Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 3- Quốc hội khóa XIV: Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)
(QT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3- Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 30/5/2017, Tổ đại biểu số 15 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Tuyên Quang và Sơn La tiếp tục thảo luận tổ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 3- Quốc hội khóa XIV: Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)

(QT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3- Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 30/5/2017, Tổ đại biểu số 15 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Tuyên Quang và Sơn La tiếp tục thảo luận tổ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: NTL

Tại buổi thảo luận, có 12 đại biểu phát biểu ý kiến, xoay quanh các vấn đề như: Thẩm quyền giải quyết tố cáo (từ Điều 14 đến Điều 17); hình thức tố cáo; quyền và nghĩa vụ người tố cáo, tố cáo nặc danh; bảo vệ người tố cáo (từ Điều 40 đến Điều 50); trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác giải quyết tố cáo.

Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị bày tỏ quan điểm đồng tình của mình về quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo. Tuy nhiên, dự thảo luật cần tính đến đối với những trường hợp người tố cáo có đầy đủ chứng cứ, tố cáo đúng sự thật nhưng vì một lí do nào đó không tiết lộ danh tính, nếu quy định cứng nhắc sẽ không tiếp nhận được thông tin nhiều chiều. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế theo hướng mở về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo, tại Điều 54 chỉ quy định trách nhiệm giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận là chưa đầy đủ, ý kiến đại biểu đề nghị nên thiết kế thành một chương quy định giám sát của cơ quan dân cử về công tác giải quyết tố cáo. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, sự phối hợp các cơ quan giải quyết tố cáo với Kiểm tra đảng, Thanh tra nhà nước, Viện Kiểm sát, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cùng tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo luật này, đại biểu Hồ Thị Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa đề nghị ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại…để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm. Về thời hạn giải quyết tố cáo, đề nghị nên quy định cụ thể là ngày làm việc, không tính ngày nghỉ để đảm bảo về mặt thời hạn giải quyết tố cáo.

Về bảo vệ người tố cáo, ý kiến đại biểu đồng tình với dự thảo luật sửa đổi lần này có nhiều quy định bổ sung về bảo vệ người tố cáo; khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các quy định tại Điều 40 trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về việc các biện pháp bảo vệ người tố cáo còn chồng chéo, đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể để thuận lợi khi vận hành pháp luật trong thực tiễn cuộc sống.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi tố cáo sai sự thật tại Điều 9 quyền và nghĩa vụ người tố cáo gắn với Điều 21 về quy định ”rút tố cáo” tránh trường hợp người tố cáo sai sự thật lợi dụng quy định ”rút tố cáo” để trốn tránh bị xử lý theo pháp luật.

Nguyễn Thị Lý