Hồi sinh cây thanh trà Thượng Phước
(QT) - Trải qua nhiều thăng trầm, cây thanh trà nức tiếng ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có lúc tưởng chừng bị quên lãng. Nhưng với ý thức bảo tồn loài cây quý và có giá trị kinh tế cao của quê mình, nhiều năm trở lại đây người dân địa phương đã từng bước khôi phục, phát triển và giành lại vị thế của loài cây mà cha ông họ đã một đời gắn bó. Thăng trầm “một đời cây” Ở Quảng Trị có thể nhiều người biết về vùng chuyên canh cam trên vùng đồi K4 ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã khá nổi tiếng. Nhưng rất ít người biết rằng, cũng chỉ cách đó về phía bắc sông Thạch Hãn chừng chưa đến 10 cây số theo đường chim bay cũng có một vùng trồng thanh trà nức tiếng không kém từ xưa. Đó là thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Theo Quốc lộ 1A đi về phía tây khoảng 7 km, thôn Thượng Phước hiện ra với màu xanh đặc trưng của vùng gò đồi trù phú, phong nẫm. Nơi đây, ngoài các mô hình gia trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp kết hợp trồng rừng kinh tế thì còn được biết đến là “thủ phủ” của cây thanh trà. Ông Nguyễn Hòa, 62 tuổi, một trong những lão nông tri điền và là người tiên phong khôi phục, góp phần hồi sinh cho cây thanh trà ở Thượng Phước, trở nên sôi nổi khi nghe chúng tôi hỏi chuyện cây thanh trà.
 |
Chăm sóc vườn thanh trà |
Ông kể trong chiến tranh, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, làng quê Thượng Phước, vốn chỉ cách Thành Cổ Quảng Trị vài ki lô mét cũng đã phải hứng chịu sự tàn phá vô cùng khốc liệt. Đạn bom đã tàn phá làng xóm tan hoang, hầu như san phẳng tất cả. Rất nhiều ngôi nhà, vườn cây, trong đó các vườn cây thanh trà quý ở Thượng Phước hầu hết đã bị bom đạn cày xới xơ xác. Sau ngày quê hương giải phóng, gia đình ông và nhiều dân làng bắt đầu trở về quê. Thời điểm này, phong trào khai hoang phục hóa để khôi phục sản xuất diễn ra rầm rộ. Ông cũng như dân làng hăng hái tham gia cải tạo đồng ruộng, khai hoang vườn đồi để xây dựng cuộc sống mới. Đến năm 1978, ông chứng kiến có một số cây thanh trà tưởng chừng đã bị chết do bom đạn tàn phá của một hộ dân trong làng bỗng nhiên đâm chồ i vươn lên. Ông vui lắm. “Tôi vốn rất đam mê làm vườn. Và cây thanh trà có từ thời tổ tiên truyền lại có sức hút đối với tôi. Bởi vậy khi nhìn thấy một số cây thanh trà vẫn sống sót qua bom đạn, tôi mừng đến ứa nước mắt và quyết tâm phải khôi phục cho được giống cây quý này”, ông Hòa nhớ lại. Một thời gian sau, ông tìm tới gia đình đó xin chiết và mua được 2 cành. Một gia đình thân thiết cho thêm 1 cành nữa. Từ 3 cành thanh trà hiếm hoi đó, ông tỉ mẩn trồng, chăm sóc và gửi gắm niềm tin rằng cây thanh trà sẽ lên xanh trở lại trên quê hương mình. Nhiều năm sau, những cành giống ít ỏi đó đã vươn lên và cho quả dưới bàn tay chăm sóc chu đáo của ông. Những quả thanh trà đầu tiên sau ngày hòa bình thật sự mang đến cho ông nhiều cảm xúc. “Giống thanh trà này tôi đã thấy trong vườn nhà từ thời còn tấm bé. Những bậc cao niên hồi đó luôn dạy rằng đây là giống cây quý của quê hương nên các thế hệ sau này cố công mà gìn giữ. Bởi vậy, được thử thách qua thời gian, qua bom đạn chiến tranh, nhưng cây thanh trà vẫn tồn tại mãnh liệt, rồi kết trái ngon ngọt khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, xoa xoa vào chùm thanh trà lúc lỉu trong vườn xanh mướt của mình, ông Hòa xúc động nói. Cũng từ đó, mảnh vườn khoảng 5.000 m 2 của gia đình đã được ông cải tạo và trồng gần 50 gốc thanh trà vừa làm kinh tế vừa để giúp nguồn giống cho bà con. Thập niên 90 của thế kỷ trước cũng là thời kỳ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của cây thanh trà ở Thượng Phước. Từ vườn ông Hòa và một số vườn có quy mô lớn khác, những cành thanh trà được bà con chuyền tay san sẻ với nhau để cùng hồi sinh vùng thanh trà nức tiếng một thời. Cây thanh trà Thượng Phước có lúc thăng, lúc trầm do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nhưng chưa bao giờ người dân nơi đây có ý định từ bỏ. Đến nay, trong tổng số khoảng 200 hộ của toàn thôn thì đã có đến hơn 90% số hộ trồng thanh trà. Hộ ít lắm cũng trồng chục gốc trong vườn, còn đa phần các hộ trồng từ 20-50 gốc. Mùa đơm hoa, đi qua làng Thượng Phước sẽ dễ dàng nhận ra mùi thơm dịu nhẹ, thanh tao đặc trưng của loài cây dân dã này… Cần xây dựng thương hiệu cho thanh trà Thượng Phước Bà Bùi Thị Điền, 70 tuổi dẫn chúng tôi đi quanh một vòng vườn thanh trà chừng 40 gốc của gia đình và bảo rằng cũng nhờ loài cây này mà gia đình bà cũng như nhiều gia đình khác bước qua nhiều thời điểm khó khăn. “Có lẽ ông trời đã ban giống thanh trà đặc ân này cho dân làng Thượng Phước. Bởi lẽ, chỉ vùng đất này cây thanh trà mới hội tụ được tất cả những gì tinh túy nhất. Đó là quả to đều, da xanh mướt, ruột trắng ngần, thơm ngon, ngọt thanh, mọng nước… Mang cây đi nhiều nơi khác, kể cả làng giáp bên dù cây cũng ra quả bình thường nhưng lại bị chua đắng. Cũng không hiểu sao lại như vậy. Dù gì đi nữa thì cây thanh trà đã từ lâu là loài cây sâu nặng ân tình với người dân quê tôi”, bà Điền nói xen lẫn niềm tự hào. Còn ông Hòa, với hiểu biết cũng như sự kỳ công tìm hiểu và gắn bó gần trọn đời mình với cây thanh trà thì cho rằng: “Có lẽ do điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt ở đây là đất sét thịt đặc trưng với hàm lượng sắt cao nên cây thanh trà mới thích nghi và cho quả ngon ngọ t được như vậy”. Những năm gần đây, thanh trà Thượng Phước đã được ít nhiều khách hàng trong tỉnh biết đến và dần ưa chuộng. Bình quân mỗi sào khoảng 40 gốc như của gia đình bà Điền cũng cho thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/năm. Ở Thượng Phước thì vườn thanh trà của ông Hòa được đánh giá là đẹp, năng suất, sản lượng, chất lượng và quả to đều vượt trội hơn cả. “Tôi chăm kỹ lắm, lại nắm rõ tính nết của loại cây này nên vườn cây cho hiệu quả khá cao. Những vụ được mùa, mỗi cây cho vài tạ quả là bình thường. Vườn tôi ngoài cây thanh trà là chủ yếu, tôi còn trồng xen canh thêm nhiều loại cây như thanh long ruột trắng, chanh, ổi, bưởi, vả… nên có thu nhập đều. Bình quân mỗi năm từ khu vườn này ít nhất cũng thu được trên 50 triệu đồng, trong đó thanh trà thường chiếm khoảng 50% thu nhập”, ông Hòa nói thêm. Hiện đầu ra của thanh trà ở Thượng Phước rất ổn định. Hầu như vào mùa thu hoạch (bắt đầu từ khoảng tháng 7 âm lịch) là các thương lái đã đặt mua gần hết các vườn thanh trà trong thôn với giá thu mua bình quân 10.000 đồng/ quả. Bà Điền cho biết thêm, vào các dịp như ngày rằm, mùng một… thì giá thanh trà có khi lên đến 20-30.000 đồng/quả nhưng cũng đủ bán. Có thu nhập từ thanh trà, đầu ra rất thuận lợi nên bà con rất phấn chấn. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Xuân Đông, trưởng thôn Thượng Phước cho rằng: “Cây thanh trà ở Thượng Phước nổi tiếng từ xưa, nhưng trải thời gian dài bị sự tàn phá của chiến tranh nên hiện nay vẫn ít người biết đến. Hoặc cũng có thể nhiều người đã dùng quả thanh trà đó nhưng chẳng biết nguồn gốc ở đâu. Dân làng có thu nhập ổn định là điều đáng mừng, nhưng hơn hết họ mong muốn được các cấp, ngành quan tâm nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho thanh trà Thượng Phước càng sớm càng tốt. Việc làm đó nhằm lấy lại vị thế, khẳng định thương hiệu cũng như nâng cao giá trị của loại cây trồng chủ lực, truyền thống trên vùng quê cách mạng này”. Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT