Hậu quả từ việc tin vào “ngoại cảm”
(QT) - Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt nên hàng năm, lượng người đổ về đây tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất đông. Do bảo mật thông tin trong chiến tranh nên trong các giấy báo tử gửi về gia đình chỉ ghi danh tính, quê quán, ngày nhập ngũ, địa bàn hi sinh của liệt sĩ khiến việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất khó khăn. Các gia đình được đồng đội hoặc cơ sở cách mạng chôn cất liệt sĩ cung cấp thông tin cụ thể thì việc quy tập sẽ diễn ra thuận lợi, chính xác. Một số gia đình do thiếu thông tin ...

Hậu quả từ việc tin vào “ngoại cảm”

(QT) - Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt nên hàng năm, lượng người đổ về đây tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất đông. Do bảo mật thông tin trong chiến tranh nên trong các giấy báo tử gửi về gia đình chỉ ghi danh tính, quê quán, ngày nhập ngũ, địa bàn hi sinh của liệt sĩ khiến việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất khó khăn. Các gia đình được đồng đội hoặc cơ sở cách mạng chôn cất liệt sĩ cung cấp thông tin cụ thể thì việc quy tập sẽ diễn ra thuận lợi, chính xác. Một số gia đình do thiếu thông tin tin cậy đành phải nhờ vào các nhà ngoại cảm để rồi có lúc lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Câu chuyện bốc nhầm mộ của gia đình anh Hoàng Văn Tùng (SN 1984, trú tại Tân An, Tân Kỳ, Nghệ An) là một ví dụ. Tại cơ quan điều tra Công an huyện Gio Linh, sau sự việc anh Tùng là cháu gọi liệt sĩ H.V.V. bằng bác ruột cùng gia đình bốc nhầm mộ của một gia đình khác ở huyện Gio Linh mang về quê an táng bị vở lỡ, anh cho biết: “Bác tôi là H.V.V, sinh năm 1945, hy sinh tại mặt trận phía nam năm 1967, gia đình nhiều lần tìm kiếm vẫn chưa thấy được hài cốt nên tìm đến một cơ sở “ngoại cảm” ở thị trấn Nam Đàn, Nghệ An nhờ giúp đỡ. Tại đây, khi cơ sở này làm một số thủ tục cúng bái, gọi hồn thì Hoàng Thị Thu (SN 1987) là em ruột của tôi bỗng dưng thay đổi sắc mặt, lời nói biểu hiện khác thường. Gia đình chúng tôi nghĩ liệt sĩ đã nhập hồn vào để chỉ đường và địa điểm hy sinh. Thế là gia đình chúng tôi quyết định nghe theo lời chỉ dẫn của “hồn” và các hướng dẫn của cơ sở ngoại cảm này, đi vào Quảng Trị để tìm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Đến gần 10 giờ ngày 6/6/2011, Thu vẫn trong trạng thái lơ mơ, mắt khép hờ, tìm đến nghĩa địa Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh rồi nằm lên một phần mộ và khóc ngất. Tại đây, “hồn” bảo là “nhà” của liệt sĩ H.V.V. Khi cất bốc phần mộ này, chúng tôi phát hiện quan tài chưa phân hủy hết, bên trong có bộ áo vest, gói thuốc lá và bật lửa. Mặc dù vậy, vì quá mê tín nên gia đình chúng tôi đưa hài cốt về quê an táng và cứ nghĩ đó là hài cốt của người thân mình” . Gia đình anh V. (anh V. yêu cầu không đưa danh tính) quê quán thôn Võ Xá, xã Trung Sơn, hiện trú tại thị xã Quảng Trị, kể lại: “Ngày 8/6/2011, tôi và gia đình vô cùng hoang mang khi biết phần mộ của ba tôi chôn cất ở nghĩa địa Võ Xá đã bị đào và lấy mất hài cốt. Ba tôi mất năm 1998, hưởng dương 48 tuổi và được đưa về quê nhà an táng. Nay gia đình tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh qua chụp ảnh và quay phim về quá trình tổ chức đám tang và chôn cất ba của mình. Ngay khi nghe hung tin, tôi và gia đình đã nhanh chóng đến trình báo sự việc với Công an huyện Gio Linh”. Thượng tá Lê Phương Nam, Phó trưởng Công an huyện Gio Linh cho biết: “Công an huyện đã khẩn trương xác minh thông tin, điều tra vụ việc. Đến ngày 9/6/2011, qua điều tra biết được phần mộ của ba anh V. được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ xã Tân An, Tân Kỳ, Nghệ An. Điều xót xa là gia đình thực hiện an táng cứ nghĩ đó là hài cốt của người thân”. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Tùng và gia đình hối hận vì mê tín mù quáng và đã tùy tiện làm một việc trái với đạo lý. Sau khi nghe sự việc, anh V. và người trong gia đình xúc động cho biết: “Gia đình chúng tôi rất bức xúc trước sự việc này, song thấu hiểu nỗi khát khao của người thân qua bao năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nên chúng tôi rất thông cảm với nỗi đau của gia đình. Cầu mong cho gia đình anh Tùng sẽ sớm tìm được hài cốt của liệt sĩ H.V.V”. Qua sự việc, Thượng tá Lê Phương Nam cảnh báo: “Đây là bài học cho những ai tin vào mê tín dị đoan. Việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ rất cần có các thông tin chính xác, khoa học, đặc biệt là các thông tin có độ tin cậy cao từ đồng đội của liệt sĩ, hay cơ sở cách mạng nơi liệt sĩ hy sinh”. MINH TUẤN- NGỌC UYÊN