“Người con” của quê hương Quảng Trị
(QT) - Ông Kim In tự nhận mình là một công dân Việt Nam, “người con” của Quảng Trị. Người đàn ông đến từ đất nước Hàn Quốc thường phấn khởi khi nghe ai đó bảo mình trông rất giống những người dân miền quê gió Lào, cát trắng. Có lẽ vì thế nên dẫu lịch làm việc kín đặc nhưng ông Kim In vẫn cố gắng thu xếp thời gian để trở về “quê hương”. Ông Kim In trở lại Quảng Trị vào buổi trưa nắng ấm của một ngày tháng 10. Lần hạnh ngộ này, ông đứng trên cương vị là Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn ...

“Người con” của quê hương Quảng Trị

(QT) - Ông Kim In tự nhận mình là một công dân Việt Nam, “người con” của Quảng Trị. Người đàn ông đến từ đất nước Hàn Quốc thường phấn khởi khi nghe ai đó bảo mình trông rất giống những người dân miền quê gió Lào, cát trắng. Có lẽ vì thế nên dẫu lịch làm việc kín đặc nhưng ông Kim In vẫn cố gắng thu xếp thời gian để trở về “quê hương”. Ông Kim In trở lại Quảng Trị vào buổi trưa nắng ấm của một ngày tháng 10. Lần hạnh ngộ này, ông đứng trên cương vị là Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phụ trách chiến lược và kế hoạch. “Người con” của mảnh đất Quảng Trị này vẫn giữ thói quen cũ là hạn chế thời gian dùng bữa cơm trưa để toàn tâm, toàn ý với công việc. “Vì khá bận rộn nên tôi cố gắng dành nhiều thì giờ nhất có thể để làm việc với chính quyền và người dân Quảng Trị. Tôi muốn giúp đỡ miền quê dấu yêu này nhiều chừng nào, tốt chừng ấy”, ông Kim In chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bức tranh gạo lưu niệm cho ông Kim In

Vài năm trước, chúng tôi từng gặp gỡ ông Kim In tại Quảng Trị. Bấy giờ, ông mới nhận nhiệm vụ Trưởng đại diện KOICA Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên về ông là một người có gương mặt phúc hậu và rất hay cười. Ông cho biết, trước khi đến Việt Nam làm Trưởng đại diện KOICA, bản thân đã đảm nhiệm trọng trách này tại 10 quốc gia khác. Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Hàn Quốc. Vì vậy, trước khi đến Việt Nam, ông đã tìm hiểu rất nhiều thông tin về đất nước, con người nơi đây. Càng tìm hiểu, ông càng cảm thấy gần gũi với quốc gia có dáng hình chữ S, trong đó Quảng Trị là mảnh đất được ông chú ý nhất. Ông Kim In chia sẻ: “Khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi nhận ra lịch sử của miền quê này có sự tương đồng đặc biệt với nơi mình chôn nhau, cắt rốn. Trong chiến tranh, nước Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng bị chia cắt bởi Vĩ tuyến 17. Ở quê hương tôi, Vĩ tuyến 38 là ranh giới chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia là CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953. Đến giờ, nơi đây vẫn tồn tại một giới tuyến quân sự và cả bức tường ngăn cách hai miền còn đồ sợ hơn cả bức tường Berlin ở nước Đức xưa kia. Đặc biệt, qua tiếp xúc, tôi cảm nhận rõ người Quảng Trị tuy còn nghèo khó nhưng mộc mạc và rất ân tình”. Sau chuyến thực địa, ông Kim In cùng đồng sự đã quyết định chọn Quảng Trị là một trong ba tỉnh được KOICA hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo mô hình Làng mới của Hàn Quốc. Từ đó, những chuyến thăm Quảng Trị của ông ngày một nhiều thêm. Ông Kim In đến những miền quê ở giới tuyến quân sự xưa để tìm hiểu cuộc sống của người dân; vào các cơ sở y tế thăm hỏi bệnh nhân nghèo; tham dự giờ học cùng các bạn trẻ…Trở lại Hàn Quốc, ông Kim In không ngừng trăn trở và thai nghén ý tưởng về các chương trình, dự án hỗ trợ người dân Quảng Trị trên các lĩnh vực y tế, đào tạo nghề, phát triển cơ sở hạ tầng như: Dự án Nâng cấp Trường Trung cấp nghề Quảng Trị; hỗ trợ xây dựng Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh; tặng máy móc, thiết bị cho các cơ sở y tế; đưa tình nguyện viên sang giúp đỡ người dân nước bạn…Đặc biệt, với phương châm “Vì một Quảng Trị Hạnh phúc hơn”, Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị đã mang niềm vui đến với người dân ở 7 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn tỉnh.

