Tuyển tập của yêu thương và khát vọng
(Vài cảm nhận nhân đọc tuyển tập thơ- văn chọn lọc "Cam Lộ- khát vọng yêu thương") Có nơi nào như Cam Lộ quê tôi, từ phía biển Đông lên hướng Tây, cắt ngang con đường thiên lý Bắc- Nam là đã chạm vào miền đất sương ngọt với một dãi đồng bằng lúa má hút tắp chân mây. Rồi tiếp vùng bán sơn địa, nơi phần choãi ra tận cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, rồi đất phù sa miên man dọc đôi bờ sông Hiếu, rồi đất đỏ ấm cúng cả một bình nguyên trù phú, rồi núi đồi, rồi tiêu cay, chè thơm, mít ngào, những vườn ...

Tuyển tập của yêu thương và khát vọng

(Vài cảm nhận nhân đọc tuyển tập thơ- văn chọn lọc "Cam Lộ- khát vọng yêu thương")Có nơi nào như Cam Lộ quê tôi, từ phía biển Đông lên hướng Tây, cắt ngang con đường thiên lý Bắc- Nam là đã chạm vào miền đất sương ngọt với một dãi đồng bằng lúa má hút tắp chân mây. Rồi tiếp vùng bán sơn địa, nơi phần choãi ra tận cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, rồi đất phù sa miên man dọc đôi bờ sông Hiếu, rồi đất đỏ ấm cúng cả một bình nguyên trù phú, rồi núi đồi, rồi tiêu cay, chè thơm, mít ngào, những vườn mỏi quả sum vầy với người người mộc mạc, hiền lành. Rồi thành Tân Sở, vùng Cùa, nơi Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết và Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường chủ trương xây dựng từ năm 1883 thành một "kinh đô dự phòng" để di đô khi Huế lâm nguy trước mưu toan thôn tính của giặc Pháp. Rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn quê tôi làm thủ phủ trong những thời khắc mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trên đà thắng lợi cuối cùng... Một miền đất vang danh trong cả hàng nghìn trang sách mà tôi đã đọc, tất cả dường như đã trở thành ruột rà, thân thiết, là hương hỏa của cả một thế hệ con dân Cam Lộ, vậy mà khi cầm trên tay tuyển tập thơ- văn chọn lọc có tựa đề rất thiệt thà và khiêm nhường "Cam Lộ- khát vọng yêu thương", tôi vẫn thấy bồi hồi... "Cam Lộ- khát vọng yêu thương" là nơi các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, bạn văn, bạn viết trong tỉnh, trong nước trao đổi, ghi nhận, gửi gắm, chia sẻ... với đất và người quê tôi trong chặng đường gian lao mà anh dũng đã qua, dự phóng những bước đường đi tới mai sau với nhiều kỳ vọng, nhiều trăn trở. Đó có thể là cái nhìn đa diện hơn, sâu sắc hơn về những địa danh đã làm nên thế đứng vững chãi của đất này qua sự nghiên cứu dày công của các tác giả Hồ Sĩ Vịnh, Đỗ Bang, Lê Diệu Muội, Y Thi, Vân Trọng Nguyên...về di tích lịch sử cách mạng nhà Tằm-Tân Tường, kinh đô Tân Sở, về tinh, khí, thần của một vùng văn hóa địa linh, về nhà cách mạng Lê Thế Tiết, người con gốc Triệu Phong chọn Cam Lộ là quê hương thứ hai, gắn bó với vùng rừng núi Thiện Thiên trong những năm tháng họat động cách mạng sôi nổi, hào khí ngất trời. Đó là mảnh làng Cam Lộ nhỏ nhoi găm giữ trong ký ức trong ngần của các tác giả Nguyễn Thanh Ngãi, Thái Tăng Ly. Làng xóm thân gần qua biết bao nhiêu biến động của thời cuộc vẫn giữ được cốt cách can trường, nhân nghĩa với rất nhiều trân trọng, rất nhiều nhắc nhở... Mảnh đất ấy suốt một thời chiến tranh chống Mỹ cũng đã hiện lên trong tập sách với những mẫu ký ức bi tráng và đằm thắm được lẫy ra lấy từ chính