Nỗ lực xây dựng xã hội học tập vững mạnh
(QT) - Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến học, khuyến tài, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực xây dựng Quảng Trị trở thành một xã hội học tập vững mạnh. Việc chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương...

Nỗ lực xây dựng xã hội học tập vững mạnh

(QT) - Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến học, khuyến tài, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực xây dựng Quảng Trị trở thành một xã hội học tập vững mạnh. Việc chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương...

Chăm lo đào tạo cho thế hệ trẻ​

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác Hồ chỉ rõ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và xem giáo dục là một chiến lược: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trong Di chúc của Bác Hồ đã đề cao công tác khuyến học, khuyến tài, mong muốn các thế hệ mai sau chú trọng đến công tác này để xây dựng quê hương, đất nước. Suốt hơn 50 năm qua, thực hiện Di chúc của Bác Hồ về công tác khuyến học, khuyến tài, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học.

Ngay từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, công tác khuyến học, khuyến tài càng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, các sở, ngành liên quan và người dân quan tâm. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về khuyến học, khuyến tài được ban hành khá đồng bộ; mạng lưới tổ chức khuyến học phát triển rộng khắp và hoạt động tương đối đồng đều, hiệu quả. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển ngày càng đa dạng, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung nên đã thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.575 tổ chức hội khuyến học với 193.600 hội viên (chiếm tỉ lệ 31,17% so với dân số của tỉnh). Việc đăng kí mô hình “Gia đình học tập” đạt tỉ lệ 62,03%; mô hình “Dòng họ học tập” đạt tỉ lệ 52,16%; mô hình “Cộng đồng học tập cấp cơ sở” đạt tỉ lệ 72,58%; mô hình “Đơn vị học tập cấp cơ sở do chính quyền cấp xã quản lí”, “Đơn vị học tập cấp xã” chiếm tỉ lệ 73,32%. Công tác xóa mù chữ cho người trong độ tuổi 15 - 60 đạt tỉ lệ 94,93% và số người trong độ tuổi từ 15-35 là 97,5%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt tỉ lệ trên 93%. Nhìn chung, các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” cấp xã đều vượt mức từ 10 - 30 % so với chỉ tiêu của Trung ương. Hằng năm, Quỹ Khuyến học tỉnh Quảng Trị huy động bình quân gần 40 tỉ đồng để tổ chức trao học bổng, hỗ trợ, khen thưởng cho học sinh, sinh viên; xây dựng “Mái ấm khuyến học”; đỡ đầu các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Nhìn chung, công tác khuyến học, khuyến tài đã tạo ra một bước chuyển biến mới trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của việc học tập, học tập suốt đời. Phong trào xây dựng các mô hình học tập với nội dung, tiêu chí cụ thể đã tác động mạnh mẽ đến việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình, làng bản, đơn vị văn hóa, đô thị văn minh.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh nên các cấp hội khuyến học cơ sở đã làm tốt việc xây dựng xã hội học tập gắn với việc thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Khắp nơi trong tỉnh đều thi đua làm khuyến học, khuyến tài theo Di chúc của Bác Hồ, tiêu biểu như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Hội Khuyến học huyện Cam Lộ; Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo ở các huyện miền núi, hải đảo mở gần 300 lớp xóa mù chữ cho gần 10.000 học viên; 196 lớp phổ cập giáo dục bậc tiểu học cho hơn 3.000 học sinh; 45 lớp học tình thương cho 934 học sinh; vận động 48.054 học sinh bỏ học trở lại trường. Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng đã triển khai thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu 2.844 cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài ra, các đồn Biên phòng còn nhận nuôi 40 cháu mồ côi ăn học và hiện có 33 cháu học sinh tốt nghiệp lớp 12, trong đó có 7 cháu đỗ vào các trường đại học; huy động công sức của cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ 32.390 ngày công tu sửa phòng học, tặng 615 bộ bàn ghế, xây sửa 524 phòng học với số tiền hơn 2 tỉ đồng, tặng các cháu học sinh nghèo 14.312 suất quà.

Hội Khuyến học huyện Cam Lộ hiện có 275 tổ chức hội với 15.536 hội viên chiếm tỉ lệ 33% dân số. Sau một thời gian triển khai xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp xã; “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lí đến nay đã đạt kết quả tốt. Mô hình “Gia đình học tập” đạt tỉ lệ 87,3%; “Dòng họ học tập” đạt tỉ lệ 56%; “Cộng đồng học tập” đạt tỉ lệ 100%; “Đơn vị học tập” đạt tỉ lệ 83%; “Cộng đồng học tập” cấp xã đạt tỉ lệ 100%. Bên cạnh đó, việc chú trọng xây dựng các mô hình học tập đã tác động tích cực đến chất lượng giáo dục, phong trào thi đua, hiệu quả công tác của nhiều đơn vị trên địa bàn huyện.

Hướng Hóa là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn tuy nhiên những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài phát triển rất mạnh mẽ. Quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, Hội Khuyến học huyện đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình học tập. Đến nay, đã có 14 xã, thị trấn triển khai thực hiện và có 9.176 gia đình đã đăng kí tham gia mô hình “Gia đình học tập”; 35 dòng họ đăng kí xây dựng “Dòng họ học tập” và đã được công nhận đạt tỉ lệ 100%; 59 đơn vị đăng kí xây dựng “Đơn vị học tập”, đạt tỉ lệ 52%; 9 xã đều đăng kí xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã. Qua một thời gian triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài đến nay huyện Hướng Hóa đã xây dựng được một xã hội học tập tiêu biểu ở địa bàn miền núi. Sự thành công của các mô hình học tập đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về mọi mặt để đáp ứng nhu cầu công cuộc CNH, HĐH đất nước, đảm bảo tốt sự dân chủ, bình đẳng trong xã hội về nhu cầu học tập. Đồng thời góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu bền vững.

Phú Hải - Hồng Vân