Ông Kim In (thứ 4, hàng dưới, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với người dân Quảng Trị

Vốn là người trọng tình nên ông Kim In luôn muốn các chương trình, dự án của KOICA được triển khai tại nước bạn phải xuất phát từ tấm lòng chứ không đơn thuần nằm ở ngân sách. Riêng Quảng Trị, ông đến với cả tình yêu. Mỗi khi làm việc dù với lãnh đạo tỉnh hay một anh nông dân, chị y sĩ.., ông cũng đứng ở vị trí là một người Quảng Trị, đang làm việc và cống hiến cho quê nhà. Một số cán bộ địa phương hóm hỉnh đề nghị ông Kim In đổi nơi khai sinh thành Quảng Trị. Nghe những lời ấy, ông nở nụ cười nhẹ nhõm. Cũng chính vì tình yêu dành cho Quảng Trị nên ông Kim In rất phấn khởi khi các dự án do KOICA hỗ trợ đã giúp tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và đặc biệt là nâng cao năng lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, đào tạo nghề… Trở về Hàn Quốc sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, ông Kim In đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch KOICA, phụ trách chiến lược và kế hoạch. Với vị trí này, những chuyến công cán nước ngoài của ông sẽ ít hơn so với thời làm Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam. Hôm chia tay với những người anh em thân thiết, ông Kim In chia sẻ, ông đến Việt Nam công tác lần đầu tiên vào năm 1993 với tư cách là đại diện KOICA Hàn Quốc sang để trao đổi kế hoạch hợp tác giữa KOICA với Chính phủ Việt Nam. Hơn 20 năm sau, Việt Nam trở thành điểm dừng chân cuối cùng trong quãng đường công cán nước ngoài của ông. Vì vậy, với ông Kim In, Việt Nam không chỉ là “mối tình đầu” mà còn là “tình cuối” trong quãng đời công tác nước ngoài của mình. Ông xúc động nói: “Trở về Hàn Quốc nhưng trái tim tôi vẫn ở lại Việt Nam. Ba năm trước, tôi là người Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc nhưng giờ đây, tôi là người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc”.

Ông Kim In (thứ 2, từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất của người dân huyện Triệu Phong

Những chia sẻ của ông Kim In lúc bấy giờ không mang tính xã giao mà thực sự xuất phát từ tấm lòng. Sau này, mỗi lần có các đoàn sang thăm Việt Nam và đến Quảng Trị, ông đều liên lạc để hỏi han về tình hình. Bản thân ông cũng tìm cơ hội để trở lại Quảng Trị trong thời gian sớm nhất. Bởi đối với ông Kim In, tháng ngày công tác tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Ông được làm những việc mà mình thích; đã có rất nhiều người bạn đáng quý; được học hỏi, trau dồi và mở rộng tấm lòng… Ông chia sẻ: “Hơn 30 lần đến Quảng Trị, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ nhất là chuyến thiện nguyện ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Bảo trợ xã hội tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh cách đây không lâu. Lúc ấy, tôi đã tập trung toàn bộ tình nguyện viên KOICA từ khắp các tỉnh, thành và kêu gọi những cán bộ Việt Nam từng được KOICA tạo điều kiện sang Hàn Quốc học tập cùng tụ họp ở Quảng Trị. Chúng tôi miệt mài dọn dẹp vệ sinh, nấu ăn cho các cụ già, em nhỏ ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Bảo trợ xã hội tỉnh cùng với đó là khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở huyện Vĩnh Linh. Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm này, tôi lại cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm. Có thể nói những kỷ niệm về Quảng Trị luôn in dấu trong lòng tôi. Thực sự, tôi rất muốn trở lại và có thêm nhiều kỷ niệm nữa”. Quỹ thời gian trong chuyến thăm Quảng Trị lần này của ông Kim In khá hạn hẹp. Tuy nhiên, ông vẫn thu xếp lịch trình về từng địa phương, đơn vị để tìm hiểu tình hình thực tế, từ đó tìm cách nâng cao chất lượng các chương trình, dự án cũ và lên những kế hoạch mới. Khi chia tay, mọi người đều bịn rịn. Một số cán bộ địa phương cảm ơn những đóng góp to lớn của ông Kim In. Khẽ nở nụ cười, “người con” đặc biệt của quê hương Quảng Trị chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng làm mọi điều có thể cho mảnh đất mà mình luôn xem là quê hương. Tôi yêu Quảng Trị với một tình yêu không điều kiện”. QUANG HIỆP .................... -Ảnh Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị cung cấp