Năng lực doanh nghiệp, nhìn từ việc cung ứng cọc bê tông
(QT) - Lãnh đạo Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị, một dự án năng lượng tái tạo có quy mô đầu tư 1.200 tỉ đồng ở huyện Gio Linh dự kiến được khánh thành, đưa vào hoạt động vào tháng 6/2019 thông tin tại một buổi làm việc: Để phục vụ thi công nhà máy, nhà đầu tư cần 23.000 cọc bê tông có kích thước 20 cm x 20 cm x 1.200 cm dùng làm trụ đỡ lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng phải đặt hàng cho doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Hà Nam cung ứng bởi DN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chào giá cao ...

Năng lực doanh nghiệp, nhìn từ việc cung ứng cọc bê tông

(QT) - Lãnh đạo Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị, một dự án năng lượng tái tạo có quy mô đầu tư 1.200 tỉ đồng ở huyện Gio Linh dự kiến được khánh thành, đưa vào hoạt động vào tháng 6/2019 thông tin tại một buổi làm việc: Để phục vụ thi công nhà máy, nhà đầu tư cần 23.000 cọc bê tông có kích thước 20 cm x 20 cm x 1.200 cm dùng làm trụ đỡ lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng phải đặt hàng cho doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Hà Nam cung ứng bởi DN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chào giá cao hơn và tiến độ thực hiện không theo kịp với yêu cầu.

Nghe thông tin trên, nhiều người không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi: Tại sao một sản phẩm mà hàm lượng công nghệ có thể nói là “không có gì”, sản xuất dễ dàng như cọc bê tông dùng làm trụ đỡ lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời và quãng đường vận chuyển sản phẩm này đến công trình có rất nhiều lợi thế nhưng DN địa phương lại “thất thủ” trước DN ngoài tỉnh? Nghe vậy, có người lí giải: Sản phẩm tuy đơn giản, vật liệu sản xuất và nhân công trên địa bàn rất sẵn nhưng DN địa phương không cạnh tranh được là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và kĩ năng quản trị, điều hành kém, trong khi đó DN ngoài tỉnh lại không có những điểm yếu này...

Câu chuyện trên cho dù không đại diện cho năng lực của tất cả các DN trên địa bàn tỉnh nhưng cũng phần nào phản ánh được “sức khỏe” của cộng đồng DN địa phương. Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.500 DN nhưng hầu hết DN đang hoạt động đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó quy mô siêu nhỏ là trên 2.700 DN, chiếm khoảng 80%; 650 DN có quy mô nhỏ, chiếm khoảng 18%, còn lại là DN có quy mô vừa. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công và phần lớn DN đều thiếu chiến lược sản xuất, kinh doanh mang tính đột phá; có rất ít DN làm ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm và khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh về Hành lang kinh tế Đông - Tây, các khu công nghiệp và khu kinh tế, dịch vụ logistics, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu khoáng sản chưa được DN địa phương đầu tư khai thác và phát triển hiệu quả. Gặp biến động về tình hình kinh tế, thị trường hoặc thay đổi, điều chỉnh về chính sách thì nhiều DN tạm dừng hoạt động hoặc phá sản... DN phát triển chưa như kì vọng cũng phản ánh thực tế là tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh chưa thực sự sôi động; nội lực của nền kinh tế vẫn chậm được cải thiện. Quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của không ít ngành, địa phương trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh có mặt còn thiếu chủ động, thiếu sự sáng tạo và quyết liệt...

DN ở một tỉnh cách xa Quảng Trị khoảng 500 km vượt qua DN địa phương trúng thầu sản xuất, cung ứng cọc bê tông dùng làm trụ đỡ lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời có thể chưa phải là một việc to tát nhưng vấn đề đặt ra là, muốn phát triển thì DN địa phương cần phải sớm khắc phục những điểm yếu, cần tự “nâng tầm” mình trên nhiều mặt và biết hỗ trợ, liên kết với nhau để thích ứng với quy luật của kinh tế thị trường cũng như đón đầu, phục vụ tốt mọi nhu cầu của các nhà đầu tư.

Huy Nam