Để biển “sống khỏe” hơn mỗi ngày
(QT) - Nhận lời của một người bạn, chúng tôi về Vĩnh Kim, xã ven biển vùng Đông huyện Vĩnh Linh vào một ngày đầu tháng 10. Đúng như bạn tôi chia sẻ, sau khi trở thành xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị về đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2014, cuối tháng 9/2019, Vĩnh Kim tiếp tục là một trong 3 xã đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nên dường như không khí rạo rực, phấn khởi đang lan tỏa khắp cả vùng quê. Trong câu chuyện về những mô hình, cách làm hay, hiệu quả, những ...

Để biển “sống khỏe” hơn mỗi ngày

(QT) - Nhận lời của một người bạn, chúng tôi về Vĩnh Kim, xã ven biển vùng Đông huyện Vĩnh Linh vào một ngày đầu tháng 10. Đúng như bạn tôi chia sẻ, sau khi trở thành xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị về đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2014, cuối tháng 9/2019, Vĩnh Kim tiếp tục là một trong 3 xã đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nên dường như không khí rạo rực, phấn khởi đang lan tỏa khắp cả vùng quê. Trong câu chuyện về những mô hình, cách làm hay, hiệu quả, những điển hình tiêu biểu góp sức tạo nên thành quả NTM, NTM kiểu mẫu của xã Vĩnh Kim hôm nay, mọi người nhắc nhiều đến những nhân vật đặc biệt thầm lặng giúp biển “sống khỏe” hơn mỗi ngày.

Anh Nguyễn Viết Ninh phân loại rác thải tại các bể chứa rác thải ở khu vực Mũi Trèo​

Tốn công, tốn sức không phải vì mưu sinh

Khi bình minh thả những tia nắng đầu tiên của ngày mới xuyên qua từng lớp sóng bạc đầu, trên nền cát trắng dọc theo bãi biển dưới chân Mũi Trèo, xã Vĩnh Kim, đã thấy những dấu chân nối dài. Hướng tầm mắt ra xa, thấy phía trước có 2 người đang di chuyển khá chậm, cần mẫn, tập trung vào công việc của mình, bạn tôi gật đầu xác nhận đó là vợ chồng anh Nguyễn Viết Ninh (SN 1976) và chị Nguyễn Thị Nhân (SN 1980), 2 nhân vật sau nhiều lần nhất định từ chối song được bạn tôi, cũng là bạn “chăn trâu cắt cỏ” thuở nhỏ của anh chị thuyết phục mãi mới đồng ý cho chúng tôi có cuộc gặp gỡ hôm nay. Không muốn cắt ngang công việc, chúng tôi lặng lẽ theo sau vợ chồng anh Ninh. Cứ thế, anh chị đi dọc bãi biển, thu gom tất cả các loại rác thải cho vào những chiếc túi lớn đã được chuẩn bị sẵn. Đối với những loại rác nhỏ, nhẹ thì không tốn quá nhiều thời gian, nhưng nhiều chỗ rác bị vùi vào sâu trong cát hay mắc cạn vào các tảng đá gần bờ, anh chị cẩn thận gỡ ra bằng hết. Sau gần 2 giờ đồng hồ, những túi rác đã được chất đầy, anh chị đưa tất cả về một điểm tập kết rồi phân loại, chúng tôi cùng phụ giúp để có cơ hội trò chuyện.

- Ngày nào anh chị cũng xuống đây thu gom rác thải thế này ạ? Tôi mở đầu câu chuyện.

- Hầu như là vậy, trừ hôm nào mưa bão hay nhà có việc gì bận quá thôi.

- Tại sao anh chị lại quyết định tự nguyện bỏ công sức ra làm sạch bãi biển?

- Cũng không có lí do gì cả. Mình sinh ra, lớn lên từ vùng biển, gắn bó với biển, mỗi ngày đều ra biển, thấy xung quanh có rác, mình chủ động thu gom lại cho sạch sẽ. Lúc đầu chỉ khu vực xung quanh thôi, sau rồi rác nhiều hơn, nhặt xa hơn một chút, đến lúc đi theo dọc bãi biển. Giờ đã thành thói quen không bỏ được. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng tôi dành chút thời gian ra đây dọn sạch rác thải mới bắt đầu làm những công việc khác.

Nói là “chút thời gian, công sức” song thực tế, hằng ngày anh Ninh đều dành khoảng thời gian đầu buổi sáng, từ 4-6 giờ đi dọc bãi biển dài hơn 4 km, âm thầm thu gom, xử lí rác thải làm sạch khu vực bờ biển. Một ngày, hai ngày, cứ thế suốt gần 5 năm nay, hàng vạn bước chân cùng hình ảnh người đàn ông với những chiếc túi lớn cần mẫn thu gom rác từ trên khu vực Mũi Trèo đến dọc bờ biển Vĩnh Kim đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với người dân trong xã.

Vĩnh Kim có diện tích đất tự nhiên trên 1.200 ha, chủ yếu đất đỏ ba dan gò đồi, chỉ có khoảng 60 ha ruộng choi khe. Ngoài trồng cây công nghiệp lâu năm, hoa màu thì với lợi thế có chiều dài bờ biển 4 km, kinh tế biển cũng được địa phương xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại sinh kế, cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân trên tổng số hơn 3.000 dân của xã. Trong tâm khảm những người con quanh năm bám biển như anh Ninh, như lẽ tự nhiên, biển trở thành một phần của cuộc sống không thể tách rời. Không muốn biển bị tổn thương bởi đủ các loại rác thải làm ô nhiễm, thế nên hằng ngày, anh Ninh chẳng ngần ngại đi nhặt từng cành củi khô, ngư lưới cụ trôi dạt đến từng hộp nhựa, túi nilon… với tâm niệm góp phần nhỏ bé bảo vệ, giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên, không khí trong lành của biển.

Trước đây, khi Mũi Trèo chưa được nhiều người biết đến, rác thải ít hơn, chủ yếu rác thải trôi dạt theo các đợt sóng tập kết về bãi biển. Song 3 năm trở lại đây, vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo theo kiểu “núi liền biển” gồm mũi đá lớn vươn ra biển, bao bọc xung quanh một nửa có núi rừng trùng điệp, một nửa có biển xanh bao la nên Mũi Trèo trở thành điểm thu hút du khách khắp nơi đến tham quan. Dịp cuối tuần, các ngày lễ hay bước vào mùa cao điểm du lịch, trung bình mỗi ngày Mũi Trèo đón hàng chục lượt khách. Du lịch phát triển, lượng khách ngày càng lớn tỉ lệ thuận với lượng rác thải cũng ngày một tăng lên, đặc biệt các loại rác khó phân hủy, rác thải nhựa sau những cuộc dã ngoại. Những năm trước khi Mũi Trèo chưa đặt các bể chứa rác thải, công việc của anh Ninh rất vất vả, nhiều công đoạn hơn. Rác được thu gom cho vào các túi rồi đưa về tập trung tại nhiều điểm dọc bãi biển. Sau đó sẽ phân loại, xử lí riêng. Đối với lá cây, thân cây gãy đổ, ngư lưới cụ hỏng sẽ phơi khô rồi đốt.

- Mỗi ngày bình quân anh thu gom được bao nhiêu túi rác lớn thế này ạ? Tôi hỏi.

- Cả khu vực các khoảng trống trong rừng dứa trên Mũi Trèo và dưới bãi biển này tầm 2- 3 túi, có hôm nhiều lên đến 4- 5 túi. Ngoài rác đã xử lí, các loại vỏ lon, chai nhựa, bìa giấy sẽ gom lại cho bà bán ve chai, bà trả được bao nhiêu thì mình dùng số tiền đó đổ xăng xe để tiếp tục cho chặng đường ngày hôm sau.

- Có đủ không ạ? Thấy anh đã cởi mở hơn, tôi tiếp tục hỏi chuyện. Anh Ninh cười: “Sao mà đủ được. Nhưng thiếu thì mình bù vào thôi. Bao nhiêu người còn đóng góp tiền của, hiến đất, hiến cây để mở đường, xây dựng công trình dân sinh, chỉnh trang nông thôn. Mình chỉ góp chút nhỏ bé không có gì đáng nghĩ”.

Niềm vui... ngược đời

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng nô đùa của những đứa trẻ theo cha mẹ xuống biển kéo mẻ lưới giăng từ chiều hôm trước. Trời lúc này đã dần sáng hẳn, không khí cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Nhận “lộc biển” ngày mới, những ngư dân vui vẻ phụ giúp nhau gỡ lưới mang các loại hải sản lên kịp phiên chợ sớm. Anh Ninh bảo những ngày này biển lặng nên bà con tranh thủ thả lưới, ra khơi kiếm thêm thu nhập lo cho lũ trẻ vừa bắt đầu vào năm học mới. “Nếu niềm vui những lần đi biển hay kéo lưới, chỉ mong ra khơi vào lộng cá tôm đầy ắp thì công việc thu gom rác thải này lại khác, càng gom được ít rác bao nhiêu càng mừng bấy nhiêu, chỉ mong đến một ngày nào đó, mình ra về “tay trắng”, thật không gì vui hơn thế!”, anh Ninh trải lòng. Tôi hỏi: “Có lúc nào anh thay đổi suy nghĩ hay có ý định ngưng công việc mình đang làm?”, anh Ninh bộc bạch: “ Có chứ, nhiều lúc cảm thấy việc này chỉ như “muối bỏ biển”. Vào thời điểm Mũi Trèo mới được biết đến, những khi bước ra biển, thấy lượng rác xả bừa bãi ngày càng nhiều cũng thấy nản lắm. Nhưng để mặc vậy không đành, lại bắt tay vào làm. Cứ nghĩ đơn giản công việc này bất kì ai cũng có thể làm. Nhưng bản thân mình là người ở đây, nếu xem đó không phải việc của mình, không quí trọng, không “ giúp biển sống khỏe” thì đối với những người khác làm sao họ biết trân quí biển mà có ý thức giữ gìn môi trường. Và nếu mình không làm bây giờ, câu chuyện rác thải sẽ để đến bao giờ? Và rồi sau mỗi sáng, khi rác thải ở Mũi Trèo, dọc bờ biển đã được dọn sạch, trở về vẹn nguyên vẻ đẹp ban đầu, một mình đứng trước biển, hít một hơi thật sâu là lúc mình thấy vui và hạnh phúc nhất. Cứ vậy lấy đó làm động lực tự nhủ mình phải duy trì công việc này mỗi ngày”.

Hành động cá nhân, tác động cộng đồng

Sự kiên trì, hành động thiết thực vì môi trường biển của anh Nguyễn Viết Ninh không chỉ bảo vệ, giữ gìn màu xanh của biển mà dần dần đã thuyết phục, đánh thức, lan tỏa ý thức sống xanh, tình yêu thiên nhiên đến những người xung quanh. Những năm trước đây, khi cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cái ăn còn chưa đủ, việc làm của anh Ninh bị cho là khác người, “lo chuyện bao đồng” thì nay hoạt động này nhận được sự ủng hộ lớn, trở thành hoạt động chung của các tổ chức đoàn thể địa phương. Ở xã Vĩnh Kim, bảo vệ môi trường trở thành tiêu chí quan trọng khi đánh giá, bình xét thi đua của mỗi gia đình, mỗi khu dân cư. Đặc biệt nhiều bạn trẻ địa phương biết đến công việc của anh Ninh đã thành lập nên các nhóm, đội thanh niên “Chung tay làm sạch biển”, định kì huy động lực lượng, phương tiện, phân chia khu vực tổ chức các đợt ra quân làm sạch môi trường; xây dựng các mô hình “Bể thu gom rác thải”; “Hạn chế sử dụng túi nilon”; hưởng ứng hiệu quả phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức giúp ngư dân, khách du lịch nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi đối với công tác bảo vệ môi trường, hình thành thói quen thu gom rác thải cho vào bể chứa theo qui định. Từ đó quang cảnh khu vực Mũi Trèo, bãi biển, ngay cả những con đường, các khu dân cư tại xã Vĩnh Kim đã giảm hẳn tình trạng rác bừa bãi, ngày càng trở nên sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần quan trọng hoàn thành, giữ vững cũng như nâng cao chất lượng tiêu chí môi trườngmột trong những tiêu chí khó trong xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Nguyễn Viết Túc cho biết: “Đối với các địa phương ven biển, có điểm du lịch mới như Vĩnh Kim, yếu tố môi trường được chính quyền quan tâm đặc biệt. Tháng 3/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt qui hoạch phát triển du lịch ở Mũi Trèo, định hướng phát triển Mũi Trèo thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí biển. Để khai thác, phát huy thế mạnh du lịch Mũi Trèo, du lịch biển-ưu đãi mà thiên nhiên đã ban tặng hướng đến thúc đẩy kinh tế- xã hội tăng trưởng, xã Vĩnh Kim xác định phải gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên một cách bền vững. Muốn vậy, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, rất cần sự chung tay, góp sức của người dân, đặc biệt những cá nhân với việc làm thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ như anh Nguyễn Viết Ninh.”

Chia tay vùng quê Vĩnh Kim thanh bình, trong tôi vẫn vang vọng tiếng sóng vỗ, hình ảnh những con thuyền, biển xanh, cát trắng, nắng vàng và những con người thật nhỏ bé trước biển nhưng đang từng ngày, từng giờ thầm lặng ra sức bảo vệ môi trường sinh thái biển. Bất giác tôi nhớ đến câu nói đã được đọc ở đâu đó rằng: Môi trường là nơi chúng ta gặp nhau, nơi đem lại lợi ích cho mọi người, điều mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Vì vậy chẳng phải mỗi người chúng ta nên thay đổi thái độ và chú ý hơn đến từng hành động đang hằng ngày tác động trực tiếp đến môi trường? Mọi sự thay đổi lớn đều bắt nguồn từ những việc làm nhỏ hữu ích. Chỉ cần mỗi cá nhân xây dựng ý thức, thay đổi hành vi đối với môi trường sẽ góp phần tạo nên những đổi thay kì diệu!

Nguyễn Trang