng. Ông bảo: “Buồn lắm, đến bây giờ vẫn chưa có mưa, cây sắn trồng nhiều đợt, đợt nào cũng chết. Dân bản ở đây nhà nào cũng trồng sắn, giờ sắn chết nhiều quá không biết làm sao cả”. Trên đường trở về trung tâm huyện, chúng tôi vào Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá để tìm hiểu thêm tình hình. Tại đây, anh Lê Văn Thể, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: Niên vụ năm 2009, người dân vùng Lìa phấn khởi khi trồng sắn đón mưa và kết quả cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 60 nghìn tấn sắn nguyên liệu (tương đương gần 60 tỷ đồng). Trước hiệu quả kinh tế từ cây sắn, sau khi thu hoạch, niên vụ năm 2010 bà con mở rộng diện tích trồng sắn thêm khoảng 30% so với năm 2009. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hạn kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của cây sắn. Hầu như xã nào ở vùng Lìa, vào vụ mới bà con vừa trồng xuống khoảng vài ngày sắn chưa kịp nảy mầm thì đã chết vì thiếu nước trầm trọng. Một số ít diện tích sắn được trồng ngay sau khi thu hoạch vào tháng 9/2009 thì may ra còn sống được. Niên vụ năm 2010-2011, Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị đã triển khai 2 đợt hỗ trợ giống sắn cho nông dân vùng Lìa, đợt 1, cùng với Chương trình 134 của Chính phủ (hỗ trợ 200 triệu đồng cho người dân mua giống sắn), Công ty đã trích kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng để đảm bảo giống sắn cho bà con; qua đợt 2, Công ty hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng, vốn bà con bỏ ra khoảng 170-180 triệu đồng để mua giống sắn. Về nguồn giống, nhà máy phải cử cán bộ vào tận Tây Nguyên để lựa chọn giống sắn phù hợp, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho người dân. Song đến thời điểm này, bà con đã phải trải qua 3 đợt xuống giống trên cùng một đơn vị diện tích nhưng phần lớn diện tích sắn được trồng đều đã khô và chết. Hiện sắn giống rất khan hiếm, niên vụ này, nhà máy và nhân dân vùng Lìa đang đứng trước nhiều khó khăn nếu như những ngày tới trời vẫn không có mưa. Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG