Vang mãi khúc dân ca
(QT) - Với những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, Liên hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh Quảng Trị năm 2015 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Thành công lớn nhất mà liên hoan mang lại chính là bằng tình yêu sâu đậm với dân ca, đoàn nghệ thuật quần chúng các địa phương đã khẳng định được một cách rõ nét sức sống mãnh liệt của những làn điệu dân ca truyền thống. Dân ca là một loại hình nghệ thuật có giá trị sâu sắc đối với tâm hồn, tình cảm, cuộc sống con người Việt Nam từ khi ...

Vang mãi khúc dân ca

(QT) - Với những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, Liên hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh Quảng Trị năm 2015 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Thành công lớn nhất mà liên hoan mang lại chính là bằng tình yêu sâu đậm với dân ca, đoàn nghệ thuật quần chúng các địa phương đã khẳng định được một cách rõ nét sức sống mãnh liệt của những làn điệu dân ca truyền thống. Dân ca là một loại hình nghệ thuật có giá trị sâu sắc đối với tâm hồn, tình cảm, cuộc sống con người Việt Nam từ khi còn thơ ấu. Cùng với thời gian, dân ca Bình- Trị- Thiên và dân ca các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô Quảng Trị bao đời nay đã song hành trong đời sống của người dân lao động. Đó là bầu sữa ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ, là nguồn lực tinh thần to lớn giúp người dân nơi đây vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, khi đất nước tham gia vào quá trình hội nhập và phát triển, cùng với những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhiều loại hình văn hóa không lành mạnh cũng du nhập vào nước ta. Đặc biệt, thế giới âm nhạc đã trở nên hiện đại, đa âm, đa sắc hơn, từ đó làm cho dòng nhạc dân gian, nhất là những làn điệu dân ca của dân tộc dần bị mai một, lãng quên. Nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy những loại hình âm nhạc dân gian, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và sức sáng tạo nghệ thuật trong cộng đồng, đồng thời khơi dậy tình yêu dân ca và khám phá các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị, Liên hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh năm 2015 là nơi hội tụ sinh động những nét đặc trưng, giá trị văn hóa tiêu biểu của các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Với 30 tiết mục dự thi, liên hoan đã đem đến cho khán giả những làn điệu dân ca mang đậm dấu ấn của mảnh đất và con người Quảng Trị. Đặc biệt, với khả năng hát ru, hò đối đáp, hát các làn điệu dân ca..., các thí sinh đã thổi vào mỗi tiết mục dự thi một tình yêu dân ca mãnh liệt. Suốt trong 2 ngày diễn ra liên hoan, từ tiết mục đầu tiên đến tiết mục cuối cùng, tuy mỗi đội có kết cấu chương trình khác nhau nhưng nhìn chung đều làm toát lên được nét đặc trưng của những làn điệu dân ca quê nhà. Đến tham dự liên hoan, đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Hướng Hóa mang đến nhiều tiết mục dân ca của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đặc sắc ca ngợi tình yêu đôi lứa, bản làng đổi mới... được BTC đánh giá cao. Nghệ nhân Ăm Khưn cho biết: “Các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác bằng những câu hát đong đầy ý nghĩa và cảm xúc, với ngôn từ mềm mại, khéo léo và tinh tế. Cùng với thời gian, bên cạnh những làn điệu truyền thống như ca lơi, cha chấp, oát, xa nớt..., còn có lối hát tự do, ngẫu hứng thể hiện sự đáng yêu, lãng mạn và duyên dáng, hát để thay lời tâm sự, thay cho cái tình của người Vân Kiều, Pa Kô. Do vậy, hát dân ca không chỉ là một nghệ thuật mà còn là văn hóa, là cách ứng xử của dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị. Tuy nhiên, những làn điệu dân ca chủ yếu hát trong phạm vi bản làng, hay những ngày hội truyền thống của địa phương. Nhờ việc tổ chức liên hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh mà các làn điệu dân ca của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã đến với nhiều khán giả trong tỉnh. Đây cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”. Theo đánh giá của BTC, đến tham dự liên hoan lần này nhiều đoàn đã đem đến những tiết mục thực sự xuất sắc, từ nội dung kịch bản đến chất giọng, diễn xuất, nhạc công và cách dàn dựng chương trình. Đặc biệt, một số tiết mục đã được nghiên cứu, đầu tư, phát huy được giá trị dân ca cổ để đặt lời mới, được diễn viên diễn xuất rất có hồn và chân thật. Có tiết mục lại mang âm hưởng trẻ trung, tươi mới trên nền nhạc dân ca giàu cảm xúc, nội dung mang tính thời sự đã đem đến cho khán giả những cảm xúc mới rất thú vị. Thông qua các tiết mục này cũng cho thấy các nghệ nhân, diễn viên quần chúng thể hiện tốt và chính xác các làn điệu dân ca. Đặc biệt là những nghệ nhân trẻ tuổi đã nắm bắt, thể hiện tốt về kỹ năng và cách thức hát các làn điệu dân ca địa phương, để lại ấn tượng sâu sắc với người xem. Có nhiều đoàn nghệ thuật quần chúng có sự tham gia của 3-4 thế hệ, từ các nghệ nhân lớn tuổi đến các cháu thiếu nhi, qua đó cho thấy sức sống bền sâu của dân ca, có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Từng điệu hò, câu ví đều được họ trình diễn một cách linh hoạt, hóm hỉnh, thông minh, làm bật lên được sự mộc mạc, dân dã mà không kém phần tinh tế của các làn điệu dân ca Bình- Trị- Thiên và dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị. Bên cạnh chất lượng của các tiết mục dự liên hoan, để góp phần tạo nên thành công của liên hoan phải kể đến sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Tuy lượng khán giả đến cổ vũ cho chương trình còn hạn chế nhưng điều chúng tôi ghi nhận được qua liên hoan lần này chính là sự xuất hiện của nhiều khán giả trẻ. Nhiều người đã theo dõi rất chăm chú và thỉnh thoảng còn hát theo các làn điệu dân ca mà các đội thể hiện. Em Nguyễn Thị Hằng, một khán giả trẻ ở thành phố Đông Hà cho biết: “ Những liên hoan như thế này rất cần được duy trì và nhân rộng để ngày càng có thêm nhiều người biết, yêu mến và tự hào với các làn điệu dân ca, một tài sản tinh thần quý giá mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhưng Liên hoan đàn và hát dân ca năm 2015 thực sự là một ngày hội có ý nghĩa, góp phần đánh thức trong tâm hồn mỗi người về giá trị to lớn của kho tàng nghệ thuật văn hóa dân gian đầy tính nhân văn của dân tộc. Góp phần thiết thực vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các làn điệu dân ca, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Hy vọng rằng, từ liên hoan lần này, các đoàn nghệ thuật quần chúng sẽ phát huy vai trò nòng cốt, tiếp tục xây dựng phong trào đàn và hát dân ca tại địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới. THANH LÊ