cuộc sống và chiến đấu gian khổ của nhà văn mang áo lính Xuân Đức, của tác giả Đức Tiên, qua lời kể mộc mạc của người nông dân từng được phong là một trong những "hùm xám" trên đường số 9 năm xưa ấy... Rồi ra, trên ba thập kỷ hòa bình ngự trị ở đất này, nhà báo Lê Đức Dục, một con dân Cam Lộ chính hiệu đã làm một công việc tỷ mẫn là gợi một cách dung dị những đổi thay từ trong ngóc ngách đời thường, có khi chỉ là cảm nhận sự khoan hòa "ăn một bữa cơm thanh bần mà hạnh phúc trước hiên nhà có trăng lên giữa trời..." và tiếp theo là những dự cảm yêu thương :"Quê nhà nay đang hiện ra với hình hài một đô thị nhỏ, tươi tắn và bình an trên hành lang xuyên Á của con đường 9 nối từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương..." Cam Lộ trong cuộc sống hôm nay còn có những con người như ông Đào Văn Lưu tự tin bước vào trong trang viết của Nguyễn Ngọc Chiến. "Ông vua rừng" này đã cầm mẫn khai phá đất đai ngay trên vùng chiến địa Tân Lâm, Đầu Mầu, điểm cao 241 năm xưa để trồng lên hai trăm héc ta rừng, tám héc ta cao su, ba héc ta với trên sáu trăm gốc nhãn, chín héc ta cây dầu sở, rồi chuồng nuôi lợn gà, ao cá... Rồi những con người như chị Nguyễn Thị Kiều Oanh với mô hình trang trại tổng hợp góp vào doanh thu bình quân của doanh nghiệp mang tên Tân Thành mỗi năm xấp xĩ 3 tỷ đồng. "Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ" trong thơ Chế Lan Viên đã trở thành quá vãng, Cam Lộ đang vươn lên từ những nỗ lực và niềm hy vọng của từng con người suốt một đời gắn bó máu thịt với quê hương, những con người có "lấp lánh ánh cười trong biêng biếc màu xanh" đằm thắm ở ghi chép "Tạ ơn vùng đất" của cây bút nữ Thùy Liên. Chiến tranh đi qua đã lâu lắm rồi, nhưng hậu quả của nó vẫn đang còn hiển hiện trong những nếp nhà và phận người nơi vùng Cùa, đã được phản ánh và chia sẻ qua "Những niềm đau khuất lấp" của nhà báo Nguyễn Hoàn với những dòng mong mỏi:"Mong sao Ủy ban 10-80 ưu ái đền bù cho một miền quê chịu nhiều mất mát đau thương thời chiến như Quảng Trị được có thêm nhưng cơ hội băng bó nhiều vết thương màu da cam còn lẫn quất đâu đây...". Cũng tại vùng Cùa, nhà thơ Võ Văn Luyến, qua "Sự minh triết trong thành Tân Sở" đã buông những câu thơ hào sảng, lạ so với tạng thơ anh từ bấy đến nay và nhóm lên một niềm hy vọng thật đẹp. Thân đế vương có tan trong ngọn lửa thiêu Châu báu ngọc ngà có thành đá rữa Nhưng nụ cười phải vang lên sau từng ngõ nhỏ Ta sẽ dựng lại yêu thương trên cây thanh bình... Cũng đất ấy, người ấy, trong "Chiều quê", Nguyễn Hữu Quý rất gợi: Nắng tan, đậm dần màu khói Bữa chiều thơm thảo nhà quê Trăng lên ngõ vàng em gọi Mới hay chiều đã sang rằm "Cam Lộ- khát vọng yêu thương", một tập sách đầy đặn vì qua từng con chữ, từng nốt nhạc, từng vần thơ, từng bức ảnh... có thể cảm nhận được hết những chất chứa không biết bao nhiêu tình cảm sâu nặng các văn nghệ sĩ, bạn làm thơ, viết văn, viết nhạc, nhiếp ảnh ở trong nước và ở Quảng Trị dồn tụ, ký thác, gửi gắm cho quê hương Cam Lộ, vì quê hương Cam Lộ. Và như một điều không thể khác, mảnh đất luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng yêu thương như quê tôi- Cam Lộ, chắc chắn và nhất định sẽ là một mảnh đất mãi mãi yên lành, nhân hậu, cẩm tú, mạnh giàu... Đào Tâm Thanh