(QT) - Trung tuần tháng 7/2017, sự kiện Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị và Tổ chức Root of Peace (Hoa Kỳ) ký biên bản ghi nhớ về phân phối sản phẩm tiêu khô sang thị trường Hoa Kỳ đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
![]() |
Dây chuyền đóng gói, vận chuyển sản phẩm tinh bột sắn - một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị |
Theo báo cáo của ngành Công thương, trong giai đoạn 2006 - 2016, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2016 đạt mức 1,033 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn là 29,00%, trong đó giai đoạn 2006- 2010 với những thuận lợi của nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân 38,71% (từ 12 triệu USD trong năm 2005 lên đến 63 triệu USD trong năm 2010).
Đặc biệt trong giai đoạn từ 2014 -2016, kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn đạt mức trên 200 triệu USD/ năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm quặng và khoáng sản; gỗ tự nhiên và sản phẩm từ gỗ; thủy sản; gạo; sắn và các sản phẩm từ sắn; bánh kẹo và các sản phảm từ ngũ cốc; rau quả; phân bón; cao su; sắt thép; cà phê; hạt tiêu; gỗ rừng trồng... Tuy nhiên, nhóm hàng xuất khẩu đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực nông nghiệp như các sản phẩm có nguồn gốc từ cây công nghiệp và nông sản như cao su, cà phê, sắn và các sản phẩm từ sắn, rau quả, chiếm trên dưới 32% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.
Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như cao su, cà phê, sắn và hồ tiêu xuất khẩu ngày càng tăng từ 30,1 triệu USD năm 2010 lên 37,2 triệu USD năm 2015 và 33,64 triệu USD năm 2016. Đây là các mặt hàng xuất khẩu có tính bền vững cao cho nền kinh tế. Thị trường xuất khẩu gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia... và tiếp tục xuất sang các thị trường lớn, tiềm năng như Hoa Kỳ và châu Âu. Ông Lê Quang Nhật, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua là tinh bột sắn, hồ tiêu, cao su và viên nén năng lượng với giá trị xuất khẩu hàng năm khoảng 400 tỉ đồng.
Để hàng hóa tiếp cận với các thị trường trên thế giới, doanh nghiệp đã áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống các nhà máy chế biến, sơ chế, đóng gói theo quy chuẩn. Đặc biệt đã tích cực tham gia “liên kết 4 nhà’’ để xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đầu vào ổn định, sản phẩm có chất lượng. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, xây dựng và quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, kỹ năng xúc tiến, bán hàng. Trung tuần tháng 7/2017, tại sự kiện “Quảng bá địa phương tại Hoa Kỳ’’ với sự trợ giúp của Bộ Ngoại giao, sự hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp đã mang đến sản phẩm hồ tiêu để giới thiệu với thị trường Hoa Kỳ.
Tại đây, doanh nghiệp đã ký kết với tập đoàn Noble House Spice ở bang California và Tổ chức Root of Peace cam kết cùng nhau hỗ trợ phát triển cho nhãn hiệu tiêu Cùa ra thị trường thế giới, đặc biệt là chú trọng đến thị trường Mỹ và đảm bảo cho nhãn hiệu tiêu Quảng Trị được quảng bá rộng rãi về chất lượng đáp ứng vượt tiêu chuẩn quốc tế. Có thể nói đây là một cơ hội lớn để doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường lớn đầy tiềm năng như Hoa Kỳ và châu Âu.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh cho thấy, Quảng Trị hiện có trên 30.000 ha đất đỏ ba dan để phát triển cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, hồ tiêu. Sản lượng khai thác cao su đạt bình quân 13.000 - 14.000 tấn/năm, cà phê 5.000 - 6.000 tấn/năm, hồ tiêu 1.600 - 2.100 tấn/ năm. Ngoài ra, Quảng Trị còn có trên 100.000 ha rừng trồng sản xuất tập trung, trữ lượng 7,5 triệu m3 gỗ; sản lượng thủy hải sản hàng năm khai thác đạt 15.000 - 30.000 tấn. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Quảng Trị có những bước tiến lớn về hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Cùng với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, tỉnh Quảng Trị cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Phần lớn hàng nông, lâm sản được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, chất lượng thấp, bên cạnh đó, ngay tại “sân nhà”, hàng nông, lâm sản cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí cả Lào. Mặt khác, thiếu thông tin thị trường cũng khiến xuất khẩu nông, lâm sản suy giảm và công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế.
Chính vì vậy, tỉnh đã chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng: Mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố và phát triển các thị trường đã có và tìm kiếm thêm các thị trường, bạn hàng mới, giảm xuất khẩu qua các thị trường trung gian. Trong đó, mở rộng tối đa thị phần tại các thị trường có sức mua lớn; tích cực và chủ động tìm kiếm các thị trường mới ở Bắc Mỹ và Caribe, Nam Mỹ; đến năm 2030 xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng khoảng 31,3%, châu Á khoảng 49,6%, châu Mỹ khoảng 11,4%, các thị trường khác khoảng 7,7%.
Để làm được điều này, trước hết cần kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các ngành gắn với lợi thế cạnh tranh của địa phương như nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ phát triển sản phẩm, hỗ trợ phát triển thương nhân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xuất khẩu, quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc nâng cao năng lực kinh doanh, sản xuất sản phẩm có chất lượng theo tập quán thương mại quốc tế, liên kết sản xuất, xuất khẩu…
Lê Minh