Sự học dưới chân đèo Sa Mù
(QT) - Được tách ra từ Trường PTCS Hướng Lập từ năm 2004 với bộn bề khó khăn, thế nhưng chỉ sau hơn 6 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Trường PTCS Hướng Việt đã trở thành một trong những điểm sáng về công tác dạy và học của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Nép mình dưới chân đèo Sa Mù hùng vĩ, Trường PTCS Hướng Việt hiện ra mờ mờ trong sương trắng. Muốn đến được với Trường PTCS Hướng Việt chỉ có con đường duy nhất là ngược đường mòn Hồ Chí Minh nhánh tây theo hướng đi Quảng Bình. Chúng tôi vượt đèo Sa Mù đến xã Hướng Việt vào những ngày đầu mùa hè nắng gắt.
 |
Giờ đọc báo ở thư viện của học sinh trường PTCS Hướng Việt. |
Gặp chúng tôi, thầy Hồ Xuân Giã, Hiệu trưởng Trường PTCS Hướng Việt vui vẻ nói: “Các anh đến thăm trường chúng tôi như thế này bất ngờ quá. Ở đây trời lạnh quanh năm, mùa nắng còn đỡ hơn chứ mùa mưa thì lạnh lắm. Lâu lâu mới có người ghé thăm trường”. Vừa pha trà mời chúng tôi, thầy Giã vừa thao tác bên chiếc máy tính xách tay. Thầy Giã cho biết mình đang thiết kế chương trình trình diễn bằng hình ảnh tổng quan về hoạt động của trường. Theo thầy Giã, những hình ảnh này sẽ giúp các em học sinh tìm hiểu và tự hào về những thành tích đã đạt được của nhà trường, qua đó thôi thúc các em cố gắng trong học tập. Thầy còn cho biết thêm: “Lúc mới về nhận công tác tại trường, mọi thiết bị hỗ trợ cho việc dạy và học còn rất thiếu nên tôi đã tự bỏ tiền túi ra mua máy tính, tăng âm, loa máy, micro… để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học”. Là người khá am hiểu về máy tính, thiết kế đồ họa nên thầy Giã phụ trách luôn việc thiết kế, lên kế hoạch hoạt động, sắp xếp lịch dạy học cho giáo viên trong trường. Công việc vì thế nhẹ nhàng hơn, dành thời gian tập trung cho các công việc khác. So với thời gian trước thì bây giờ nền nếp, mọi công việc của nhà trường đều được sắp xếp quy cũ và khoa học hơn nhiều”, thầy Giã vui vẻ cho biết. Dẫn chúng tôi một vòng quanh khuôn viên trường, thầy Giã giới thiệu về những thành quả đạt được của thầy và trò nhà trường trong những năm qua. Trong khuôn viên trường bây giờ đã có đầy đủ bồn hoa, ghế đá, sân thể dục thể thao, phòng thí nghiệm, thư viện với rất nhiều đầu sách bổ ích và tường rào khá quy mô. Khó mà tưởng tượng đây là ngôi trường ở một xã vùng giáp biên vốn còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Như đoán được ý nghĩ của chúng tôi, thầy hiệu trưởng giải thích: “Thời gian đầu mới tiếp nhận trường, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, các em học sinh thì đến trường không đầy đủ, giáo viên vừa dạy vừa vận động học sinh rất gian nan. Cuộc sống của thầy cô giáo nơi đây cũng khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần. Với lại, thời tiết ở đây khắc nghiệt khiến nhiều thầy cô giáo đã xin chuyển công tác nơi khác. Là một hiệu trưởng, tôi luôn phải động viên những thầy cô giáo ở lại cố gắng bám trụ trường lớp, không thể vì khó khăn mà bỏ cuộc. Vì làm vậy là có tội với các em học sinh. Thế là anh em bắt tay nhau quyết tâm ở lại. Tất cả vì học sinh thân yêu”. Những ngày đầu, cán bộ giáo viên nhà trường phải chen chúc trong dãy nhà tập thể xập xệ với điều kiện sinh hoạt rất thiếu thốn. Nước sinh hoạt phải đi xa hàng cây số mới có được, gạo và thức ăn thì phải một tuần thậm chí cả tháng trời mới có người ngoài thị trấn Khe Sanh chở xe máy vào. “Đã thế, đường sá lúc trước đi lại khó khăn, giao thông cách trở, mùa nắng còn đi được chứ mùa mưa thì chịu. Cũng may dân bản tốt bụng nên đã giúp đỡ thầy cô rất nhiều”, thầy Hoàng Đức Trí, Bí thư chi bộ trường cho biết. Đáp lại ân tình của bà con dân bản dành cho mình, các thầy cô giáo đã khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm bám trụ để mang con chữ cho con em đồng bào. Thầy giáo trẻ Lê Quang Vĩnh, phụ trách lớp ghép 3, 4 tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng xã cho biết: “Em lên đây dạy đã được 3 năm, những ngày đầu em chỉ dạy học một buổi, một buổi vận động các em đến lớp nên rất vất vả. Lúc mới lên em cũng nản lắm, nhưng càng ở càng thấy thương các em học sinh, với lại dân bản tốt với mình lắm, anh em trong trường cũng thường động viên nên em đã ở lại”. Không chỉ thầy Giã, thầy Trí, thầy Vĩnh mà toàn bộ tập thể 20 cán bộ, giáo viên Trường PTCS Hướng Việt đều chung tâm huyết gắn bó với trường, lớp để truyền chữ cho các em. Với đặc thù là ngôi trường nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biệt lập của tỉnh Quảng Trị, nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm của tập thể giáo viên, học sinh, đến nay Trường PTCS Hướng Việt đã từng bước khẳng định chất lượng dạy và học của mình. Không chỉ dừng lại ở việc dạy và học trên lớp, hàng tuần, hàng tháng nhà trường còn tổ chức dạy phụ đạo, đi thực tế kiểm tra việc tự giác học tập ở nhà của học sinh; phát động phong trào “Tiếng kẻng học tập ở thôn bản”; tổ chức các hội thi văn hóa văn nghệ, ca múa hát tập thể, thi sáng tác báo tường… để giáo dục học sinh một cách toàn diện, khơi dậy không khí học tập vui tươi, phấn khởi trong toàn trường. Phong trào rèn luyện thân thể, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và lao động làm sạch trường lớp cũng được nhà trường chú trọng và đẩy mạnh. Để cho trường lớp thêm xanh- sạch- đẹp, ngày ngày trước mỗi buổi học các em học sinh đều vệ sinh trường, lớp sạch sẽ. Thói quen này được duy trì từ nhiều năm nay, tạo nên một nét đẹp của học sinh nơi đây. Nhà trường còn tổ chức trồng và bảo vệ cây xanh trong khuôn viên trường. Đến nay, nhà trường cùng các em học sinh đã trồng được 156 cây xanh tạo bóng mát như xà cừ, bàng, phượng… Đặc biệt trong năm học 2009- 2010 nhà trường còn đưa các trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống như dân ca, các điệu múa mang đậm tính dân tộc địa phương vào phong trào hoạt động của trường để giúp các em hiểu và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT